7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chuyện những người anh hùng của biển

- Advertisement -

Trong ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, anh Dương Đình Tuyển (sinh năm 1964 tại xã Tây Trạch, Bố Trạch), con trai liệt sĩ Dương Đình Văn kính cẩn thắp nén hương lên bàn thờ cha. Bàn thờ không có di ảnh, chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công và bức ảnh đoàn tàu không số. 

Sinh năm 1940, ông Dương Đình Văn nhập ngũ năm 1963 và được biên chế vào quân số của Tàu 165 thuộc Đoàn tàu không số (Đoàn 125). Khi ông nhập ngũ, con gái ông mới lên ba tuổi và con trai mới chỉ là bào thai hai tháng tuổi trong bụng mẹ. Ngày tiễn ông lên đường, cả gia đình không thể hình dung đó là lần gặp gỡ cuối cùng của họ.

Tàu 165 là một trong số 4 tàu được chỉ huy Đoàn 125 lựa chọn tiếp tế vũ khí cho quân và dân miền Nam trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968. Cùng với 17 đồng đội của mình, đêm 25-2-1968, ông Dương Đình Văn lên tàu, xuất phát tại một địa điểm bí mật tại Hải Phòng và thẳng hướng bến Vàm Lũng (Cà Mau).

Theo kế hoạch, 4 tàu sẽ cùng có mặt tại các bến trong một đêm. Tàu nào không vào được thì nghi binh để thu hút địch cho tàu đồng đội cập bến. Đây là một trong những chuyến đi đặc biệt quan trọng của kế hoạch tuyệt mật, cán bộ, thuỷ thủ trên tàu đều quyết tâm cao với phương châm thận trọng và táo bạo.

Khi các tàu xuất phát, tại Sở Chỉ huy Đoàn 125, chỉ huy và đồng đội của họ dõi theo hành trình của các con tàu để hỗ trợ xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Và những bức điện của 4 con tàu lần lượt bay về với nội dung “Chúng tôi gặp địch!”.

Chuyện những người anh hùng của biểnBức ảnh đoàn tàu không số trên bàn thờ liệt sĩ Dương Đình Văn.

Trong câu chuyện về người cha mà mình chưa từng biết mặt, anh Dương Đình Tuyển chỉ biết cha anh hy sinh khi đang cùng với 17 đồng đội trên Tàu 165 tại khu vực bến Vàm Vững, Cà Mau. Còn trong cuốn “Huyền thoại tàu không số”, nhà văn Đình Kính kể lại những phút giây cuối cùng của Tàu 165.

“18 giờ ngày 29-2-1968, Sở Chỉ huy Đoàn 125 nhận được bức điện thứ nhất của Tàu 165 với nội dung “Chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi qua tầu – Lương” (chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương). Bức điện thứ hai đề lúc 1 giờ ngày 1-3-1968: “Chúng tôi gặp tám tầu địch bao vây. Quyết cảm tử!”. Đó cũng là bức điện cuối cùng của Tàu 165 gửi về Sở Chỉ huy.

- Advertisement -

Cũng thời điểm đó, tại bến Vàm Vững, Cà Mau, những đồng đội của họ đang ngóng đợi Tàu 165 cập bến. Kế hoạch đón tiếp, hỗ trợ để tàu cập bến an toàn, thuận lợi đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Theo lời kể của những người đồng đội còn sống, dù đã nhiều lần chờ đón tàu, nhưng không hiểu sao dịp ấy, nỗi âu lo dường như nhân lên gấp nhiều lần. Mới chập tối ngày 29-2-1968, họ đã có mặt ở các vị trí quy định và dõi mắt nhìn ra biển trông chừng. Cho đến một giờ sáng, từ ngoài khơi bỗng có nhiều ánh lửa và những đường đạn vạch ánh sáng lên trời. Những trái tim họ thắt lại bởi biết rằng ngoài kia, đồng đội họ đang đương đầu với quân địch hung hãn và nhiều mưu kế.

Và hai mươi phút sau, từ giữa biển, một cột lửa hình nấm vọt lên cùng với tiếng nổ lớn. Trong phút chốc, tàu 165 chìm vào biển cả, mang theo trong mình 18 cán bộ, thuỷ thủ. Những cái tên mà nhiều năm sau đồng đội của họ vẫn còn nhớ và nhắc lại từng người.

Đó là thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm; chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương; thuyền phó Hoàng Văn Tuyết, Nguyễn Văn Thông; Phó chính trị viên Nguyễn Văn Danh; thợ máy Nguyễn Văn Thị, Trần Văn Dựng, Nguyễn Duy Tạo; báo vụ Lý Khánh Hồng và Vương Văn Diêng; thủy thủ trưởng Nguyễn Kính; hàng hải Nguyễn Văn Em và Mai Đức Long; y tá Dương Đình Văn; thủy thủ Trần Văn Quồi, Phạm Văn Phương, Trần Văn Bé; cơ yếu Vũ Hữu Nghị. Năm đó, ông Dương Đình Văn tròn 28 tuổi, còn những đồng đội của ông có nhiều người còn rất trẻ, tuổi chỉ mới trên dưới hai mươi.

Những ngày sau đó, dù hy vọng mong manh nhưng đồng đội họ ra sức kiếm tìm dọc bờ biển. Nhưng đáp lại sự mong mỏi và hy vọng của họ chỉ là âm vang của tiếng sóng biển cùng vài mảnh vỡ con tàu được sóng xô dạt vào bờ. 18 cán bộ, thuỷ thủ đã hy sinh, máu thịt họ hoà tan vào biển cả. 

50 năm đã đi qua từ ngày cha anh, liệt sĩ Dương Đình Văn cùng 17 đồng đội trên Tàu 165 hy sinh, đau đáu trong lòng anh Tuyển và người chị gái là nỗi khát khai tìm được một bức ảnh của cha. Họ đã gặp gỡ nhiều đồng đội của cha nhưng vô vọng.

“Ngày ấy, tôi nghe mẹ kể, nhận được một bức thư của cha cũng đã là vô cùng khó khăn. Là đơn vị bí mật, từ ngày lên đường, gia đình rất ít nhận được thông tin về cha. Và trong suốt năm năm nhập ngũ cho đến ngày gia đình nhận được tin cha hy sinh, cha tôi chưa một lần về thăm nhà. Chúng tôi ngóng đợi mỏi mòn, nhưng lòng vẫn tự hào bởi biết cha và đồng đội đang làm nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng!”.

Và bây giờ, trong ngôi nhà mới vừa được quỹ Vừ A Dính, Lữ đoàn 83 Hải quân hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng, trên bàn thờ liệt sĩ Dương Đình Văn là bức ảnh đoàn tàu không số và tấm bằng Tổ quốc ghi công.

- Advertisement -

Và dù chưa một lần được gặp mặt cha hay thắp hương lên phần mộ, bởi cha anh cùng bao thuỷ thủ trên những con tàu không số đã hoà tan vào biển cả, thì trong tim anh Tuyển và người thân, cha anh và những người đồng đội mãi mãi là những người anh hùng của biển.

Ngọc Mai

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm