5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bài học ứng xử từ nhân cách lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Advertisement -

Trân trọng giới thiệu bài tham luận của Ths Nguyễn Thị Thiện ” Bài học ứng xử từ nhân cách lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” lưu hành tại Hội thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hoá dân tộc” do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm  74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 – 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

Bài học ứng xử từ nhân cách lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là tình yêu và niềm tự hào lớn của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Cuộc đời của vị Đại tướng huyền thoại, Vị tướng của lòng dân,  được tất cả nhân dân ta và nhân loại tiến bộ khắp năm châu vô cùng ngưỡng mộ. Tuy đã về với đất mẹ Quảng Bình, Đại tướng vẫn luôn là bậc thầy, là thần tượng của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, bởi mọi người học tập được ở Đại tướng – một nhân cách lớn những  bài học về lẽ sống làm người với mục tiêu cao đẹp, bản lĩnh kiên cường và nhất là lối ứng xử đầy tình người.

Bài học trước hết  từ  cuộc đời Đại tướng  là sống với mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đã lựa chọn, phấn đấu hết mình vì lợi ích của dân, của nước. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ kính yêu nói với Người tại chiến khu Việt Bắc là: “Dĩ công vi thượng” – tất cả vì dân, vì sự nghiệp chung lớn lao của đất nước. Trong cuộc đời mình, Đại tướng luôn sống và hành động để thực hiện mục tiêu đó. Với Tướng  Giáp, mục tiêu sống là vì: độc lập dân tộc, dân chủ và giàu mạnh. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời, chi phối  suy nghĩ và mọi hoạt động của Ông. Đó cũng chính là tấm lòng  trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của nhân dân, đất nước. Lẽ sống cao cả này được hình thành từ tuổi ấu thơ do được  kế thừa truyền thống  gia đình nền nếp gia giáo, từ quê hương Quảng Bình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy được củng cố từ những năm còn là học sinh tại Trường Quốc học Huế; được bồi dưỡng, bổ sung và thử thách trong quá trình hoạt động cách mạng khi bí mật, khi công khai, kể cả lúc bị bắt, bị tù đày. Sống để thực hiện mục tiêu cao đẹp đã trở thành bản lĩnh trong Ông, được tích lũy, tôi luyện và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại phống Pháp và chống Mỹ. Cả cuộc đời Đại tướng,  mọi việc làm đều hướng tới lợi ích của  đất nước và nhân dân. Tư tưởng vì nước vì dân  là động lực giúp ông trở thành thiên tài quân sự ngang tầm những danh tướng lỗi lạc nhất trong lịch sử nhân loại. Chính nhờ  đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên  trên hết những toan tính, suy nghĩ tầm thường  khiến Ông vượt qua được mọi thăng trầm sóng gió trong cuộc sống, khiến cho mọi người trân trọng, kính yêu và nể phục.

Bài học thứ hai từ nhân cách lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là: Bản lĩnh vững vàng, quyết đoán, sáng tạo. Đứng  trước các tình huống, thử thách của đời sống con người  luôn cần sự tỉnh táo, kiên nhẫn để có giải pháp xử lý sáng suốt và đúng đắn nhất. Bản lĩnh là khả năng chịu đựng, là tinh thần dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn, thử thách. Người có bản lĩnh là người bình tĩnh để vượt qua mọi thách thức về cả tinh thần lẫn thể chất vào mọi lúc, mọi nơi, bằng ý chí và  khả năng  linh hoạt của mình. Cuộc đời Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua biết bao nhiêu áp lực. Không chỉ phạm vi cá nhân, gia đình mà nhiều áp lực, thách thức  mang ý nghĩa quốc gia, dân tộc.  Ông là người kiên cường vượt qua nỗi đau thương  mất mát vô cùng lớn của cuộc đời. Võ Nguyên Giáp kết duyên với Nguyễn Thị Quang Thái, người thiếu nữ xinh đẹp có cùng lý tưởng cách mạng đã từng gắn bó suốt những năm tháng hoạt động ở Huế,  cùng bị bắt, bị tù đày tại Lao Bảo. Đó là người bạn đời lý tưởng. Ngày 4-1- 1940, khi Quang Thái sinh con gái  Võ Hồng Anh, hạnh phúc gia đình vừa lóe rạng. Cũng vào tháng tư năm ấy, Võ Nguyên Giáp (cùng Phạm Văn Đồng) được Trung ương Đảng cử sang Trung Quốc hoạt động. Chuyến đi phải hoàn toàn bí mật. Chiều thứ sáu, ngày 3-5-1940 Võ Nguyên Giáp đội mũ, đeo kính đen để người quen không nhận ra, gặp Quang Thái bồng bé Hồng Anh  để chia tay. Vợ ông bế con gái mới một tháng tuổi thong thả đi dạo trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên ). Võ Nguyên Giáp giữ vẻ bình thản, nhưng Quang Thái dù cố cũng không giấu nổi xúc động. Họ  trao đổi và  thống nhất sau cuộc chia tay này, Quang Thái gửi bé Hồng Anh về Quảng Bình nhờ ông bà nội nuôi  để mình  tiếp tục hoạt động trong lòng địch. Với cặp vợ chồng trẻ ấy, biết bao khó khăn nguy hiểm đang rình rập phía trước. Đến đầu phố, lợi dụng lúc đông người Võ Nguyên Giáp lẫn vào đám đông và ra đi chót lọt. Sau cuộc chia tay ấy, Quang Thái gửi con về quê, cùng chị gái là Nguyễn Thị Minh Khai rời Hà Nội.Hai người bị mật thám theo sát truy lùng gắt gao. Minh Khai bị giặc bắt 7/1940, bị tra tấn rất dã man và bị xử  bắn tại Hóc Môn gần Sài Gòn 5/1941;  khi ấy Bà đang giữ chức Bí thư thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Quang Thái trốn thoát lần đó , nhưng tháng  5-1942 cũng bị bắt, bị tù Hỏa Lò (Hà Nội), bị tra tấn vô cùng dã man và anh dũng hy sinh tại đây. Tin dữ  này  mãi đến tháng 4-1945 khi đã về nước, tham gia Hội nghị quân sự Bắc Kỳ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) Võ Nguyên Giáp mới được Trung ương  (đại diện là Trường Chinh) thông báo cho biết. Nỗi đau quá lớn, quá đột ngột khiến ông bàng hoàng lặng đi hồi lâu. Người bình thường dễ phát ốm vì quá đau lòng. Riêng Võ Nguyên Giáp đã nuốt nước mắt vào trong, cố kìm nén nỗi đau để khỏi làm ảnh hưởng tới cuộc họp chung. Nhưng nhiều  đêm sau đó ông không thể ngủ được vì thương tiếc người vợ trẻ  khôn cùng, thương con gái quá nhỏ dại đã thiếu đi tình yêu thương của mẹ, thương  lo cha mẹ đã già yếu… Song nhờ xác định định từ trước những mất mát sẽ phải trải qua khi đã dấn thân làm cách mạng cứu nước, ông  khắc sâu mối thù này  và tự thề với mình sẽ đến ngày bắt bọn cướp nước kia phải đền tội. Không chỉ kiên cường vượt qua nỗi đau, bản lĩnh của Đại tướng thể hiện rõ nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ mùa xuân năm 1954. Lần đầu tiên quân ta tổ chức đánh một tập đoàn cứ điểm mạnh trên địa hình rừng núi mà bọn giặc rêu rao là “ pháo đài bất khả chiến bại” . Trận đánh không cân sức có  biết bao công việc đặt lên vai Vị tổng chỉ huy quân đội, đặc biệt phải suy nghĩ rất nhiều về chiến thuật, chiến lược của chiến dịch mới có cơ giành chiến thắng. Bản lĩnh tuyệt vời ấy đặc biệt thể hiện rõ khi Đại tướng quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Không có tầm nhìn chiến lược như ông nên nhiều tướng lĩnh và sĩ quan của ta  đã không đồng tình, một số còn phản đối quyết liệt. Bằng sự thông tuệ của một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất,  Ông tìm mọi lý lẽ thuyết phục mềm dẻo, từ tốn nhưng kiên quyết. Với tư cách Tư lệnh kiêm Chính ủy được Bộ Chính trị và Bác Hồ giao toàn quyền quyết định ngoài mặt trận với yêu cầu: “Phải thắng!”, bởi thế Đại tướng  giữ vững lập trường của mình: “Đánh là thắng. Chỉ đánh khi chắc thắng. Nếu không thắng thì không đánh”. Việc này khiến ông phải gánh chịu trách nhiệm vô cùng nặng nề trước quân đội, trước Đảng, trước Nhà nước, trước Bác Hồ, trước nhân dân và lịch sử. Đó quả  là một quyết định vô cùng dũng cảm, táo bạo đòi hỏi bản lĩnh cao cường của một nhà chỉ huy quân sự thiên tài. Đúng như  sau này Ông tâm sự: “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi” . Với trí tuệ và bản lĩnh đặc biệt, ông đã thuyết phục được các cấp lãnh đạo và mọi người. Đó là quyết định lịch sử đem lại thắng lợi vang dội của chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, Thượng tướng Lê Trọng Tấn có lần nói: “Nếu không có quyết định ấy của anh Văn thì lớp cán bộ chúng tôi sẽ không còn để có mặt trong cuộc chiến chống Mỹ”.

Bài học thứ ba từ  cuộc đời Đại tướng là lòng kiên trì nhẫn nại và cách đối nhân xử thế đầy tình người. Cuộc đời là một chuỗi những thử thách với rất nhiều người, Đại tướng cũng vậy. Trong những cuộc giao tranh, mỗi khi lập được chiến công người ta thường có thêm kẻ thù. Thực tế cuộc sống có không ít dẫn chứng về  những kẻ “được chim, quăng ná, được cá quăng câu”. Sử sách Trung Hoa còn ghi rõ  viên đại tướng Văn Chủng không nghe theo lời khuyên của tướng Phạm Lãi, tin Việt Vương Câu Tiễn nên sau  bị chết thảm. Hàn Tín giúp Lưu Bang lập chiến công lừng lẫy, vì cả tin mà bị Lữ Hậu thanh trừ… Còn trong lịch sử Việt Nam,  Nguyễn Trãi là vị khai quốc công thần số một  giúp Lê Lợi lấy được giang sơn, lập nên triều Lê, ông được ban quốc tính, đổi sang họ của vua. Khi nhận thấy triều đình  đầy những  kẻ xiểm nịnh, Nguyễn Trãi muốn lánh đục tìm trong  đã cáo quan về Côn Sơn ở ẩn, bạn với mây gió, chim muông làm thơ và dạy học.  Vậy mà mấy năm sau ông và gia tộc vẫn phải chịu thảm án Lệ Chi Viên oan khuất  ngút trời. Là giáo sư Sử học, những chuyện mang  trên đây Võ Nguyên Giáp biết cả. Vậy mà cuộc đời Ông vẫn không tránh khỏi những thăng trầm.  Năm 1984, kỷ niệm ba mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông bị lãng quên khiến dư luận đông đảo công chúng bất bình. Riêng ông vẫn thản nhiên. Mái tóc bạc trắng như cước, gọn gàng trong bộ quân phục, cầu vai lấp lánh quân  hàm Bác Hồ phong, Ông lên Điện Biên thăm lại chiến trường xưa trong tình yêu, sự ngưỡng mộ và chào đón nồng nhiệt đầy xúc động của đồng bào các dân tộc. Ông đi đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương nghiêng mình tưởng niệm những người lính, những đồng đội đã cùng ông chiến đấu dũng cảm và hy sinh để làm nên chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”. Với Ông, điều quan tâm nhất là mục đích và kết quả của sự nghiệp cách mạng chứ không phải vinh danh công trạng cá nhân. Lối ứng xử  ấy chỉ có ở những nhân cách lớn, bản lĩnh lớn ở những người yêu nước, thương dân đến quên mình. Thời kỳ sau hòa bình vài thập kỷ, có những kẻ hẹp hòi hiểu sai, nói sai  về Ông. Nhưng Đại tướng  như “Cây ngay không sợ chết đứng”, Ông không  thanh minh, không tranh luận với ai, vẫn giữ thái độ hòa nhã, cư xử thân ái, đàng hoàng kể cả với những người thiếu thiện chí. Làm được như thế là bởi Ông hiểu sâu sắc triết lý của “Nhẫn” trong giáo lý Phật pháp. “Nhẫn” là sự bền bỉ không nản lòng trước khó khăn nguy hiểm. Nhẫn  là sự kìm nén tâm trạng trước mọi áp lực để thực hiện mục đích cao cả. Nhà sử học Dương Trung Quốc một từng nói:  “Chữ Nhẫn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự trải nghiệm, nhìn thấy tính tất yếu của lịch sử để tạo được sự bình thản trước nhiều thách đố trong thực tiễn đời sống”. Chính vượt qua được những  thử thách khắc nghiệt, nhân cách con người càng được tôi luyện và trở nên cao thượng. Đúng  như Đại thi hào Nguyễn Trãi từng viết: “Khi bão mới hay là cỏ cứng/ Thuở nghèo mới biết có tôi hiền”. Xuất phát từ sự thấu hiểu,  đồng cảm và kính trọng ,  giáo sư Trần Văn Hà đã tặng Đại tướng mấy câu thơ của  Trần Lê Nhân,  tác giả cuốn sách nổi tiếng  “Cổ học tinh hoa”.  Về sau, những câu danh ngôn này cộng đồng xã hội nhiều người hiểu là của chính Đại tướng. Những câu ấy là: “Có khi “Nhẫn” để yêu thương/ Có khi “Nhẫn” để liệu đường lo toan/ Có khi “Nhẫn” để vẹn toàn/ Có khi “Nhẫn” để tránh tàn hại nhau”. “Mục đích cao cả  của “Nhẫn” theo Đại tướng là lợi ích quốc gia. Nước muốn thịnh, dân muốn an thì mọi người, nhất là những bậc  rường cột của xã tắc phải biết giữ hòa khí, phải đoàn kết, gắn bó, biết coi “Dĩ công vi thượng” làm nguyên tắc xử thế. Trong cuộc sống, có chủ kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau là chuyện bình thường, nhưng người giàu tình nhân ái sẽ không  đẩy sự khác nhau ấy thành bất hòa, bất đồng hay mâu thuẫn, càng  không đẩy mâu thuẫn thành  đối kháng”. Hơn ai hết Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấm nhuần truyền thống đạo lý tốt đẹp ấy. Ông “Nhẫn” trong ứng xử với mọi người để giữ hòa khí, để duy trì khối đoàn kết nội bộ và toàn dân. Điều ấy chỉ có ở nhân cách lớn, bản lĩnh lớn. Nhiều người chúng ta còn nhớ: có thời kỳ Đại tướng  ít được giao nhiệm vụ, có khi  giao việc hoàn toàn không hợp với chuyên môn và tài năng của ông. Nhiều người bất bình thay, Đại tướng vẫn thản nhiên làm nhiệm vụ. Ông tận dụng thời gian, trí tuệ và sức lực viết hồi ký, tổng kết chiến tranh. Bởi cuộc đời Tướng Võ xuyên suốt hơn thế kỷ gắn liền với từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc nên nhiều tác phẩm của ông được ra đời trong giai đoạn này: “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên “, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ “, ” Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử “, ” Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng ” … Những tác phẩm này không chỉ có ý nghĩa lịch sử và quân sự mà còn có giá trị văn học lớn. Đây quả là những viên ngọc vô giá trong kho tàng văn hóa nước nhà bởi được chắt lọc từ bộ óc thiên tài về quân sự và tài năng trác tuyệt nhiều mặt chỉ có ở  một nhân cách lớn, bản lĩnh lớn và trí tuệ lớn.

Trong  cuộc kháng  chiến vĩ đại giải phóng  của dân tộc  suốt mấy chục năm ở thế kỷ XX vừa qua, công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vô cùng to lớn, song cống hiến đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc, đó là những bài học làm người từ  bản lĩnh và nhân cách cao thượng của Ông trong  thời gian vừa qua, hiện nay và cả mai sau./.

Ths. Nguyễn Thị Thiện

- Advertisement -

Nguồn bài viết: Báo Văn hiến

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm