5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nông dân Quảng Bình nỗ lực phát huy truyền thống "hai giỏi"

- Advertisement -

Trong suốt chiều dài lịch sử, ác thế hệ cán bộ, hội viên, nông dân luôn tích cực tham gia chiến đấu, lao động sản xuất, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của quê hương “hai giỏi”.

Truyền thống vẻ vang

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Cương lĩnh đã nêu ra những vấn đề cơ bản và vai trò to lớn của giai cấp nông dân trong sự nghiệp cách mạng. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân giành nhiều thắng lợi. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay).

Từ đó đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền, giáo dục và khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân; vận động, tập hợp và làm nòng cốt tổ chức các phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; đồng thời chăm lo đời sống và tinh thần của hội viên, nông dân…

Các thế hệ cán bộ, hội viên, nông dân luôn tích cực tham gia chiến đấu, lao động sản xuất, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Quảng Bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, đoàn kết một lòng đứng lên chống ách thống trị của thực dân, phong kiến, tạo nên làn sóng đấu tranh sôi nổi trên phạm vi toàn tỉnh. Hàng loạt các cuộc mít tinh, biểu tình nổ ra khắp nơi trong toàn tỉnh, đòi giảm sưu cao thuế nặng, đòi cải cách dân chủ… Đêm 23-8-1945, nông dân Quảng Bình cùng với nhân dân cả tỉnh đứng lên với khí thế long trời lở đất giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, với tinh thần giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất, nông dân Quảng Bình cùng nhân dân toàn tỉnh đã xây dựng hậu phương vững mạnh, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi.

Nông dân Quảng Bình nỗ lực phát huy truyền thống "hai giỏi"Nông dân Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới.

- Advertisement -

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là tỉnh đứng đầu khu giới tuyến đã trở thành hậu phương trực tiếp của miền Nam và tiền tuyến lớn của miền Bắc. Tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” với các khẩu hiệu như “Tay cày, tay súng”, “Bám làng mà chiến đấu, bám hố bom mà sản xuất, bám đồng ruộng mà thâm canh”, “Tiếng hát át tiếng bom”… đã thành hành động cách mạng của mỗi người dân Quảng Bình nói chung và của các cấp Hội Nông dân, xã viên hợp tác xã và hội viên nông dân nói riêng; được Trung ương Đảng và Bác Hồ khen ngợi là quê hương “hai giỏi”: chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi.

Cùng với cán bộ, nhân dân toàn tỉnh, cán bộ, hội viên nông dân Quảng Bình đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả dân tộc, làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Chung tay dựng xây quê hương

Năm 1989, Quảng Bình được về địa giới cũ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống quê hương “hai giỏi”, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và đã thu được những kết quả rất đáng tự hào.

Những năm qua, cùng với các phong trào thi đua khác, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, có trên 125.000 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” (SXKDG) các cấp, chiếm trên 87% so với số hộ có hội viên.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 71.100 hộ đạt danh hiệu “Nông dân SXKDG” các cấp, tăng 34% so với nhiệm kỳ trước. Các cấp hội đã trực tiếp giúp đỡ 4.186 hộ, phối hợp giúp đỡ 15.483 hộ thoát nghèo, tăng 7,6% so với nhiệm kỳ 2008-2013; số tiền giúp đỡ là 17.459 triệu đồng, số ngày công giúp đỡ là 57.153 công.

Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt gần 38 tỷ đồng, cho trên 3.200 lượt hộ vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hội phối hợp với các ngân hàng xây dựng gần 1.200 tổ tiết kiệm, tín chấp cho gần trên 54.000 lượt hộ vay, với tổng dư nợ gần 3.000 tỷ đồng…

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã vận động nông dân đóng góp 116,6 tỷ đồng, hiến 724.395m2 đất, 13.862m hàng rào, 235.580 cây xanh, 64.505 ngày công, tổng trị giá ước tính hơn 53,4 tỷ đồng, góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

- Advertisement -

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp hội phối hợp tổ chức 350 lớp dạy nghề cho 10.563 lượt lao động; phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục ngàn lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức 53 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 1.671 lao động; giới thiệu 326 lao động làm việc trong và ngoài nước, tư vấn việc làm cho 2.033 lượt người.

Các cấp hội tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng để xây dựng, kiện toàn bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ hội, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đánh giá, hàng năm 100% Hội Nông dân huyện, thành phố, thị xã đạt vững mạnh, trên 95% cơ sở, 85% chi, tổ hội đạt khá và vững mạnh. Trong 5 năm, các cấp Hội Nông dân đã phát triển mới 30.548 hội viên, nâng số hội viên nông dân toàn tỉnh lên 168.925 người…  

Phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh toàn diện; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội ở nông thôn; tăng cường tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với truyền thống của quê hương “Hai giỏi”…

Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh; sự tạo điều kiện, phối hợp cộng tác của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đối với phong trào nông dân và hoạt động của hội.

Với tinh thần “Dân chủ- đoàn kết-đổi mới và phát triển”, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh đồng sức, đồng lòng, ra sức thi đua lao động sản xuất, công tác, phấn đấu thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023 đã đề ra, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Lê Công Toán, Ủy viên BCH Hội Nông dân Việt Nam,
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm