4.2 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Vỉa hè dành cho ai?

- Advertisement -

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, thế nhưng, trên địa bàn TP. Đồng Hới, hiện tượng lấn chiếm vỉa hè rất phổ biến và có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Trước tình hình này, thực hiện chủ trương của tỉnh xây dựng Đồng Hới trở thành trung tâm tỉnh lỵ xanh-sạch-đẹp, các phương tiện thông tin đại chúng đã vào cuộc phản ánh rất nhiều lần về vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Vậy mà mọi nỗ lực cứ như thể “đến hẹn lại lên”, bởi sau mỗi lần báo chí lên tiếng, thì lực lượng chức năng mới vội vàng đi lập lại trật tự vỉa hè, trong khi nhân lực chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này vốn dĩ rất đông đảo.

Vỉa hè dành cho ai?Hiện tượng lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, TP. Đồng Hới.

Thế nhưng, điều đáng buồn nhất là sau một vài đợt rầm rộ ra quân dọn dẹp, hiện tượng vỉa hè bị lấn chiếm “đâu lại vào đấy”, nhất là trên những tuyến đường chính, như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, Hai Bà Trưng…

Trò chuyện với chúng tôi, rất nhiều người dân và du khách cho rằng, những nhân viên Nhà nước được giao quản lý vỉa hè làm việc chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ.

Bởi, dường như phải có sự thỏa hiệp nào đó thì vỉa hè mới bị bỏ bê, lấn chiếm không thương tiếc, trong khi việc chấn chỉnh, quản lý vỉa hè nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị đã được quy định rất cụ thể.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh tinh giản biên chế đang được các đơn vị thực hiện rất rốt ráo, có lẽ các cơ quan quản lý nguồn nhân lực cũng nên xem xét thấu đáo những trường hợp không thực hiện đúng vị trí việc làm đang đảm nhiệm.

- Advertisement -

Theo hướng dẫn của các văn bản pháp quy về quản lý đường đô thị, thì chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa.

UBND tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu, như: chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m; bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố; không cho phép tổ chức kinh doanh, buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở…

Quan sát trong một dịp tình cờ trên đường Trần Hưng Đạo, chợt thấy vỉa hè nơi đây bị các cửa hàng, cửa hiệu lấn chiếm nghiêm trọng, mặc dù đã có một vạch sơn vàng mờ nhạt được kẻ ra nhằm phân định hành lang tối thiểu dành cho người đi bộ.

Chợt nghĩ, vạch sơn kia là một dạng báo hiệu đường bộ được cơ quan chức năng kẻ lên để xác lập chế tài, quy định trong việc sử dụng vỉa hè hay chỉ là hình thức để đối phó với dư luận. Vì trong thời gian dài, người dân cư ngụ trên địa bàn và du khách mỗi lần đến TP. Đồng Hới khi bị đẩy xuống đi lại dưới lòng đường lại băn khoăn hỏi, vỉa hè dành cho ai?

Minh Văn

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm