9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tiến tới xây dựng thương hiệu mướp đắng an toàn

- Advertisement -

Những năm gần đây, cây mướp đắng thực sự trở thành một trong những cây trồng chủ lực, tạo nguồn sinh kế cho người dân xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, mở ra cơ hội cho việc xây dựng thương hiệu nông sản trên vùng đất này.

Tăng thu nhập từ cây mướp đắng

Mướp đắng lâu nay không chỉ là một loại quả được dùng trong các bữa ăn gia đình, mà còn được chế biến để trở thành một loại đồ uống thanh nhiệt ưa thích, vì vậy, mướp đắng được trồng và tiêu thụ mạnh trên toàn quốc. Xã Hưng Thủy có diện tích đất hoa màu khá lớn, những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng các loại hoa màu, như: đậu, khoai, sắn, nhưng hiệu quả không cao.

Qua một thời gian trồng thử nghiệm cây mướp đắng cho thấy, đây là cây trồng thích nghi nhanh, cho năng suất và sản lượng cao cũng như mang lại thu nhập khá ổn định, nên diện tích mướp đắng ngày càng tăng nhanh. Hiện toàn xã Hưng Thủy có hơn 43ha diện tích trồng cây mướp đắng.

Tại thời điểm này, giá mướp trên thị trường vẫn giữ ổn định ở mức từ 11.000-13.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào mướp đắng thu về cho bà con 7-8 triệu đồng. Đặc biệt, năm nay, một số hộ dân gieo hạt sớm, mướp đắng ra quả thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán, với giá bán 35.000-40.000/1kg, nên nông dân thu lãi khá cao.

Theo chị Đinh Thị Thúy, thôn Đấu Tranh, mướp đắng trồng khoảng 50-60 ngày thì bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 3-4 tháng. Với 3 sào đất trước đây gia đình chị trồng đậu, khoai lang, sắn, nếu được mùa thì cũng chỉ thu về được 7-8 triệu đồng, có năm nước lũ về sớm, không kịp thu hoạch thì coi như mất trắng. Từ khi chuyển sang trồng cây mướp đắng, bình quân mỗi vụ cũng thu về cho gia đình chị khoảng 25 triệu đồng.

Tiến tới xây dựng thương hiệu mướp đắng an toànMướp đắng Hưng Thủy hiện đang rất được thị trường ưa chuộng.

Trả lời thắc mắc vì sao mướp đắng ít bị sâu bệnh, quả to đẹp, chị Nguyễn Thị Nết, thôn Tương Trợ cho biết: “Đất trồng mướp đắng ở Hưng Thủy chủ yếu là đất cát pha, để tạo độ màu mỡ cho đất, bà con đã đánh luống bỏ nhiều phân chuồng; khi mướp lên cao thì làm giàn cao ráo, làm cỏ thường xuyên… Hơn nữa, mướp đắng ở đây được trồng đại trà thành vùng lớn, đúng mùa vụ nên tránh được côn trùng gây hại”.

- Advertisement -

Hiện mướp đắng Hưng Thủy không chỉ được các thương lái đưa đi tiêu thụ trong tỉnh mà còn đưa ra các tỉnh bạn, như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… Nhiều gia đình nhờ trồng mướp đắng mà có của ăn, của để, lo cho con cái học hành. Đây là cây trồng có nhiều tiềm năng, không chỉ cho năng suất, chất lượng mà hiệu quả kinh tế cao, do đó, chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng, giúp bà con thoát nghèo và tăng thu nhập.

Tiến tới xây dựng thương hiệu

Những năm gần đây, sản phẩm mướp đắng của Hưng Thủy không chỉ được người dân, thương lái trong tỉnh biết đến mà cả người dân và thương lái ở các tỉnh lân cận cũng tìm đến đây để thu mua sản phẩm.

Đặc biệt, năm 2016, tổ hợp tác sản xuất mướp đắng an toàn xã Hưng Thủy được thành lập. Đến nay, tổ hợp tác có 15 thành viên tham gia, các hội viên được tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm mướp đắng Hưng Thủy đã được Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ông Đinh Như Tuấn, Chủ nhiệm tổ hợp tác mướp đắng an toàn Hưng Thủy cho biết: “Để trồng mướp đắng theo phương pháp an toàn sinh học, các hộ dân nơi đây không sử dụng trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật vào cây mà dùng các hộp bẫy để nhử và tiêu diệt ong bướm chích hút gây hại cho cây và trái mướp, nhiều hộ được tập huấn và đã tuân thủ theo đúng quy trình.

Ngoài ra, các khâu làm đất, bón phân, làm cỏ cũng được người dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ mà phải tự làm tay, lên luống…Hiện người dân nơi đây đang mong muốn xây dựng được thương hiệu mướp đắng an toàn Hưng Thủy nhằm đưa vào các thị trường tiềm năng, tránh bị các thương lái ép giá khi được mùa…”

Tuy đã có những kết quả và thành công bước đầu, nhưng về lâu dài, việc phát triển cây mướp đắng vẫn còn lắm khó khăn mà người dân phải đối mặt. Đó là đầu ra cho sản phẩm, tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn còn tồn tại, người dân vẫn chưa thể yên tâm sản xuất.

Năm 2018, mướp đắng được mùa nhưng thương lái chỉ mua với giá 2.000 đồng/kg làm cho nhiều hộ dân năm nay không dám trồng lại. Một số hộ cắt phơi khô bán nhưng thị trường mướp đắng khô còn hạn hẹp nên vẫn không có lãi là bao.

- Advertisement -

Tiếp đó là hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho cây mướp đắng vẫn chưa có, được mùa, mất mùa đều phụ thuộc vào thời tiết. Năm nay, do nắng nhiều nên năng suất và chất lượng quả vẫn không được như những năm trước, nhưng nhờ thương lái thu mua với giá cao nên người dân vẫn phấn khởi. Do thiếu hệ thống nước tưới tiêu, nên mướp đắng Hưng Thủy chỉ trồng được đúng mùa vụ còn trái vụ vẫn chưa trồng được.

Ngoài ra, trồng mướp đắng người dân phần lớn là trồng theo kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau chứ chưa được tập huấn chuyển giao kỹ thuật bài bản nên năng suất, chất lượng vẫn chưa cao, còn tùy thuộc vào thời tiết…

Theo ông Phạm Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng xã vẫn khuyến khích bà con nhân rộng mô hình, bởi hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với cây hoa màu truyền thống của địa phương. Mặt khác, khi có thương hiệu mướp đắng an toàn Hưng Thủy, thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng, thương lái sẽ không còn ép giá người dân nữa.

Trong thời gian tới, xã sẽ kêu gọi người dân đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ cao trồng mướp đắng trái vụ để tăng thu nhập, đồng thời, khuyến khích người dân làm sản phẩm mướp đắng sấy khô để bán ra thị trường, tránh tình trạng “được mùa mất giá” như những nông sản khác.

Thanh Hoa

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm