6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nâng cao giá trị cây lúa Quảng Bình

- Advertisement -

Từ hàng trăm năm qua, cây lúa luôn gắn bó với người nông dân Quảng Bình và là nguồn thu nhập chính của bà con. Tuy nhiên, đã có một thời gian, giá lúa gạo giảm sâu dẫn đến tình trạng người nông dân bỏ ruộng ở không ít địa phương. Đến nay, qua nhiều thăng trầm, cây lúa đang từng bước trở lại vị thế vốn có của mình với phương thức canh tác mới, sản xuất theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa.

Đối với sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bình, trong ngành trồng trọt, cây lúa chiếm một vị trí rất quan trọng. Chỉ tính riêng trong vụ đông-xuân hàng năm, tổng diện tích cây lương thực đạt trên 54.700 ha, trong đó, diện tích lúa đã chiếm gần 30.000 ha.

Năm 2018, tổng sản lượng lương thực Quảng Bình đạt hơn 30 vạn tấn, thì sản lượng lúa đã chiếm gần 28,4 vạn tấn, còn sản lượng lương thực các loại cây trồng khác chỉ đạt trên 2,5 vạn tấn. Những con số nêu trên đã chứng tỏ, sản xuất lúa gạo ở Quảng Bình chiếm một vị trí quan trọng và chiến lược trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa gạo tiên tiến, như: SRI, sản xuất lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với bộ giống lúa, tỉnh đã chỉ đạo tập trung sản xuất chủ yếu các giống lúa trung, ngắn ngày, chất lượng cao. Trong đó, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận 1, chiếm trên 68% và giống lúa chất lượng chiếm trên 62%.

Nâng cao giá trị cây lúa Quảng BìnhCác công đoạn sản xuất lúa gạo đang được đổi mới từng ngày.

Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “Việc các HTX mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, một số kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ và áp dụng giống lúa mới đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Nhờ đó, nông dân toàn tỉnh rất phấn khởi, hào hứng cho vụ mùa mới”.

Trong sản xuất lúa gạo của Quảng Bình, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng ở huyện Lệ Thủy được đánh giá là điểm sáng trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, vụ đông-xuân năm 2017-2018, tất cả 265 ha lúa của HTX đều được áp dụng phương pháp canh tác SRI, sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: P6, TBR225.

- Advertisement -

Qua nhiều năm áp dụng mô hình SRI, năng suất lúa bình quân của vụ đông-xuân đạt 74 tạ/ha, cao hơn lúa đại trà 4 tạ/ha. Bên cạnh đó, HTX Mỹ Lộc Thượng còn tuân thủ đúng theo Điều lệ HTX; xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng khang trang phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đóng góp vai trò tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới. HTX Mỹ Lộc Thượng thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy cho người dân, là cầu nối giữa Nhà nước và người nông dân một cách hiệu quả.

Anh Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Mỹ Lộc Thượng cho biết thêm: “HTX đã tiến hành liên hệ với các doanh nghiệp trong tỉnh để bao tiêu sản phẩm. Trong đó, Công ty Tân Châu Phát thu mua với giá lúa 6.600 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 3 đến 4 giá và đã nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

Phải nói rằng là một năm vừa được mùa được giá và tạo điều kiện cho thành viên HTX nâng cao đời sống”. HTX Mỹ Lộc Thượng cũng đã đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Gạo Lệ Thủy”. Đây chính là điều kiện để lúa gạo của người nông dân ở đây nói riêng và hạt gạo của xứ lúa Lệ Thủy nói chung thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ.

Không riêng HTX Mỹ Lộc Thượng, Quảng Bình hiện đã có rất nhiều hợp tác xã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, mang lại hiệu quả cao, như: HTX Thượng Phong, HTX Đại Phong, xã Phong Thủy; HTX Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy; HTX Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh…

Ðể nâng cao chất lượng lúa gạo, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, ngoài năng suất, chất lượng lúa gạo cũng đã được nâng lên.

Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Định hướng chung của ngành nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu bộ giống lúa từ giống dài ngày qua giống trung ngày và ngắn ngày, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng giống.

Từ đó, sản xuất lúa gạo trong năm 2018 đạt hiệu quả rất cao. Tỉnh cũng đã dành hơn 2.500 ha để chuyển đổi từ lúa qua trồng các cây trồng khác và cùng với một số HTX triển khai mô hình liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm lúa gạo cho nhân dân”.

Để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao; đồng thời, hình thành các hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm lúa, gạo cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục có chủ trương mở rộng cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao.

- Advertisement -

Và quan trọng hơn, người dân đang từng bướcthay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phù hợp với cơ chế thị trường, phát huy lợi thế địa phương tăng nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Nguyễn Minh Phong
(Đài PT-TH Quảng Bình)

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm