6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Muối Quảng Phú qua ngày… bĩ cực

- Advertisement -

Hơn 2 năm sau sự cố môi trường biển, làng muối Phú Lộc, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) đang trở lại nhịp hối hả vốn có. Nụ cười lại rạng rỡ trên môi những diêm dân cần mẫn, quen với cái nắng chói chang nơi đây. Có thể nói, trải qua những tháng ngày bĩ cực ấy, nghề truyền thống của làng đã thực sự được hồi sinh.

Phục hồi làng muối

Chọn một ngày nắng “đậm” tháng 8, chúng tôi về thăm làng nghề sản xuất muối Phú Lộc. Đây là khoảng thời gian các diêm dân tập trung nguồn lực cho vụ sản xuất cuối của năm.

Được tận mắt chứng kiến cảnh bà con chạy đua với thời tiết nắng nóng để chắt chiu những tinh túy của biển, làm ra hạt muối mặn mòi bằng tình yêu của họ với nghề, chúng tôi hiểu hạt muối của làng đã thực sự lấy lại được “phong độ” sau bao nhiêu thăng trầm do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, của những biến động vì giá muối.

Muối Quảng Phú qua ngày... bĩ cựcNghề làm muối tuy vất vả nhưng có giá trị kinh tế cao gấp 5 lần làm nông.

Còn nhớ vào thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, nhiều làng biển tỉnh ta, trong đó có Quảng Phú lâm vào cảnh lao đao, “ngoắc ngoải” tìm hướng đi. Đã có lúc nghề của làng tưởng chừng như bị “xóa sổ”.

Muối làm ra chẳng ai dám mua, thời điểm ấy, cả gần 300 hộ làm nghề của làng đều ngừng sản xuất. Ruộng muối để hoang, thu nhập giảm sút, đời sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Nghề làm muối phụ thuộc vào nguồn nước biển. Phương pháp sản xuất muối được tiến hành qua việc đưa nước biển khi thủy triều lên vào các con mương để chảy tới các ô nước. Chính vì vậy, làm muối là nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cố môi trường biển. Nếu biển chết, nghề của làng cũng không còn đường sống”. Và đến bây giờ, khi biển “sống lại”, nghề làm muối của Phú Lộc cũng được cứu nguy.

- Advertisement -

Đưa tay chấm những giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt đen xạm vì nắng, vì hơi muối, ông Lê Văn Thường (thôn Phú Lộc 1) hồ hởi khoe: “Làm muối tuy là nghề phụ nhưng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi. Mấy chục năm qua, nghề không chỉ giúp gia đình tôi thoát nghèo, tạo điều kiện cho con cái ăn học mà còn giúp tôi xây cất được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Vụ muối năm nay, gia đình tôi đưa vào sản xuất 1,5 ha. Tính ra bình quân, mỗi ngày, chúng tôi sản xuất được khoảng 2 tấn muối, thu hơn 2,6 triệu đồng. Năm nay, muối được giá nên bà con ở đây phấn khởi lắm”.

Gia đình ông Thường có truyền thống làm muối đã gần 20 năm nay. Gắn bó với hạt muối từ thuở hàn vi cho đến khi xây dựng được cuộc sống ổn định, “có của ăn của để”, người diêm dân cần mẫn ấy luôn coi hạt muối như chính linh hồn của Quảng Phú. Và hết thảy diêm dân nơi đây đều như thế.

Một ngày làm việc của những người làm muối thường bắt đầu từ sáng sớm, khi mặt trời chưa ló rạng. Sau khi đóng muối để các tư thương đến thu mua tận nơi, những diêm dân lại kiểm tra nước trên những ô kết tinh rồi tuỳ theo đó mà chêm nước để giúp lượng muối kết tinh tăng thêm độ dày.

Đến khoảng 4h chiều, khi muối đã đóng thành hạt, họ bắt đầu thu hoạch sản phẩm sau một ngày giang nắng. Mọi công đoạn từ khi lấy nước vào, lọc nước, phơi nước, đến khi thu muối thường phải kết thúc trong ngày.

Nghề làm muối xuất hiện ở Quảng Phú từ những năm 1960, khởi thủy từ việc chưng nước biển lấy muối phục vụ nhu cầu gia đình, rồi sau mở rộng thành một làng nghề. Sau giải phóng, có một thời gian làng nghề gần như bị lãng quên, nhưng đến năm 1990, làng muối “sống” lại, phát triển và tới nay có gia đình sinh lợi được tới 150 triệu đồng/vụ muối.

Hiện tại, Quảng Phú có 74,81 ha đất sản xuất muối, tập trung ở 4 thôn Phú Lộc 1,2,3,4 với 268 hộ và hơn 600 lao động làm nghề. Với sản lượng bình quân 100 tấn/1 ha/mùa (trị giá khoảng 100-150 triệu đồng), tính ra sản lượng muối bình quân hàng năm của Quảng Phú đạt khoảng 6.000-7.500 tấn, đạt doanh thu 9-11 tỷ đồng.

“Có thể khẳng định, làm muối có giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần so với làm ruộng. Từ bao đời nay, đồng muối Quảng Phú đã giúp bao người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Những hộ làm nhiều thì chẳng mấy chốc mà vươn lên giàu có, xây dựng được cơ ngơi nhiều người mơ ước. Người dân làng tôi tự hào về nghề làm muối lắm”, ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.

- Advertisement -

Cần hướng đi bền vững

Nghề làm muối vốn chịu tác động của nhiều yếu tố nên trải qua không ít thăng trầm, chịu bao phen lao đao, lận đận. Ngoài sự cố môi trường biển, những năm qua, muối Quảng Phú gặp không ít khó khăn, thách thức trong vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”.

Vốn chịu sự chi phối bởi thời tiết nên năng suất, sản lượng qua mỗi mùa của muối Quảng Phú luôn có sự biến động. Năm nào thời tiết thuận lợi, nắng nhiều thì muối được mùa. “Tuy nhiên, cứ hễ muối được mùa thì tư thương lại ép giá, khiến giá muối giảm sút. Sản phẩm làm ra diêm dân phải tự đem ra chợ bán, bán cho tư thương hoặc bán cho các hộ chế biến hải sản, nhưng lượng tiêu thụ chẳng đáng là bao, dẫn đến tình trạng muối tồn đọng khá nhiều.

Thậm chí có thời điểm giá muối “rớt” thảm hại khiến bà con diêm dân nản chí muốn bỏ nghề”, ông Khanh chia sẻ. Và một điều nghịch lý là những năm giá muối cao thì diêm dân mất mùa. Như năm nay, thời tiết không mấy thuận lợi, mùa mưa đến sớm hơn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất muối của bà con. Sản lượng muối vì thế giảm sút hẳn.

Một khó khăn khác mà muối Quảng Phú đang gặp phải chính là việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của các hộ diêm dân. Với lối sản xuất này, các hộ gia đình tự quản lý ruộng muối của mình. Và muối làm xong họ thường để ngay trên ruộng gây nên tình trạng thất thoát khi gặp mưa, làm giảm đáng kể năng suất, sản lượng. Cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường, các diêm dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Muối Quảng Phú qua ngày... bĩ cựcHiện tại, xã Quảng Phú cần sự hỗ trợ, đầu tư để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng muối.

Bên cạnh đó, với công nghệ sản xuất truyền thống, muối không đủ sức cạnh tranh với các loại muối hiện có trên thị trường, bị thương lái chèn ép giá. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên đồng muối chưa hoàn chỉnh, đồng bộ cũng gây ra không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất của làng nghề.

Năm 2017, Tổng Công ty muối Việt Nam đã đầu tư gần 59 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng các hạng mục hệ thống đê bao quanh, các tuyến đường bê tông nội đồng và các tuyến kênh chính dẫn và thoát nước tại cánh đồng muối.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư trên chưa bảo đảm để xây dựng hết các hạng mục, nên việc cải tạo hệ thống kênh tưới, tiêu tại cánh đồng muối chưa được hoàn thiện, dẫn đến bà con diêm dân đành phải bỏ hoang trên 20 ha ruộng muối vì không có hệ thống kênh tưới, tiêu.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho diêm dân sản xuất, hiện tại, xã rất cần sự quan tâm, đầu tư nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, nhằm giữ ổn định giá, đầu ra cho hạt muối, chính quyền xã Quảng Phú đang xây dựng kế hoạch thành lập HTX làng nghề.

Hiện tại, chúng tôi đã bàn bạc, hội ý trong cốt cán các thôn có nghề làm muối và bước đầu đã tham khảo ý kiến người dân. Hy vọng, HTX sẽ sớm được thành lập để giúp bà con ổn định sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Phi Khanh bày tỏ.

Tâm An

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm