6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lệ Thủy: Vệ sinh môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới

- Advertisement -

Năm 2018, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Nông nghiệp và PTNT với các xã, thị trấn; công tác theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, gắn chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với bảo vệ môi trường.

Các công trình cung cấp nước sinh hoạt được xây dựng tại các xã, thị trấn đã góp phần “tháo gỡ” bài toán khó về nước sạch ở nông thôn. Trên địa bàn huyện Lệ Thủy, người dân chủ yếu lấy nước từ hai nguồn chính là nguồn cấp nước nhỏ lẻ từ giếng đào, giếng khoan và nguồn cấp nước máy tập trung.

Trước yêu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng, huyện Lệ Thủy đã ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn xây dựng 14 công trình nước sạch. Trong đó, 11 công trình hoạt động hiệu quả, cung cấp nước thường xuyên, ổn định. Năm 2018, toàn huyện có 1.400 hộ dân làm mới công trình nước hợp vệ sinh.

Lệ Thủy: Vệ sinh môi trường gắn với xây dựng nông thôn mớiNước sạch đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe của người dân ở các vùng miền núi, biên giới huyện Lệ Thủy.

Trong đó, 813 hộ dân hợp đồng đấu nối mới nguồn nước máy. Toàn huyện hiện có hơn 130.700 người được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 92,3%, tăng 1,3% so với năm 2017. Tuy số trạm nước sạch ở các xã còn hạn chế, việc cấp nước sạch còn chưa đáp ứng với nhu cầu, nhưng việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các công trình cấp nước hiện có đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, công tác vệ sinh môi trường đã được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân Lệ Thủy thường xuyên hưởng ứng, tạo môi trường nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp. Việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt ban đầu tại hộ gia đình được đa số hội phụ nữ các xã, thị trấn thực hiện tốt.

Ban Quản lý các công trình công cộng huyện thu gom, vận chuyển rác thải từ điểm trung chuyển đến bãi rác Trường Thủy để xử lý, vì vậy, cơ bản đã giải quyết được vấn đề rác thải sinh hoạt. Nhiều mô hình có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường được xây dựng và hoạt động tốt, như: mô hình đoạn đường tự quản, CLB phụ nữ với môi trường và mô hình xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch…

Ông Bùi Văn Lưu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã An Thủy cho biết: “Từ khi mô hình tự quản bảo vệ môi trường trên địa bàn xã An Thủy được triển khai, ý thức của người dân đã thay đổi rõ rệt. Bà con tích cực tham gia vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, đầu tư xây hầm biogas, nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Advertisement -

Việc thu gom rác thải tại các khu dân cư và dọc bờ sông Kiến Giang được tổ chức thường xuyên. Sau mùa vụ thu hoạch lúa, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng được gom vào một điểm. Sau đó, tổ thu gom rác thải chuyển đến điểm tập kết”.

Theo kết quả đánh giá vệ sinh môi trường nông thôn năm 2018,  Lệ Thủy có các chỉ tiêu tăng so với năm trước. Tỷ lệ các trạm y tế xã có đủ nước sinh hoạt và có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ các trường học có đủ nước sinh hoạt và có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 93,08%. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu còn đạt thấp, như: tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt 76,6%; tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 47,9%%.

Bà Trần Thị Ngọc Trâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, công tác theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hàng năm được triển khai kịp thời.

Vì vậy, những vướng mắc, khó khăn trong việc cung cấp nước sạch cho người dân; việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải bảo vệ môi trường được tham mưu chỉ đạo có hiệu quả. Vai trò, trách nhiệm của các phòng, ban, đơn vị trong công tác cấp nước sạch và bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường ngày càng đi vào chiều sâu”.

Năm 2019, huyện Lệ Thủy phấn đấu có 95% số hộ được sử dụng nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các công trình nước sạch tại các xã, thị trấn; chú trọng việc khai thác công trình nước sạch sau đầu tư có hiệu quả.

Lệ Thủy tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có chăn nuôi xây dựng hầm biogas nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức truyền thông, tập huấn cho cán bộ và người dân nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với việc sử dụng và quản lý các công trình nước sạch cũng như thực hành các hành vi vệ sinh tốt.

Huyện chú trọng thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường nông thôn.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)

- Advertisement -

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm