6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Minh Hóa: Hướng đi mới từ trồng rừng bằng giống cây bản địa

- Advertisement -

Nhiều hộ nông dân ở huyện Minh Hóa đã chọn các giống cây gỗ rừng bản địa thay vì các giống keo, tràm… Việc làm này đang được lãnh đạo huyện Minh Hóa khuyến khích, hỗ trợ; hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường hiệu quả, đồng thời bảo tồn được nhiều giống cây bản địa quý hiếm.

Nhiều mô hình hiệu quả

Chị Hồ Thị Thoi (xã Trọng Hóa, Minh Hóa) được nhiều người biết đến bởi chị vừa là Bí thư Đảng ủy xã, vừa là tấm gương trong phong trào phụ nữ người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, chị Thoi là một trong những người đi đầu trong thực hiện chương trình trồng rừng phát triển kinh tế của huyện.

Năm 2010, Dự án khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng triển khai trồng rừng bằng giống cây bản địa (lim, trám) ở xã Trọng Hóa, chị Thoi là một trong những người đầu tiên của xã nhận đất trồng rừng cho dự án.

Đến nay, nhờ kiên trì chăm sóc, khu rừng lim và trám rộng gần 3ha của gia đình chị phát triển tốt. Theo chân chị Thoi vào thăm khu rừng, chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào một khu rừng tự nhiên với hàng trăm cây lim, trám thẳng tắp, cao hơn 10 mét đã bắt đầu khép tán.

Không chỉ chị Thoi, ở các xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn, nhiều hộ gia đình đã nhận trồng rừng bằng các giống cây bản địa cho Dự án khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng và mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường cao, như: ông Hồ Mi, Hồ Thắng, Hồ Đăm (Trọng Hóa), Phan Thanh Chương (Hóa Sơn)…

Không thực hiện trồng rừng theo Dự án khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng ông Trương Quốc Đô ở xã Tân Hóa hiện đang khoanh nuôi, bảo vệ một khu rừng tự nhiên gần 17ha gồm nhiều giống cây bản địa quý hiếm, như: lim, cây đỏ lòng, ngát, trám…

Minh Hóa: Hướng đi mới từ trồng rừng bằng giống cây bản địaKhu rừng được trồng bằng giống cây bản địa của chị Hồ Thị Thoi ở xã Trọng Hóa.

Đặc biệt, hiện ông Đô là một trong số ít người ở Quảng Bình có một rừng lim lớn đến vậy. Theo thống kê sơ bộ, khu rừng của ông Đô có hàng nghìn cây lim lớn nhỏ, trong đó có hàng trăm cây cao hàng chục mét, có đường kính từ 0,5 đến 1m.

Theo lời ông Đô, để có một khu rừng lim và nhiều giống cây bản địa quý hiếm khác như hôm nay, hơn 20 năm qua, ông đã không một ngày ngơi nghỉ, dày công chăm sóc, bảo vệ và trồng dặm thêm. Ông Đô kể, đây là cánh rừng mà gia đình ông nhận khoanh nuôi bảo vệ từ năm 1993.

“Ngày đó, khu rừng này cũng đã bị khai thác đến kiệt quệ, tuy nhiên, nhận thấy khu vực có nhiều cây lim nhỏ mới mọc, tôi mới làm đơn xin với chính quyền địa phương 17ha rừng. Ngoài việc khoanh nuôi, bảo vệ, nhiều năm qua, tôi dành nhiều thời gian vào rừng tìm giống cây lim và nhiều giống cây bản địa khác về trồng dặm thêm…”, ông Đô chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo lời ông Đô, để chăm sóc, bảo vệ được khu rừng cũng không phải dễ dàng. Nhiều năm qua, gia đình ông phải đối mặt với nhiều hiểm nguy để chống chọi lại với những kẻ rắp tâm phá hoại khu rừng.

“Có lần đang buổi trưa, nghe tiếng máy cưa trên rừng, tôi tức tốc chạy lên, thấy trước mắt là một nhóm lâm tặc dùng máy cưa và các phương tiện hỗ trợ khác chuẩn bị hạ một cây lim to. Thấy vậy, tôi lao vào ôm lấy thân cây lim, nhóm lâm tặc kia hung hăng định lao vào đánh nên tôi chạy về gọi con cái, báo với chính quyền địa phương cùng lên hỗ trợ mới đuổi được bọn chúng”, ông Đô kể.

Một hướng đi tiềm năng

Không chỉ có chị Thoi, ông Mi, ông Thắng, ông Đô…, hiện ở huyện Minh Hóa có nhiều hộ dân đã chọn hướng trồng rừng bằng các giống cây bản địa, như: lim, trám, huỵnh, trầm gió…

Hiện nay, nhiều giống cây rừng bản địa đã được nông dân ở trong huyện và tỉnh gieo ươm thành công nên việc trồng rừng bằng các giống cây bản địa trở nên dễ dàng hơn. Cùng với việc tập trung chuyển đổi trồng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn, lãnh đạo huyện Minh Hóa cũng chỉ đạo chính quyền các xã  khuyến khích người dân trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hóa Thanh cho biết, cơn bão số 10 năm 2017 đã làm phần lớn diện tích rừng trồng nguyên liệu của xã bị gãy đổ. Hiện nay, xã Hóa Thanh đang thực hiện việc khôi phục, trồng lại những diện tích rừng mà cơn bão đã tàn phá.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10, hiện xã đang chỉ đạo và hỗ trợ người dân thực hiện việc chuyển đổi từ trồng rừng nguyên liệu sang trồng cây gỗ lớn bằng giống cây cấy mô thay vì giống dâm hom như trước đây.

“Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích bà con thực hiện trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa, như: lim, táu, huỵnh…Hiện chúng tôi đã hỗ trợ một số hộ dân thực hiện mô hình trồng rừng bằng giống cây bản địa, bước đầu, cây phát triển rất tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao như mô hình của ông Đinh Thanh Hồng ở thôn Thanh Lâm. Ông Hồng trồng hơn 1ha rừng bằng các giống cây bản địa và hiện khu rừng này đang phát triển tốt, cây lên rất đẹp”, ông Sơn nói.

Ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa cho biết, hiện huyện Minh Hóa đang có chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân trồng rừng bằng giống cây bản địa. Theo đó, huyện đang triển khai thí điểm mỗi xã một mô hình trồng rừng bằng giống cây bản địa, như: lim, dỗi, huỵnh, trầm gió…, để nhân rộng trong thời gian sắp tới.

Tham gia mô hình này, các hộ dân được huyện hỗ trợ với mức trung bình khoảng 18 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón và công chăm sóc. “Chúng tôi xác định trồng rừng bằng giống cây bản địa thì thời gian có thể khai thác thường dài gấp đôi rừng trồng nguyên liệu bằng giống cây keo, tràm, tuy nhiên hiệu quả kinh tế lại gấp vài chục lần.

Trồng rừng cây bản địa không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá, lâu dài cho bà con mà còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn nhiều giống cây rừng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên do nạn khai thác rừng bừa bãi”, ông Tuyết chia sẻ.

Phan Phương

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm