6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chuyện nghề lưu trữ hồ sơ – Bài 1: Thầm lặng với nghề

- Advertisement -

Giữa lòng thành phố nhộn nhịp, vẫn có những con người âm thầm, miệt mài “làm bạn” với các tập hồ sơ, tài liệu đã nhuốm màu thời gian. Đó là những người làm công tác chỉnh lý, bảo quản và lưu trữ hồ sơ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Họ đến với nghề là cơ duyên, nhưng sống với nghề bằng niềm yêu thích, đam mê.

Những ngày đầu tháng ba, theo chân anh Hồ Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, chúng tôi có dịp “mục sở thị” công việc của những người làm công tác lưu trữ và bảo quản hồ sơ. Tưởng đơn giản, nhàn hạ, nhưng tận mắt chứng kiến mới thấy công việc của các cán bộ, nhân viên nơi đây đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và chính xác đến mức nào.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng trung tâm, anh Thắng giới thiệu: “Những hồ sơ được đưa vào lưu trữ ở trung tâm thuộc loại tài liệu có giá trị lưu trữ vĩnh viễn. Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận hàng trăm bộ tài liệu từ các đơn vị chuyển về để chỉnh lý, lưu trữ.

Trong quá trình chỉnh lý, có rất nhiều hồ sơ phải làm vệ sinh, thực hiện việc bồi nền cho các tờ giấy có tình trạng không tốt. Và để có những giá hồ sơ ngăn nắp, gọn gàng, các cán bộ, nhân viên trung tâm phải tỉ mỉ phân loại, chỉnh lý, tu bổ, sắp xếp cẩn thận từng tập hồ sơ. Do tính chất công việc khá trầm lặng, nên hầu hết nhân viên của trung tâm đều là nữ.

Đặc điểm của công việc lưu trữ hồ sơ ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, còn đòi hỏi mỗi người phải có tính bảo mật cao, cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc. Bởi chỉ cần có một sơ sót nhỏ cũng có thể gây nên những hậu quả khó lường. Vì thế, công việc này thường phù hợp với nữ giới hơn”. 

Chuyện nghề lưu trữ hồ sơ - Bài 1: Thầm lặng với nghềCông việc tu bổ, phục chế tài liệu đòi hỏi người làm phải thực sự tỉ mỉ, cẩn trọng và có tinh thần trách nhiệm cao.

Chị Lê Thị Kim Cúc, Trưởng bộ phận Thu thập, chỉnh lý và dịch vụ, thuộc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh cho biết, chị gắn bó với công việc này cũng đã gần 10 năm. Công việc chỉnh lý hồ sơ đòi hỏi người cán bộ phải có tính cẩn thận, chịu khó.

Nhìn thì đơn giản nhưng để có một tập tài liệu ngăn nắp trên giá, nhân viên chỉnh lý đã phải làm việc cật lực từ công đoạn giao nhận, vận chuyển tài liệu về địa điểm chỉnh lý, phân loại tài liệu, chỉnh sửa, vệ sinh hồ sơ, kiểm tra chỉnh sửa việc biên mục hồ sơ, vận chuyển tài liệu vào kho và xếp lên giá…

- Advertisement -

Mỗi người ngồi ở những vị trí khác nhau, làm việc trong phòng lạnh nhưng ai cũng bịt khẩu trang và mang đồ bảo hộ bởi những tài liệu thường có tuổi đời đã lâu, giấy đã mủn mục và bụi bẩn phủ đầy trên mỗi tập hồ sơ.

Giới thiệu với chúng tôi về những cán bộ đang mải miết với công việc tu bổ tài liệu, chị Trần Thị Thanh Nhàn chia sẻ: “Nhiều người nghĩ nghề lưu trữ rất nhàn hạ, nhưng thực tế, đây là công việc vất vả, đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, cần mẫn. Nhiều cán bộ ở đây yêu nghề, dành tình yêu cho từng trang hồ sơ và đã gắn bó rất nhiều năm với công việc. Cũng bởi mỗi trang hồ sơ được lưu trữ tại đây không chỉ là những trang thông tin, mà còn mang giá trị lịch sử”.

Công việc chính của tổ tu bổ tài liệu là tu bổ, phục chế lại những tài liệu đã cũ bằng phương pháp thủ công. Có những tài liệu mục nát, hư hỏng phải dùng giấy dó và hồ tinh bột để phục chế, tu bổ lại nhằm tăng độ cứng cáp, kéo dài tuổi thọ cho tài liệu.

Những hóa chất này vừa có tác dụng phục hồi tài liệu vừa hạn chế sức phá hoại của các loại côn trùng. Đối với những tài liệu bị mục nát nghiêm trọng thì không phải ai cũng có thể tu bổ, phục chế được mà đòi hỏi phải là những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trực tiếp làm.

Chuyện nghề lưu trữ hồ sơ - Bài 1: Thầm lặng với nghềCán bộ, nhân viên Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh sắp xếp ngăn nắp tài liệu đã được chỉnh lý lên giá để bảo quản.

“Chỉ cần thiếu cẩn thận một chút cũng có thể làm mất thông tin tài liệu và không thể cứu vãn được. Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nhưng khi gặp phải những tài liệu bị hư hỏng nghiêm trọng như thế này, tôi phải ngồi tỉ mỉ ghép nhặt từng mảnh giấy nhỏ. Có những lúc, ngồi cả ngày mới tu bổ được một tờ tài liệu. Người làm công tác tu bổ tài liệu luôn phải đặt hiệu quả công việc lên trên hết”, chị Nhàn tâm sự.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của cán bộ lưu trữ là quản lý, khai thác tài liệu. Tài liệu nhiều nhưng vẫn đang trong quá trình “số hóa” nên việc tìm kiếm chủ yếu được làm thủ công. Thêm vào đó, nhiều người đến tra cứu tài liệu cung cấp thông tin không đầy đủ, chung chung khiến việc tìm kiếm càng khó khăn hơn.

Chị Nguyễn Phương Ngọc, Trưởng bộ phận Bảo quản, khai thác và sử dụng tài liệu cho hay: “Có những bác tuổi đã cao đến tìm tài liệu chỉ nhớ được năm ban hành quyết định và nội dung khái quát, không nhớ được cụ thể nên cán bộ lưu trữ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm.

- Advertisement -

Công việc của chúng tôi tuy âm thầm, vất vả, ít người biết, nhưng có làm nghề mới thấy những tập tài liệu có sức hút với mình như thế nào. Tiếp xúc với những tài liệu được đưa vào lưu trữ ở trung tâm cho tôi cảm giác như thấy về một thời quá khứ. Được góp chút công sức trong việc bảo quản, gìn giữ những tài liệu quý là trách nhiệm cũng là niềm tự hào của chúng tôi”.

Có thể nói, nghề lưu trữ là một nghề thầm lặng và người làm công tác lưu trữ là những người hy sinh thầm lặng.

Lan Chi

Bài 2:  Lưu giữ giá trị lịch sử

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm