6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Xây dựng thương hiệu nông sản: Tránh những bước đi nửa vời!

- Advertisement -

Những năm gần đây, câu chuyện về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đã nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân. Sau nhiều cố gắng, một số thương hiệu đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan trọng hơn, người tiêu dùng đã nhiệt tình đón nhận và tin tưởng. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thương hiệu là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi sự quyết tâm, trách nhiệm và dám nghĩ, dám làm, tuyệt đối không có chỗ cho tư tưởng nửa vời và ỷ lại!

Khoảng vài năm trở lại đây, người tiêu dùng Quảng Bình đã bắt đầu quen với tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices), nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

Giữa điệp khúc “được mùa mất giá” quen thuộc với người nông dân, đã xuất hiện những cá nhân, tổ hợp tác mạnh dạn khởi nghiệp bằng các mô hình nông nghiệp sạch. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với quyết tâm của mình cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, các dự án, một số sản phẩm của các cơ sở đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, được người tiêu dùng tín nhiệm, như: rau sạch An Nông, nấm sạch Tuấn Linh, dưa hấu Hàm Ninh.

Một số sản phẩm khác được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã trở thành thương hiệu mạnh, như: dầu lạc Phong Nha, gạo P6, rau sạch Đông Dương…

Xây dựng thương hiệu nông sản: Tránh những bước đi nửa vời!Rau sạch An Nông không chỉ là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, được người tiêu dung tin cậy, mà còn là điểm tham quan lý tưởng của học sinh.

Đó là những tín hiệu vui cho người sản xuất và người tiêu dùng. Thế nhưng bên cạnh những sản phẩm đã có chỗ đứng vững vàng, tiếp tục được đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, thì có những thương hiệu vừa được chứng nhận VietGAP xong đã “chết yểu”.

Điển hình như sản phẩm dưa hấu của Tổ hợp tác dưa hấu Hàm Ninh (Quảng Ninh), sau một năm được chứng nhận VietGAP, ngày 25-9-2017 đã bị cơ quan chức năng thu hồi chứng chỉ.

Tương tự, trước đó, Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Đức Hoa (Đức Ninh, thành phố Đồng Hới) cũng đã không tiến hành các quy trình để tiếp tục được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP lần hai. Thế là sau bao nỗ lực, những sản phẩm này lại trở về vạch xuất phát, tiếp tục đối mặt với điệp khúc buồn “được mùa mất giá” đã quá quen thuộc với người nông dân.

- Advertisement -

Việc dưa hấu Hàm Ninh bị thu hồi chứng chỉ, rau sạch Đức Hoa bỏ ngỏ việc đăng ký lại đều có nguyên nhân chung là các tổ hợp tác thiếu kinh phí để tiến hành các quy trình theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Có một điểm chung nữa là dưa hấu Hàm Ninh và rau sạch Đức Hoa đều là sản phẩm nhận được sự tài trợ từ các đề tài, chương trình của huyện Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới thông qua các mô hình tổ hợp tác.

Và trên thực tế, khi các đề tài, chương trình kết thúc, không còn nguồn kinh phí hỗ trợ, các tổ hợp tác và tổ viên đều buông xuôi bởi những lý do, như: thiếu kinh phí, chi phí sản xuất sản phẩm theo quy trình VietGap quá cao, sản phẩm chưa có chỗ đứng vững vàng trên thị trường…

Thực tế cho thấy, những sản phẩm đã và đang tồn tại, phát triển hiệu quả đều là bắt nguồn từ những cá nhân tâm huyết, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư và quyết tâm vượt qua nhiều rào cản. Sự thành công hay thất bại của sản phẩm trên hành trình xây dựng thương hiệu, những cá nhân này đều trực tiếp gặt hái hay gánh chịu.

Còn mô hình các tổ hợp tác được nhận kinh phí tài trợ từ các chương trình, đề tài, dự án, không ít tổ viên tham gia với tâm thế bình thản, bởi nếu thành công thì tốt, thất bại cũng không sao bởi họ không trực tiếp chịu trách nhiệm. Khi chương trình, đề tài, dự án kết thúc, họ cũng dễ dàng buông tay bởi rất nhiều lý do, mà phía sau những lý do ấy chính là sự trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương.

Chính những suy nghĩ này của người nông dân đã tạo nên những bước đi nửa vời trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, khiến họ mãi loay hoay trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” từ bao năm nay.

Đồng hành và hỗ trợ người nông dân trong sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản một cách bền vững là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên để người nông dân phát huy được tính chủ động, hiệu quả trong sản xuất, cơ quan chức năng cần có những cơ chế ràng buộc cụ thể khi triển khai các chính sách hỗ trợ, gắn trách nhiệm của các tổ hợp tác và tổ viên trong quá trình thực hiện. Nên chăng, các nguồn hỗ trợ chỉ đóng vai trò tiếp sức khi các cơ sở sản xuất đã định hình hướng đi và đạt được những thành quả nhất định.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân thấy được lợi ích lâu dài của việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản để họ gắn bó, có trách nhiệm, thay vì dễ dàng buông tay khi không còn nguồn kinh phí hỗ trợ. Và không chỉ sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các sở, ngành, địa phương, người nông dân cần phải chủ động tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, không trông chờ, ỷ lại, bởi xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực dài lâu, không có chỗ cho những bước đi nửa vời.

- Advertisement -

Ngọc Mai

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm