6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đồng bào công giáo chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

- Advertisement -

Cùng với việc tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm triển khai các hoạt động phối hợp vận động bà con giáo dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các mô hình “Sống tốt đời, đẹp đạo”. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào công giáo (ĐBCG), thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ĐBCG tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước.

Đặc biệt, với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và ĐBCG, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) tỉnh đã tổ chức và thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động do UBĐKCG Việt Nam, Mặt trận và đoàn thể các cấp phát động.

Nhờ vây, phong trào thi đua phát triển kinh tế trong ĐBCG diễn ra sôi nổi, đều khắp trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác ngành nghề truyền thống, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Đồng bào công giáo chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộcBà con giáo dân xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn tích cực chuyển đổi đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng tỏi cho thu nhập ổn định.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản bấp bênh… nhưng ĐBCG tỉnh luôn vượt qua mọi khó khăn, tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, trang trại, hộ sản xuất kinh doanh, chủ doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp do ĐBCG làm chủ đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh cao.

Điển hình như: mô hình 13 hộ giáo dân xứ Chày (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) thành lập tổ hợp tác (THT) trồng sim lấy quả với diện tích hơn 4 ha, cho thu nhập 30-35 triệu đồng/hộ/năm; THT trồng nghệ vàng với 25 hộ giáo dân giáo xứ Khe Ngang (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch), tham gia trồng được trên 7ha, thu hoạch và chế biến hàng tấn tinh bột nghệ thương phẩm; bà con giáo họ Tượng Sơn (phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn) đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng hoa, đưa các giống hoa có giá trị cao vào canh tác mang lại thu nhập mỗi năm từ 50 đến 60 triệu đồng/hộ…

- Advertisement -

Tại các giáo xứ: Cồn Nâm, Giáp Tam (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn), bà con đã chuyển đổi đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng tỏi cho thu nhập ổn định và đang từng bước xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh các mô hình THT đang phát huy hiệu quả kinh tế, tại các giáo xứ còn xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi. Ông Mai Văn Dũng, giáo xứ Chợ Sàng (xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch) là một trong những điển hình như thế. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang ươm ghép giống cây lâm nghiệp cung cấp giống cho bà con, nâng cao diện tích trồng rừng.

Ông còn thuê thêm đất trồng lúa nhiễm mặn để đầu tư nuôi tôm, cua, giải quyết việc làm ổn định cho 15 đến 20 lao động. Ông Nguyễn Hiệp, họ giáo Tô Xá (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) được nhiều người biết đến nhờ thành công từ việc đầu tư xây dựng mô hình VAC trên vùng đất nhiễm phèn.

Ông Hiệp cho hay: “Với số vốn đầu tư ban đầu trên 420 triệu đồng, tôi đã kết hợp tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng diện tích trông cây lâm nghiệp, cây ăn quả… Hiện nay, mô hình VAC của tôi đã tạo việc làm cho hơn 10 lao động, với mức thu nhập ổn định trên 4,5 triệu đồng/người/tháng”.

Hưởng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình tại các giáo xứ, như: Văn Phú (xã Quảng Văn), Tân Mỹ (phường Quảng Phúc), Giáp Tam (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn), Xuân Hòa (Quảng Xuân, Quảng Trạch)… đã sử dụng số tiền được đền bù từ sự cố môi trường biển để nâng cấp phương tiện, đầu tư đóng mới, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại cho những chuyến ra khơi đạt năng suất cao.

Điển hình như: hộ ông Nguyễn Thanh Trinh, giáo xứ Tân Mỹ đầu tư đóng mới tàu có công suất 863 CV, trang bị máy liên lạc tầm xa, máy định vị, máy dò cá với tổng vốn đầu tư lên đến 7 tỷ đồng; xưởng đóng tàu của ông Hoàng Văn Tường, giáo xứ Văn Phú có quy mô đầu tư 2,5 tỷ đồng, bình quân mỗi năm xuất xưởng từ 3-5 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động, với mức lương ổn định 7 triệu đồng/người/tháng và 40 lao động thời vụ có thu nhập khá.

Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các giáo xứ, giáo họ trong toàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều bà con giáo dân đã tích cực đóng góp hàng trăm ngày công, hàng chục m2 đất, hàng rào để mở rộng, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm theo quy hoạch chung. Mô hình đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại giáo xứ Trừng Hải (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trach) được nhân rộng đều khắp toàn tỉnh.

Các linh mục, hội đồng mục vụ, bà con giáo dân luôn tích cực hưởng ứng các cuộc ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường do UBND tỉnh phát động với tinh thần “sống xanh, sống thân thiện với môi trường, cùng nhau có trách nhiệm về một môi trường bền vững”.

- Advertisement -

Các mô hình đoàn kết xây dựng và phát huy đời sống văn hóa, chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đoàn kết trong đạo đức, lối sống, trong tinh thần bác ái yêu thương, trong nếp sống đạo của người công giáo được duy trì và phát huy có hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBĐKCG tỉnh chia sẻ: “Ngoài việc động viên bà con phát huy thành quả từ các phong trào yêu nước, UBĐKCG tỉnh đã chú trọng việc tuyên truyền, giải thích cho bà con giáo dân hiểu rõ âm mưu của các thế lực thù địch đang lợi dụng những thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật trên mạng xã hội, lợi dụng những vấn đề nhân dân bức xúc để kích động bà con giáo dân, gây nên những hiểu biết lệch lạc, mất ổn định.

UBĐKCG tỉnh đã minh họa những việc làm thiết thực, những sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành và địa phương trong việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sống cho mọi người dân, giúp bà con nhận thức đầy đủ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo bước chuyển mới về nhận thức và hành động trong bà con giáo dân.

Nhờ vậy, người công giáo trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh, nêu cao tinh thần yêu nước, góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh”.

Hiền Chi

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm