8.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Nặng tình với quê hương

- Advertisement -

Là thế hệ thứ ba trong một gia đình người Quảng Bình tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan), ông Somthad Buntaphan (sinh năm 1950) vẫn theo đuổi ước mơ được trở về Quảng Bình phát triển sự nghiệp, trả món nợ ân tình cho quê hương. Đó cũng là niềm mong mỏi của thế hệ ông bà, bố mẹ ông, những người đã gắn bó trọn đời mình ở đất nước Thái Lan nhưng nỗi nhớ thương quê hương vẫn luôn đau đáu trong tim.

Ký ức về cuộc đời ông bà, bố mẹ ông Somthad Buntaphan như một cuốn phim dài. Vào khoảng những năm 1920, khi cuộc sống quá khó khăn, ông bà nội ông là một trong những người đầu tiên của thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn) di cư sang tỉnh Nakhon Phanom làm ăn sinh sống. Trải qua nhiều gian nan vất vả, cuộc sống của họ dần ổn định nơi miền đất lạ.

Nặng tình với quê hươngÔng Somthad Buntaphan và vợ.

“Thời ấy, dù việc đi từ Thái Lan về Việt Nam, đến Quảng Bình rồi xã Quảng Trung, là một hành trình vô cùng khó khăn. Thế nhưng khi bà nội mang thai bố tôi gần 9 tháng, thì bà đã trở về quê để sinh bố tôi.

Sau này tôi nghe bà kể, dù quãng đường thật gian nan nhưng khát khao được nghe tiếng con khóc ngay trên mảnh đất quê nhà đã thôi thúc bà trở về. Khi bố tôi được hơn một tuổi, bà lại trở sang Thái để tiếp tục làm ăn sinh sống!”, ông Somthad Buntaphan bồi hồi nhớ lại.

Năm 1950, ông Buntaphan ra đời, là thế hệ thứ ba trong gia đình gắn bó với miền đất mới. Lúc này cộng đồng người Quảng Bình đã phát triển khá lớn mạnh tại Nakhonphanom. Lý giải về việc dù sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, nhưng ông vẫn giữ chất giọng đặc biệt của Quảng Bình, ông Buntaphan tâm sự: Với sự đoàn kết, gắn bó của người Việt Nam, trải qua nhiều thăng trầm, cộng đồng người Việt ở Nakhonphanom, mà chủ yếu là người Quảng Bình, đã duy trì được tiếng nói, chữ viết và văn hoá quê hương.

Bên cạnh chương trình học chung, cộng đồng người Việt tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho con em. Bởi yếu tố chính trị lúc bấy giờ nên có những thời điểm thật khó khăn khi các lớp học chỉ giới hạn không quá 7 người.

Cứ như thế, trong quá trình học tập, chúng tôi được tắm mình trong ngôn ngữ mẹ đẻ, đặc biệt là duy trì giọng nói Quảng Bình. Nên dù sống xa quê hương thì trong lòng chúng tôi, Quảng Bình vẫn luôn gần gũi, gắn bó!

- Advertisement -

Bởi sự gắn bó và thương nhớ cố hương luôn đau đáu trong lòng bao thế hệ người Quảng Bình nơi miền đất lạ, sau thành công của các trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở Thái Lan và Lào, ông Buntaphan, với vai trò là Giám đốc Công ty chăn nuôi công nghệ cao Buntaphan, đã xây dựng trang trại thứ nhất tại tỉnh Hoà Bình với quy mô 1.200 lợn nái.

Đến năm 2017, niềm mong ước của cả ba thế hệ gia đình ông đã thành hiện thực khi trang trại chăn nuôi với quy mô 2.400 lợn nái, tổng mức đầu tư 10 triệu đô la Mỹ đã được xây dựng tại xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh).

Đây là một trong những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn của miền Trung và cả nước được sử dụng công nghệ hiện đại, khép kín, kiểm soát chặt chẽ và thân thiện với môi trường. Sản phẩm con giống chất lượng cao của công ty hiện được cung cấp cho thị trường các tỉnh trong cả nước.

Những ngày cuối năm 2018, các hạng mục cuối cùng của trang trại đang được khẩn trương hoàn thành, để đến quý II năm 2019, trang trại sẽ đạt quy mô tối đa là 2.400 lợn nái hạt nhân, giải quyết việc làm cho trên 70 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương với thu nhập từ 5,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng, cuối năm còn có tháng lương thứ 13.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu chuồng trại khép kín được điều khiển qua hệ thống máy vi tính, bên trong là những chú lợn giống được nhập trực tiếp từ Pháp, ông Buntaphan chia sẻ về hành trình dài để có được những thành tựu bước đầu trên mảnh đất quê hương.

Năm 1983, Công ty Buntaphan được thành lập với khởi đầu bằng việc sản xuất và kinh doanh trứng gà, 2 năm sau bắt đầu nuôi lợn giống. Năm 2002, công ty được Bộ Chăn nuôi Thái Lan chứng nhận cấp cao về tiêu chuẩn chăn nuôi.

Nặng tình với quê hươngToàn cảnh trang trại của Công ty chăn nuôi công nghệ cao Buntaphan tại xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh).

Khi Công ty Buntaphan lớn mạnh và vững vàng ở Thái Lan và Lào, ông ấp ủ giấc mơ trở về quê hương. “Khi về Quảng Bình, bên cạnh sự tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, các đơn vị liên quan, tôi cũng đồng thời được đón tiếp với tâm thế một người con quê hương đi xa nay trở lại quê nhà. Trân trọng điều đó, tôi càng nỗ lực hơn để những gì mình làm sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng mọi người làm giàu cho quê hương!”, ông tâm sự.

- Advertisement -

Bây giờ, ông đi về như con thoi giữa Thái Lan, Lào, Việt Nam để quán xuyến công việc. Trang trại ở xã Trường Xuân không chỉ lớn về quy mô, mà trong thiết kế và hiện đang triển khai hoàn thiện, nó còn là một khuôn viên xanh với các loài hoa, cây ăn quả, sân chơi thể thao.

Bởi để người công nhân gắn bó với trang trại, ông đã và đang xây dựng nó thành một ngôi nhà thực sự, hiện đại, ấm cúng và đủ điều kiện thuận lợi trong công việc và sinh hoạt. Đồng hành cùng ông trong mọi hành trình là người bạn đời đảm đang, tháo vát, bà Thiêm Chăn Buntaphan (sinh năm 1955), quê gốc Hà Tĩnh. Họ luôn sát cánh bên nhau và cùng hoàn thành giấc mơ trở về quê hương.

Trong chuyến kiểm tra hoạt động sản xuất tại trang trại của Công ty Buntaphan vào tháng 10-2018, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang đã đánh giá cao tâm huyết của ông Somthad Buntaphan khi đã trở về quê hương để đầu tư mô hình chăn nuôi công nghệ cao.

Đồng chí đề nghị công ty tiếp tục nỗ lực duy trì và phát triển để trang trại sẽ trở thành điểm cung cấp giống có chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, cùng với việc cung cấp giống, công ty sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trong tỉnh và giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Nói về Công ty Buntaphan, chị Hồ Thị Dải (sinh năm 1993), là  người dân tộc Vân Kiều ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân vui vẻ: Từ ngày có trang trại, miềng đi làm công nhân và có tiền lương. Miềng cũng dần học hỏi cách chăn nuôi hiện đại, miềng ưng cái bụng lắm! Nhà ở tại trang trại thì đầy đủ tiện nghi. Miềng ưng trang trại ngày càng nuôi nhiều lợn hơn để có thêm nhiều người Vân Kiều được đi làm và nhận tiền lương!

Ngọc Mai

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm