6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ước mơ vào công chức rồi… thâu đêm bán hàng online bù lương

- Advertisement -

Cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là niềm ước mơ của bao nhiêu người ở tỉnh nghèo Quảng Bình. Thế nhưng khi đã hưởng lương từ ngân sách, rất nhiều người phải tìm công việc làm thêm để tăng thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

LTS: Hướng tới đề án chính sách cải cách tiền lương từ năm 2021, nhóm PV Infonet đã gặp nhiều đối tượng công chức, viên chức ở các địa bàn khác nhau để tìm hiểu về thực trạng mức lương mà họ đang nhận có đáp ứng cơ bản các nhu cầu cuộc sống hay không.
Mời quý bạn đọc theo dõi loạt bài về thực trạng lương công chức, viên chức hiện nay!

Công chức, viên chức thâu đêm bán hàng online

Công chức, viên chức những người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách hoặc quỹ lương của đơn vị. Họ là những người có công việc ổn định theo vị trí việc làm và có thu nhập ồn định theo quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, dù có lương hàng tháng ổn định, nhưng cuộc sống của rất nhiều công chức, viên chức ở tỉnh Quảng Bình đang gặp khó khăn. Để có tiền trang trải cuộc sống, nhiều công chức, viên chức phải lăn lộn làm thêm ngoài giờ hành chính để kiếm tiền.

Chị Trần Thị Thu làm viên chức làm việc tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết: “Em được tuyển viên chức từ cuối năm 2016, đến nay theo hệ số lương vẫn đang bậc 1, được 3,3 triệu/tháng. Vì nhà ở xa, nên em phải ở trọ để đi làm. Ngoài làm theo giờ hành chính ra, em cùng với bạn mở cửa hàng bán giày, dép để có thêm thu nhập. Bọn em mà dựa vào nguồn lương rồi chia ra chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại, cưới hỏi… thì thiếu trầm trọng, không thể đủ sống được”.

Không mở quầy bán hàng như  Thu, chị Cao Thị Hằng Hiền – công chức địa chính xã Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa) ngoài công việc cơ quan, chị còn tranh thủ thời gian rỗi để đăng tải lên mạng xã hội bán các sản phẩn nông nghiệp của địa phương sẵn có.

Ước mơ vào công chức rồi... thâu đêm bán hàng online bù lương

- Advertisement -

Lương thấp, nhiều công chức, viên chức có cuộc sống rất khó khăn. (ảnh minh họa)

“Lúc đầu đăng bán online trên mạng theo bạn bè cho vui, nhưng các mặt hàng của địa phương như: cây cỏ máu, mật ong Tuyên Hóa… có nguồn gốc, chất lượng nên bạn bè mua ủng hộ cũng nhiều. Nhiều đêm, khách hàng vào hỏi mình phải thức thâu đêm nhắn tin trả lời, tư vấn… Từ đó, ngoài việc cơ quan, mình bận rộn với công việc bán hàng, gói gửi hàng, tư vấn cách dùng cho các khách hàng. Dù mệt tí, nhưng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nên cũng rất vui” – chị Hiền chia sẻ.

Nhiều trường hợp vợ chồng cùng làm công việc nhà nước, nhưng thu nhập thấp nên khi có con cái, không có tiền thuê người trông trẻ, họ phải nhờ cậy nội ngoại chăm sóc.

Chị Cao Thị Tố Nga làm ở Văn phòng một cửa – UBND huyện Tuyên Hóa với đồng lương viên chức bậc 2,66. Chồng chị Nga làm công chức ở xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa) cách nhà hơn 40km. Lương hai vợ chồng gộp lại chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng.

“Chồng em làm ở xã Ngư Hóa, lương bậc 2 được hơn 4 triệu/tháng. Ở xa nhà 40km nên đi về cũng tốn kém lắm. Giờ vợ chồng em cắm sổ lương của chồng để mua đám đất nhỏ nhỏ, nên mọi chi tiêu sinh hoạt hằng ngày dựa vào lương của em nên thiếu thốn lắm. Con cái đi học vợ chồng em phải nhờ ông bà ngoại giúp đỡ nữa chứ không chi đủ được” – chị Nga chia sẻ.

Ước mơ vào công chức rồi... thâu đêm bán hàng online bù lương

Lương thấp, nhiều công chức, viên chức bán hàng online để kiếm thêm thu nhập (ảnh minh họa: Internet)

Cùng hoàn cảnh như chị Nga, chị Ngọc Hạnh làm ở UBND huyện Tuyên Hóa, nhưng nhà ở tận thành phố Đồng Hới cách xa 100km. Chồng đi làm xa, con cái gia đình chị phải gửi nhờ ông bà ngoại chăm sóc, cuối tuần mẹ con mới được gặp nhau.

- Advertisement -

“Mình mong muốn được chuyển vào gần nhà làm việc và có điều kiện chăm sóc con cái hơn, chứ sống xa nhà thì lương chỉ đủ trang trải đi tàu xe hàng tuần về nhà, thuê nhà trọ, chi tiêu hằng ngày hết còn đâu. Nuôi con cái phải dựa vào thu nhập của chồng là chủ yếu” – chị Hạnh mong muốn.

Lương thấp hạn chế tính sáng tạo, năng động và yêu nghề

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có khoảng 65.000 lao động, trong đó tỉnh quản lý hơn 52.000 lao động. Khu vực hành chính sự nghiệp hơn 32.000 người, khối sản xuất kinh doanh hơn 20.000 người. Lương thu nhập của người lao động tỉnh Quảng Bình trung bình năm 2018 là 4,9 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập có sự chênh lệch giữa khối sản xuất kinh doanh và hành chính sự nghiệp.

Ông Nguyễn Lương Bình – Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Bình cho rằng, hiện nay cách chi trả lương cho người lao động đang tính theo khu vực, nên các tỉnh khu vực 3 hoặc 4, lương theo quy định thấp, các doanh nghiệp dựa vào đó để trả lương không thấp hơn để khỏi bị phạt. Còn người lao động trong khu vực hành chính, đơn vị sự nghiệp thì tính theo bậc, hệ số theo quy định.

Ước mơ vào công chức rồi... thâu đêm bán hàng online bù lương

Lương thấp thì khó đòi hỏi người lao động tính sáng tạo, năng động và yêu nghề. (ảnh minh họa)

“Cuộc sống của người lao động hiện nay cũng có nhiều trăn trở như thiết chế phục vụ như nhà ở, nhà trẻ còn thiếu, những lao động sống xa nhà phải chi tiêu ăn, ở, sinh hoạt nên cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Khi lương thấp thì nhiều người phải vận động để kiếm thêm nguồn thu nhập từ các công việc khác. Ngược lại, thu nhập chính là lương mà thấp thì sẽ hạn chế tính sáng tạo, tình yêu công việc của mỗi người lao động” – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình chia sẻ.

Về việc dù lương thấp nhưng khối hành chính, sự nghiệp công lập vẫn hút nhiều người “chạy việc”, xin việc để được vào biên chế, ông Bình lý giải: “Họ muốn an phận thủ thường, không có tư duy như các lao động trong khối kinh doanh khi thu nhập tính theo năng suất lao động. Muốn tăng lương trong khối hành chính, sự nghiệp công lập thì phải tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy. Mỗi vị trí việc làm ở 1 đơn vị mà có nhiều người cùng làm thì số tiền phải chia”.

Cũng theo ông Bình, nếu chi trả lương theo chức vụ, vị trí việc làm, mỗi người lao động sẽ có mặt tích cực trong tính cạnh tranh hiệu quả công việc, các phát kiến áp dụng để được lên vị trí cao hơn để có lương nhiều hơn. Nhưng ngược lại, cũng dễ nảy sinh tiêu cực cạnh tranh không lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị trong việc sắp xếp, đề bạt công chức, viên chức vào vị trí mới, chức vụ cao hơn.

Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Infonet

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm