6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Để Quảng Bình thực sự là "chốn trở về, nơi mong đến"

- Advertisement -

Với 66 dự án có giá trị hơn 7 tỷ USD được cam kết đầu tư, hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 mở ra nhiều cơ hội cho Quảng Bình phát triển bền vững về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Tại hội nghị, du lịch Quảng Bình được các nhà đầu tư quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, rằng Quảng Bình sẽ luôn là điểm sáng của du lịch Việt Nam và là “chốn trở về, nơi mong đến của người dân và du khách bốn phương”.

Giàu tiềm năng nhưng chưa thành công

Dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt những kỳ vọng lớn vào sự phát triển của du lịch Quảng Bình. Thủ tướng cho rằng, Quảng Bình không đơn giản là một Việt Nam thu nhỏ hay là sự phản ánh sắc nét về vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp bất tận của Việt Nam mà Quảng Bình thực sự là “viên kim cương màu xanh” của Châu Á với những giá trị huyền bí cần được khám phá.

Để Quảng Bình thực sự là "chốn trở về, nơi mong đến"Thế mạnh của Quảng Bình là sản phẩm du lịch sinh thái khám phá hang động. (Ảnh do Geminai Hotel & Café cung cấp)

Quảng Bình hoàn toàn có thể là một lựa chọn xuất sắc để tạo nên những ấn tượng đầu tiên mới lạ và sâu sắc về một Việt Nam được yêu thích ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Tạp chí New York Times của Mỹ đã bình chọn Quảng Bình xếp thứ 8 trong top 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh, là điểm đến đến hấp dẫn nhất Châu Á.

Thủ tướng khẳng định: “Nếu quý vị muốn tìm kiếm một ý tưởng về du lịch rất độc đáo, khác biệt, còn nguyên bản và kỳ vĩ thì Quảng Bình là một lựa chọn hiếm có. Có thể gọi đây là nơi không còn sót lại nhiều trên trái đất này”.

Có tất cả những kỳ vĩ ấy nhưng tại sao du lịch Quảng Bình vẫn chưa thành công? Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là Quảng Bình chưa hình thành một ngành dịch vụ có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Và nếu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là mục tiêu ở nhiều nơi thì với Quảng Bình, chiến lược trung tâm phải là dịch vụ hóa nền kinh tế, phát huy tối đa mũi nhọn du lịch, song song với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và tự nhiên, tạo sự kết nối lan tỏa đến nhiều vùng miền khác của cả nước ta.

- Advertisement -

Là một trong những chủ đầu tư đang thực hiện các dự án lớn tại Quảng Bình, Tập đoàn FLC đang tiến hành xây dựng quần thể nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình với quy mô 2.000ha giai đoạn 1, với hệ thống khách sạn, resort cao cấp, chuỗi sân goft…

Tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, Quảng Bình có tiềm năng rất lớn về du lịch, có thể trở thành “làn gió Đại Phong” của du lịch Việt Nam như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ và sẽ là “chốn trở về, nơi mong đến” của người dân và du khách. Vậy nhưng, theo ông Quyết, một trong những hạn chế của du lịch Quảng Bình là thiếu đi các cơ sở lưu trú cao cấp dù hiện nay, Quảng Bình có đến hơn 300 cơ sở lưu trú.

“Chắc chắn đó đang là một trong những hạn chế lớn đối với kỳ vọng giữ chân du khách lưu trú lâu hơn ở Quảng Bình. Bởi theo thống kê, hệ số lưu trú của du khách đến Quảng Bình chỉ đạt 1 ngày, thấp hơn rất nhiều so với mức lưu trú trung bình của khách du lịch khi đến các thành phố du lịch khác của Việt Nam”, Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định.

Cần bảo đảm các yếu tố phát triển bền vững

Để khai thác những tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội nói chung và du lịch nói riêng, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Công ty TNHH McKinsey and Company Việt Nam-là đơn vị tư vấn hàng đầu của Mỹ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian 20 đến 30 năm tới.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo McKinsey khẳng định, không chỉ dừng lại ở tham quan, nghỉ dưỡng mà những năm gần đây, du lịch thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ về xu hướng và nhu cầu du lịch trải nghiệm và chi tiêu của giới trẻ, đặc biệt là ở Châu Á. Và Quảng Bình đang có nhiều lợi thế đặt trong bối cảnh khu vực kể trên và trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh để nắm bắt cơ hội, xu hướng phát triển trong khu vực.

Với định hướng trên, Quảng Bình đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn thu du lịch từ 150 triệu USD hiện tại lên 1 tỷ USD vào năm 2030 và tăng tổng lượt khách du lịch từ 3 triệu lên 8 triệu khách đến năm 2030…

“Để đạt được các mục tiêu đó, Quảng Bình cần đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu nghỉ dưỡng bãi biển, các hoạt động mạo hiểm, hoạt động trên bãi biển và dưới nắng mặt trời, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và dưỡng sinh mới…, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng này”, đại diện McKinsey gợi mở.

- Advertisement -

Để Quảng Bình thực sự là "chốn trở về, nơi mong đến"Nhiều dự án nghỉ dưỡng cao cấp đang được đầu tư xây dựng tại Quảng Bình góp phần tăng hệ số lưu trú.

Đồng quan điểm với lãnh đạo McKinsey, các chuyên gia tham dự hội nghị đều khẳng định, để phát triển du lịch, Quảng Bình phải bảo đảm các yếu tố phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phát triển du lịch ở Quảng Bình cần dựa vào những thế mạnh tiềm tàng, gắn liền với bảo tồn, phát huy tối ưu những lợi thế điều kiện tự nhiên về cảnh quan và đa dạng sinh học, các giá trị tiêu biểu của di sản thiên nhiên thế giới.

Các phương thức phát triển phải bám sát theo các trục của phát triển bền vững, về kinh tế – xã hội và môi trường. Quan điểm bảo tồn và phát triển, trong đó không chỉ bảo tồn đóng khung cứng nhắc mà cần phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch, bảo đảm các yếu tố phát triển bền vững trong quá trình phát triển du lịch.

Theo ông Tuấn, để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh công tác quản lý, quy hoạch, công tác quảng bá và liên kết, Quảng Bình cần phát triển du lịch đặc thù, chủ lực theo phân khúc, đồng thời cần đa dạng hóa các loại hình du lịch bổ trợ.

“Cho đến nay, Quảng Bình đi sau và thận trọng trong quá trình phát triển bởi đang gìn giữ những “báu vật” của lòng đất, là điều kiện thuận lợi để Quảng Bình học tập kinh nghiệm và chuẩn bị đầy đủ năng lực về quản lý phát triển du lịch.

Quảng Bình đang đóng góp vào một trong các dòng sản phẩm du lịch quan trọng của Việt Nam là du lịch sinh thái với sản phẩm du lịch sinh thái khám phá hang động. Nếu như được phát triển tốt, đây sẽ là một sản phẩm đặc thù, có sức cạnh tranh cao và có thương hiệu của du lịch Việt Nam”, ông Tuấn kỳ vọng.

“Làn gió Đại Phong” của du lịch Việt Nam, “viên kim cương màu xanh” của Châu Á và “sẽ là chốn trở về, nơi mong đến của người dân và du khách”…tất cả những kỳ vọng đó vừa là niềm tự hào riêng có, vừa đặt lên vai ngành du lịch Quảng Bình những trọng trách và đòi hỏi khắt khe cho sự phát triển bền vững dài lâu.

Diệu Hương

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm