6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bố Trạch: Phát huy dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

- Advertisement -

Bài học thực tiễn rút ra từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh ta những năm gần đây cho thấy, ở đâu đề cao vai trò của người dân, thực sự phát huy dân chủ ở cơ sở thì ở đó, xây dựng NTM sẽ đạt được hiệu quả cao nhất. Ngược lại, địa phương nào chưa phát huy vai trò, tinh thần dân chủ, chưa giải quyết hài hòa lợi ích của người dân thì lộ trình về đích nông thôn mới ngày càng gập ghềnh và nhiều khó khăn.

Câu chuyện về các khoản thu nộp trong năm 2018 ở xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Xuất phát từ phiếu thu nộp mà một người dân ở đây cho là phi lý và có sự trùng lặp.

Cụ thể, trong phiếu thu của một hộ dân ở thôn Tây Nẫm có 12 khoản thu; trong đó có thu đóng góp đối ứng làm đường giao thông liên thôn 150.000 đồng/khẩu, thu xây dựng đường giao thông nội thôn từ 1.000.000 đồng đến 2.600.000 đồng/hộ; thu tiền xây dựng đường ra khu nghĩa trang Chó Nổ 600.000 đồng/hộ.

Ngoài ra, còn có những khoản thu khác, như: hương ước 120.000 đồng/khẩu, đối ứng xây dựng trường học 120.000 đồng/khẩu, thu tiền bảo vệ nhà văn hóa thôn, bảo vệ đồng, tiền dẫn nước và các loại quỹ.

Với các khoản thu tính theo khẩu, đối tượng thu từ 6 tuổi đến 60 tuổi đối với nam và 6 đến 55 tuổi đối với nữ. Theo mức thu như vậy, một hộ dân ở thôn Tây Nẫm, xã Cự Nẫm (trừ trường hợp hộ nghèo, gia đình có người đau ốm hoặc nuôi con dưới 6 tháng) phải đóng ít nhất 1,4 triệu đồng.

Ông Hà Vĩnh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Theo kết quả kiểm tra, xác minh của UBND huyện Bố Trạch, trong 12 khoản thu năm 2018 tại xã Cự Nẫm có 10 khoản thu là phù hợp với quy định tại Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở và quy định về thu hội phí các hội; 1 khoản thu không đúng quy định (thu dẫn nước vào ruộng); 1 khoản thu mà thôn Tây Nẫm đứng ra thu là không phù hợp (thu bảo vệ đồng).

Bố Trạch: Phát huy dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mớiXã Cự Nẫm nỗ lực cán đích nông thôn mới trong năm nay.

Đối với 3 khoản thu về xây dựng đường giao thông nông thôn (thu đối ứng xây dựng đường giao thông liên thôn 600.000 đồng, thu làm đường nội thôn 600.000 đồng, thu làm đường ra nghĩa trang Chó Nổ 200.000 đồng), mặc dù có chung mục đích là đóng góp để làm đường giao thông, nhưng với các tuyến đường khác nhau, đối tượng thu khác nhau và tổ chức thu khác nhau.

- Advertisement -

Theo đó, khoản thu xây dựng đường giao thông liên thôn do UBND xã tổ chức thu với mức thu 150.000 đồng/khẩu để xây dựng một số tuyến đường giao thông liên thôn; thu xây dựng đường nội thôn do thôn vận động thu, mức thu giữa các thôn là khác nhau, như: thôn Tây Nẫm 3 năm trước không thu đóng góp xây dựng đường nội thôn, năm 2018 vận động thu 600.000 đồng/hộ (các thôn khác thu 200.000 đồng/hộ/năm); thu làm đường ra nghĩa trang do Ban vận động của xã thu và quản lý chi và chỉ thu từ các hộ có lăng mộ ở khu vực này (kể cả một số hộ có hộ khẩu ở xã khác cũng đóng góp), năm 2018 thu 200.000 đồng/hộ.

Tuy nhiên, do UBND xã Cự Nẫm thông báo chung về cho các hộ dân mà không giải thích kỹ cho người dân hiểu rõ nội dung các khoản thu, nên có sự hiểu nhầm là các khoản thu có sự chồng chéo, trùng lắp. Việc UBND xã Cự Nẫm ủy quyền cho các thôn thu hộ các khoản thu xã quản lý nhưng không viết biên lai giao cho các hộ dân là sai quy định”.

Theo lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện Bố Trạch, xã Cự Nẫm là địa phương phấn đấu về đích trong năm nay. Nhưng do quá trình triển khai chưa chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, nhiều khoản tiền tiến hành thu cùng lúc gây khó khăn cho người dân cũng như dẫn đến những thắc mắc không đáng có.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho hay: “Để tiến hành các khoản thu đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng năm 2018, UBND xã Cự Nẫm đã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, báo cáo HĐND xã và đã được HĐND xã thông qua tại kỳ họp cuối năm 2017.

Trên cơ sở đó, UBND xã tổ chức hội nghị cốt cán của các thôn và triển khai lấy ý kiến nhân dân về kế hoạch huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã năm 2018, được nhân dân 13/13 thôn và trên 70% số hộ dân tán thành. UBND xã tiến hành giao cho các thôn thực hiện thu theo kế hoạch”.

Thực tế, việc phát huy dân chủ ở cơ sở là chìa khóa để tạo sự đồng thuận cũng như huy động sức dân. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, không chỉ là khẩu hiệu mà phải đi từ nhận thức đến việc làm. Đối với chương trình quan trọng và lâu dài như xây dựng NTM, người dân có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là người thực hiện, vừa trực tiếp hưởng lợi.

Do vậy, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu nhằm phát huy vai trò chủ động, tích cực của người dân. Mặt trận và các đoàn thể cần phải phát huy trò trong việc bàn bạc, lấy ý kiến của người dân đối với tất cả các công trình tại địa phương; đồng thời giám sát chặt chẽ việc thu, chi, quản lý, sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Sau 6 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Bố Trạch đã có 11 xã về đích NTM (Hoàn Trạch, Hải Trạch, Bắc Trạch, Đại Trạch, Thanh Trạch, Đồng Trạch, Trung Trạch, Đức Trạch, Vạn Trạch, Tây Trạch, Hạ Trạch); 5 xã đạt 15 đến 17 tiêu chí (Nhân Trạch, Nam Trạch, Cự Nẫm, Hòa Trạch và Lý Trạch); 10 xã đạt 10 đến 14 tiêu chí và 3 xã đạt 5 đến 9 tiêu chí.

- Advertisement -

Theo ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, quan điểm của chính quyền huyện là không nóng vội; lồng ghép các chương trình dự án, huy động các nguồn lực của địa phương và sức dân để hoàn thành mục tiêu đề ra nhưng phải có sự cân đối, phù hợp khả năng kinh tế của người dân.

Sau khi kiểm tra, xác minh thông tin vì những ý kiến phản ánh của người dân, UBND huyện Bố Trạch yêu cầu UBND xã Cự Nẫm và các ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung: chấm dứt việc “thu tiền dẫn nước vào ruộng” không đúng quy định, đồng thời bố trí kinh phí từ nguồn thủy lợi phí mà UBND huyện đã cấp về xã để hợp đồng người dẫn nước vào ruộng theo đúng quy định; yêu cầu chỉ đạo thôn Tây Nẫm và các thôn khác (nếu có) không được đứng ra thu hộ tiền “bảo vệ đồng” của người dân, phải để các hộ dân tự bàn bạc thống nhất thu, tự tổ chức thu và hợp đồng người bảo vệ đồng; chấm dứt việc thu các loại quỹ theo quy định bằng phiếu thu, phải sử dụng biên lai thu tiền theo quy định của Bộ Tài chính khi thu các loại quỹ và các khoản thu tiền đóng góp của người dân.

Đặc biệt, xã Cự Nẫm nói riêng và các xã trên địa bàn nói chung cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích trong việc thu đóng góp để người dân hiểu rõ, phát huy được dân chủ cơ sở và tạo đồng thuận cao nhằm động viên nguồn lực trong dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.

Hương Trà

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm