6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ai phá hơn 10 ha rừng gỗ quý ở Khe Giữa?

- Advertisement -

Tại Tiểu khu 486, 487, thuộc lâm phận Khe Giữa, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, hơn 10ha rừng, chủ yếu là gỗ lim bị phá trơ trọi.

Một người dân ở bản Mít, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình dẫn chúng tôi đến khu vực rừng bị đốn hạ. Cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Vít Thù Lù, Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại) chừng 1 cây số, cả khu rừng tự nhiên hơn 10 ha bị chặt và đốt phá không thương tiếc.

Ai phá hơn 10 ha rừng gỗ quý ở Khe Giữa?

Rừng âm thầm chảy máu từ nhiều năm qua.

Anh Hồ Len, ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, trước và sau Tết nguyên đán vừa qua, một nhóm người ngang nhiên dùng cưa vào rừng đốn hạ cây: “Rừng đó toàn cây gỗ quý, gồm lim, gõ, huệnh rất to. Họ chặt phá mà lâm trường ở sát đây không ngăn chặn, họ cứ cho phá. Những thân gỗ to họ lấy hết đi rồi, chỉ còn trơ gốc với ngọn”.

Ai phá hơn 10 ha rừng gỗ quý ở Khe Giữa?

Rất nhiều gốc lim đường kính lớn đã bị tàn phá lấy gỗ.

Tại hiện trường, 5 quả đồi kế tiếp nhau bị cạo trọc, còn sót lại hàng chục gốc lim đường kính từ 40-70cm. Nhiều cây gỗ khác như táu, dổi… gãy đổ ngổn ngang. Phía sâu trong rừng, nhiều hộp gỗ lim nặng trịch, vết cưa còn tươi mới nhưng nhóm phá rừng chưa kịp mang đi tẩu tán.

- Advertisement -

Ông Hồ Đua, Trưởng Bản Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, người dân rất bức xúc vì Trạm bảo vệ rừng và Kiểm lâm ở cách hiện trường không xa nhưng lại để rừng bị phá.

“Bên Lâm trường phá những cây gỗ lớn, theo người dân có khả năng có sự tiếp tay của bên Kiểm lâm. Trong khi đó, những người dân bản phát quang những cây rú non, để trồng rau màu thì họ nghiêm cấm. Bởi thế bà con dân bản rất bức xúc và phẫn nộ về cách làm của cơ quan cấp trên”, ông Hồ Đua cho biết.

Theo người dân địa phương, những người phá rừng thuê máy móc đào xới, làm đường chạy quanh các sườn đồi vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Sau đó, nhóm người này tổ chức đốt rừng để xóa mọi dấu vết. Do có nhiều cây gỗ rừng cổ thụ vững chãi chưa kịp hóa thành tro tàn, trở thành bằng chứng để dân bản tố cáo.

Ai phá hơn 10 ha rừng gỗ quý ở Khe Giữa?

Bóc một lớp vỏ, ông Hồ Len biết ngay cây lim quý bị cháy đen.

Ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, chính quyền xã nhận được tin báo có người phá rừng ở khu vực bản Mít. Xã đã lập biên bản xử lý, tuy nhiên việc chặt đốt với quy mô lớn 10ha thì xã không nắm thông tin và rất bất ngờ.

“Trên địa bàn, không chỉ lâm trường, chủ rừng mà có hành vi tàn phá hủy hoại rừng thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc đánh giá, có điểm nào liên quan phá rừng thì đề nghị nghiêm túc xem xét, đánh giá”, ông Hồ Văn Tuyên nói thêm.

Ông Ngô Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa cho biết, khu vực rừng Tiểu khu 486, 487 là rừng trồng sản xuất, hồ sơ thiết kế từ năm 2017. Khi nhìn vào hình ảnh hàng loạt gốc gỗ lớn chụp tại hiện trường, ông Thành biện bạch, số cây này lâm trường đã khai thác từ lâu. Lý do khai thác là rừng bị gãy đổ nhiều sau bão năm 2017.

- Advertisement -

Ai phá hơn 10 ha rừng gỗ quý ở Khe Giữa?

Một quả đồi bị băm nát.

Tuy nhiên, khi được hỏi một khu rừng gỗ lớn rộng 10ha thì bão có thể làm gãy đổ hết không, ông Thành không trả lời được: “Khi đi vào khai thác thì lâm trường tiến hành kiểm tra thiết kế, trước khi chặt xong thì giữa rừng còn các cây nhỏ nên tiến hành chặt lại. Đơn vị đã cho lực lượng bảo vệ rừng, kỹ thuật kiểm tra toàn bộ diện tích. Năm 2017 bão vào, lâm trường tiến hành tận thu cây sau bão, thiết kế lại vùng rừng theo bản đồ cũ, không lấn rừng tự nhiên gì hết”.

Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình phân bua, những khúc gỗ lim còn lại tại Tiểu khu 486, 487 hầu hết là của cây bị bọong, mối mọt, bị gió làm gãy… nên lâm trường mới khai thác. Rừng ở 2 Tiểu khu này được khai thác kể từ năm 2012 để chuyển đổi qua rừng trồng keo. Ông Quế đổ lỗi cho dân bản thường vào rừng trộm gỗ.

“Khu vực này trước đây là bãi tập hợp tận thu cây lóc lõi của lâm trường. Lâm trường kéo cây về tập hợp ở đó. Có một số cây nghiệm thu không đảm bảo nên lâm trường không lấy. Sau này, Kiểm lâm quản lý thì thấy gỗ vẫn còn ở hiện trường, chứ không ai đưa gỗ đi đâu cả. Có thể dân bản vào rừng trộm cắp, lấy vài cái đe (khúc gỗ) thôi”, ông Quế phân bua.

Dư luận cho rằng, bãi tập kết cây rừng tận thu từ nơi khác thì vì sao có nhiều gốc gỗ lớn tại hiện trường. Và một rừng gỗ lim, táu quý giá như vậy lại sát với khu vực rừng nguyên sinh thì không thể là rừng nghèo kiệt, và càng không được phép chuyển đổi qua rừng trồng sản xuất. Cơ quan chức năng cung cấp hồ sơ thiết kế rừng vào năm 2017, tức là sau khi có Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên.

Như vậy, liệu việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của lâm trường Khe Giữa có trái với quy định của pháp luật hay không? Các ngành chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm vụ khai thác rừng gỗ quý ở Tiểu khu 486, 487?./.

Thanh Tuấn/VOV-Miền Trung

Nguồn tin: VOV.vn

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm