7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nén tâm nhang ở thôn Quyết Thắng

- Advertisement -

Cách đây 46 năm, tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), hàng loạt máy bay B52 của giặc Mỹ đã dội bom xuống làm 156 người hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Để tỏ lòng tri ân với những người đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, Trung ương Đoàn quyết định đầu tư xây dựng khu tưởng niệm…

Theo các tài liệu ghi lại, trong giai đoạn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, khu vực thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch có những trọng điểm giao thông mà máy bay, tàu chiến địch thường xuyên ném bom, bắn phá ác liệt như: Cống Bốn, cống Mười, cầu Khe Nước, cảng Gianh. Bởi hai bên bờ sông Gianh khi đó luôn tấp nập hàng hóa, vũ khí chở từ miền Bắc vào tập kết để tỏa ra các chiến trường.

Ngày 13-1-1973, tại đây có hàng trăm thanh niên xung phong (TNXP), bộ đội và nhân dân Hợp tác xã Quyết Thắng đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ các tàu thuyền vào kho để phục vụ cho chiến trường miền Nam ruột thịt, khoảng 10 giờ trưa, nhiều tốp máy bay phản lực của đế quốc Mỹ từ Hạm đội 7 tiến hành ném bom bắn phá cảng Gianh, làm một số bộ đội, TNXP bị thương.

Nén tâm nhang ở thôn Quyết ThắngTuổi trẻ Quảng Bình dâng hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống tại bia di tích lịch sử tại thôn Quyết Thắng.

Sau khi vận chuyển những người bị thương đến nơi cứu chữa, các đơn vị chuẩn bị ăn cơm thì máy bay B52 của giặc Mỹ tiếp tục dội bom xuống khu vực này làm 156 người chết (trong đó có 11 người dân địa phương). Hầu hết các thi thể không còn nguyên vẹn. Cây cối, nhà cửa trong thôn xóm trở nên hoang tàn, đổ nát sau trận bom.

Trong suốt buổi chiều ngày hôm đó, máy bay B52 của Mỹ tiếp tục rải thảm… Sau vụ thảm sát, 144 ngôi mộ vô danh được người dân địa phương đắp lên giữa vùng đất cát, trong tiếng bom của giặc Mỹ.

Khi đất nước thống nhất, những ngôi mộ vô danh trong vụ thảm sát được địa phương quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ Nam Gianh. Cuộc sống thanh bình trở lại, nhưng với người dân địa phương, vụ thảm sát ngày 13-1-1973 trở thành ký ức không thể quên và ngày này được chọn là ngày giỗ chung hàng năm của làng.

Ông Nguyễn Văn Xon, Trưởng thôn Quyết Thắng, cũng là cựu TNXP ngày đó kể lại: “Sau khi hứng chịu trận bom kinh hoàng, người chết nằm la liệt. Chúng tôi chôn cất mọi người trong tiếng máy bay gầm rú và bom nổ khắp nơi”.

- Advertisement -

Bà Lê Thị Xuân, nhà gần vị trí xảy ra vụ thảm sát cũng nhớ lại: “Vài ngày trước khi hy sinh trong vụ thảm sát, chị Chóc (một liệt sỹ đơn vị TNXP Hải Hưng C283) tháo đôi bông tai và tấm ảnh tặng tôi. Tôi chỉ xin nhận tấm ảnh và gửi lại chị đôi bông tai. Không ngờ, đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau!”. Ngày xảy ra vụ thảm sát, bà Xuân chính là người nhận ra xác chị Chóc và chôn cất dù không còn nguyên vẹn.

Nén tâm nhang ở thôn Quyết ThắngPhối cảnh khu tưởng niệm Đại đội TNXP C283.

46 năm sau vụ thảm sát, 144 ngôi mộ liệt sỹ đang nằm tại xã Thanh Trạch vẫn mang một tên chung: “liệt sỹ vô danh”. Công lao của các liệt sỹ đã được ghi nhận. Vụ thảm sát đẫm máu trên mảnh đất Thanh Trạch ngày đó là bằng chứng rõ ràng nhất về tội ác của giặc Mỹ trong chiến tranh.

Để tỏ lòng tri ân với những người đã ngã xuống, Trung ương Đoàn đã quyết định đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng Khu tưởng niệm Đại đội TNXP C283. Công trình do Tỉnh đoàn Quảng Bình làm chủ đầu tư và sẽ được khởi công vào ngày 3-3-2019 trên diện tích 1,7ha tại xã Thanh Trạch. Khu tưởng niệm TNXP C283 được thiết kế với các hạng mục chính gồm: đền tưởng niệm, nhà công vụ, đài tưởng niệm, hồ nước, bãi đỗ xe, bồn hoa, cây xanh cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác.

Đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn Trần Quốc Tuấn cho biết: “Việc xây dựng khu tưởng niệm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân công lao và những đóng góp, hy sinh vì độc lập dân tộc của thế hệ cha anh.

Đây còn là di tích lịch sử cách mạng, một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay và mai sau sống, học tập, làm việc và cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước, xứng đáng với những gì mà thế hệ đi trước đã xây đắp nên”.

Sau khi hoàn thành, cùng với Tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước xã Sơn Trạch, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đường 20 Quyết Thắng, hang Tám Cô, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường Sơn tại bến phà Long Đại, Khu tưởng niệm TNXP C283 sẽ trở thành điểm đến trong hệ thống di tích lịch sử trên vùng đất lửa Quảng Bình…

Xuân Vương

- Advertisement -

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm