9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đi lễ đầu năm, nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ

- Advertisement -

Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài lễ cúng gia tiên được chuẩn bị rất chu đáo, người dân thường tìm đến các ngôi đền, chùa… để thể hiện lòng thành kính và gửi gắm những ước vọng, hay đơn giản là tìm sự bình yên trong tâm hồn để hướng đến niềm tin về một năm mới an lành, hạnh phúc.

Đi lễ đầu năm, nét đẹp văn hóa cần được gìn giữChùa Hoằng Phúc, điểm đến của nhiều du khách trong, ngoài tỉnh.

Là địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh nên mỗi dịp Tết đến, xuân về và những tháng đầu năm mới, Quảng Bình lại đón rất nhiều người dân và du khách đến với các điểm du lịch nổi tiếng như núi Thần Đinh, hang Tám Cô, đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Để tạo ấn tượng trong lòng du khách, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc quê hương.

Những ngày đầu năm mới, các chùa trên địa bàn tỉnh đã rộng cửa đón lòng thành kính của khách thập phương đến chiêm bái, lễ Phật. Những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Đại Giác (Đồng Hới), chùa Hoằng Phúc (Lệ Thủy) , chùa Kim Phong, chùa Non, núi Thần Đinh, (Quảng Ninh)… trở thành điểm đến của nhiều phật tử và khách tham quan trên mọi miền đất nước.

Để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và đáp ứng nhu cầu lễ chùa của bà con, các chùa luôn chuẩn bị sẵn hương, bố trí số lượng phật tử phục vụ, tiếp đón người dân vào lễ một cách chu đáo, tận tình nhằm giữ sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Tại chùa Đại Giác, từ ngày mồng 1 Tết đến nay, đã có hàng nghìn người dân trong, ngoài tỉnh đến thắp hương, vãn cảnh. Thời gian vừa qua, chùa Đại Giác từng bước được đầu tư, xây dựng với quy mô khá lớn, nổi bật là công trình tượng phật A Di Đà bằng đá cẩm thạch nguyên khối và Bảo tháp Di Đà cao 9 tầng… trong khuôn viên đẹp, thoáng đãng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân.

Chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) – Di tích lịch sử cấp quốc gia là một trong những điểm đến thu hút rất đông du khách và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái, cầu an. Được sự chỉ dẫn tận tình của các phật tử nên khách vào hành lễ rất ý thức đến vấn đề phép tắc, giữ gìn trật tự.

- Advertisement -

Anh Piter đến từ Cuba cho hay: Được một người bạn cho biết việc đi chùa đầu năm là phong tục đẹp của người Việt và chùa Hoằng Phúc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nên anh quyết định đến chùa với mong muốn được hiểu thêm về đời sống văn hóa của người Việt. Anh thực sự ấn tượng với không khí trang nghiêm nơi chánh điện và cảnh quan nơi đây.

Hòa cùng dòng người dâng hương lễ Phật, Piter còn dừng lại rất lâu trước những bức tranh giới thiệu về luật nhân quả được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Anh cho rằng, những bức tranh và lời giải thích ngắn gọn, dễ hiểu giống như những bài học đạo đức để con người hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Điều đáng nói là ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất như bố trí người hướng dẫn các vị trí hành lễ, các điểm được thắp hương…, người dân đến chùa còn được tận hưởng không khí vui xuân trong khuôn viên được bài trí rất đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

Đó là không gian làng quê với ngôi nhà lá đơn sơ, có mai vàng, đào thắm, cây xanh trĩu quả, cây phát lộc với những chiếc lá làm bằng từng dải lụa đỏ. Mỗi chiếc lá là những dòng chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của mỗi người dân trong năm mới…

Đặc biệt, đây là năm thứ 4, chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội với nhiều nghi lễ, như: lễ rước nước, lễ phóng sinh, thuyết giáp, lễ quy y Tam Bảo, lễ cầu nguyện cho Quốc thái dân an…; đồng thời, tổ chức hoạt động về nguồn tại nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu An Sinh…

Đi lễ đầu năm, nét đẹp văn hóa cần được gìn giữKhuôn viên với hàng trăm chiếc chong chóng đầy màu sắc tại chùa Quảng Xá trở thành nơi ghi lại những khoảng khắc đẹp của nhiều người khi đến đây lễ Phật.

Du khách và người dân bản địa còn được hòa mình vào các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của quê hương Lệ Thủy như tham gia lễ hội bài chòi, thi kéo co, thưởng thức các làn điệu hò khoan Lệ Thủy; tham quan vào hoạt động “cho chữ” đầu xuân của các ông đồ, bà đồ trong trang phục áo dài, khăn đóng với mực tàu, giấy đỏ…

Không chỉ là “cõi thiêng” để thể hiện đời sống nội tâm, các chùa còn là điểm du xuân, vãn cảnh của người người dân trong dịp đầu năm mới. Tại chùa Quảng Xá, ngôi chùa nhỏ ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh), rất nhiều người dân ở các địa phương trong, ngoài tỉnh tìm đến.

- Advertisement -

Trụ trì chùa Quảng Xá Thích Mãn Ngộ cho biết: “Năm nay, chùa đã huy động sự chung tay góp sức của phật tử để tạo nên hàng trăm chiếc chong chóng đầy màu sắc trong khuôn viên.

Rất nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ và các em học sinh sau khi lễ Phật đã đến đây để ghi lại những khoảnh khắc đẹp bằng máy ảnh, điện thoại di động. Tôi thực sự rất vui khi mỗi ngày được chứng kiến những khuôn mặt rạng rỡ, hân hoan của mỗi người dân khi họ hòa mình vào quang cảnh thiên nhiên rất đẹp và bình yên của nhà chùa.”

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) cũng là điểm du lịch tâm linh thu hút rất đông khách đến hành lễ. Điều đáng ghi nhận là, không còn tình trạng người dân thắp hương tùy tiện và đốt vàng mã khắp nơi như những năm trước.

Trong tâm thức của người dân Việt, tháng giêng là quãng thời gian để thực hiện những chuyến du lịch tâm linh, đến với các di sản văn hóa như đền, chùa…và tham gia lễ hội truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều người dân do thiếu ý thức nên đã có những hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, trái với bản sắc văn hóa truyền thống. Đó là không ít phụ nữ, thanh niên mặc quần cộc, váy ngắn khi đi hành lễ. Tại đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn còn hiện tượng khách xin keo, xin xăm, xin thẻ, khấn hộ…

Tục lệ đi lễ đầu năm không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị thuộc về nguồn cội. Và hành động, việc làm ấy chỉ thực sự đẹp khi mỗi người dân đều nêu cao ý thức giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của quê hương.

Nhật Văn

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm