7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Phát triển bền vững nhờ mô hình hỗ trợ sinh kế

- Advertisement -

Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Quảng Bình (Dự án JICA 2), từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân hai xã Quảng Lưu và Quảng Thạch (Quảng Trạch). Đến nay, các mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế đã bước đầu phát huy hiệu quả và từng bước được nhân rộng vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống cho bà con…

Đa dạng mô hình hỗ trợ sinh kế

Anh Lê Thuận Trung, Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh cho biết, trên cơ sở đánh giá nhu cầu của bà con trong vùng dự án, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các mô hình trồng rừng, trồng tiêu, trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò, nuôi gà thả vườn… với tổng số 65 hộ gia đình tham gia.

Trong đó, nhiều mô hình bước đầu phát huy hiệu quả và được bà con đánh giá cao là trồng tiêu, trồng rừng và chăn nuôi. Đặc biệt, đối với một số mô hình đã được nghiệm thu, đánh giá kết quả, như: chăn nuôi bò, nuôi gà thả vườn, sau khi kết thúc mô hình, nhiều hộ đã tiếp tục tái đàn để phát triển kinh tế hộ. Như vậy, mục đích hỗ trợ và giúp bà con trong vùng dự án phát triển sinh kế thông qua các mô hình đã cơ bản đạt yêu cầu đề ra.

Mô hình trồng rừng thâm canh bằng giống keo nuôi cấy mô được triển khai năm 2016 với 15 hộ tham gia, quy mô 1ha/hộ, tại các thôn 3, 4 (xã Quảng Thạch) và thôn Vân Tiền (xã Quảng Lưu). Giống thực hiện mô hình là giống keo lai nuôi cấy mô dòng BV10, BV16, BV32.

Phát triển bền vững nhờ mô hình hỗ trợ sinh kếTrồng tiêu là mô hình sinh kế bền vững được bà con vùng dự án đánh giá cao.

Hiện tại, diện tích keo lai sinh trưởng, phát triển tốt, đường kính gốc đạt bình quân 7cm, chiều cao vút ngọn đạt 3,5-4m; độ đồng đều cao và được bà con đánh giá là vượt trội so với rừng trồng keo lai hom cùng độ tuổi tại địa phương.

Mô hình trồng tiêu được triển khai năm 2016-2018 với 10 hộ ở thôn 3, thôn 5 (xã Quảng Thạch) tham gia; năm 2017-2019 với 10 hộ ở thôn 4 (xã Quảng Thạch) và thôn Vân Tiền (xã Quảng Lưu) tham gia; các hộ được hỗ trợ 90 trụ/500m2/hộ, 100% cây giống và 50% phân bón trong năm thứ nhất.

- Advertisement -

Đến nay, mô hình đã đánh giá được hiệu quả ban đầu, trong đó mô hình triển khai từ năm 2016 cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, đã cho quả bói; mô hình năm 2017 cây tiêu sinh trưởng, phát triển khá, chưa có biểu hiệu sâu bệnh.

Ngoài ra, phải kể đến các mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò lai thực hiện năm 2016-2017 đã hỗ trợ cho 10 hộ ở thôn 2, thôn 5 (xã Quảng Thạch) tham gia với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/con bò lai và 300m2 cỏ VA06, 50% vật tư phân bón trồng cỏ năm thứ nhất; mô hình chăn nuôi gà thả vườn triển khai năm 2016 cho 5 hộ ở thôn 2 (xã Quảng Thạch), 5 hộ thôn Vân Tiền (xã Quảng Lưu) tham gia với mức hỗ trợ 110 con gà giống/hộ.

Mô hình nhân rộng chăn nuôi gà thả vườn thực hiện trong năm 2018 với 10 hộ ở thôn 1 (Quảng Thạch) tham gia đã được nghiệm thu, đánh giá về tính hiệu quả kinh tế. Sau khi kết thúc mô hình, các hộ vẫn tiếp tục tái đàn để phát triển kinh tế gia đình.

Hướng phát triển bền vững

Theo anh Lê Thuận Trung, mục tiêu của dự án JICA 2 là quản lý, bảo vệ bền vững rừng phòng hộ, phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn các xã tham gia dự án.

Do đó, các hoạt động cải thiện sinh kế được thiết kế và triển khai sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng tham gia vào các hoạt động quản lý rừng, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên rừng của con người; đồng thời, động viên người dân địa phương phát triển diện tích rừng cũng như tham gia vào công tác quản lý rừng theo phương thức bền vững.

Ông Phan Xuân Thủy, Trưởng thôn 3 (xã Quảng Thạch) cho biết, với trên 120ha diện tích đất lâm nghiệp, 15ha trồng tiêu, 50ha đất màu…, thôn 3 có tiềm năng phát triển kinh tế rừng một cách bền vững. Nhiều hộ có diện tích rừng lớn, như: ông Phan Xuân Lợi 5 ha, ông Lê Văn Cược 4ha, ông Phan Xuân Bình 3ha…

Tuy nhiên, do bà con chỉ trồng các loại cây như: keo tai tượng, bạch đàn, tràm hoa vàng…, nên giá trị kinh tế không cao, thu nhập bình quân từ rừng chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/lứa. Do đó, được dự án JICA 2 hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây keo lai nuôi cấy mô với định hướng phát triển rừng gỗ lớn, giá trị kinh tế cao hơn, bà con cũng hy vọng cải thiện được thu nhập và phát triển bền vững từ trồng rừng.

- Advertisement -

Có thể nói, mục tiêu hỗ trợ bà con phát triển sinh kế thông qua các mô hình trồng rừng và chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh thực hiện đã được đánh giá là đạt yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, để việc nhân rộng các mô hình sinh kế phát huy được hiệu quả trong thời gian tới, theo anh Lê Thuận Trung, Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, bà con cần đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc chăm sóc rừng trồng và cây tiêu theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Đặc biệt, đối với việc trồng keo lai cấy mô, cần phải bảo đảm khoảng cách trồng thưa (2,5×2,5m) để phát triển theo hướng rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần phải thành lập thêm các tổ hợp tác về trồng rừng, trồng tiêu để hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Trong năm 2019, trên cơ sở đánh giá nhu cầu nhân rộng các mô hình sinh kế của bà con trong vùng dự án, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các mô hình có tính bền vững cao, như: trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô, trồng tiêu…

Ngọc Lan

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm