5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Cánh chim yêu đồng, yêu biển

- Advertisement -

Có một ca khúc đậm chất dân ca trữ tình đi vào lòng công chúng, ca ngợi tình yêu đất nước, tình yêu lao động và đôi lứa. Có một ca khúc mà khi những nghệ sĩ song ca cất lên tạo được sự xúc động lạ kỳ, vừa thổn thức vừa thiết tha, vừa say đắm gọi mời vừa như nhắn nhủ về tương lai tươi đẹp. Đó là “Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Cánh chim yêu đồng, yêu biển

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương (bên phải) hát Tình ta biển bạc đồng xanh.

Từ những đôi bàn tay lao động đến ca khúc nổi tiếng

Tôi nghe ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” nhiều lần nhưng lần nào cũng rộn lên bởi cảm xúc du dương, tươi mới, đầy năng lượng sống. Và khi nghe chính cha đẻ của ca khúc vừa ôm đàn, vừa cất vang trong Quán cà phê Nghệ sĩ ở Đồng Hới (Quảng Bình), càng thấy ca khúc dễ gần. Dễ gần như chính con người mộc mạc Hoàng Sông Hương vậy.

Đồng Hới không phải là thành phố sôi động. Quán cà phê Nghệ sĩ của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cũng không phải đông khách. Nó trầm lắng theo cách bài trí của một nghệ sĩ trầm lắng, sâu sắc và luôn chiêm nghiệm, nhưng ông thấy vui vẻ. Ở đó ông gặp bạn bè, ôn lại kỷ niệm, nói về chuyện sáng tác hoặc tiếp đón những vị khách yêu quý âm nhạc đến với mình. Hôm đến thăm ông, tôi được nghe ông kể về hoàn cảnh ra đời cũng như những cung bậc cảm xúc, những giá trị và tiếng tăm mà đứa con tinh thần đem lại.

Hoàng Sông Hương sinh năm 1942 tại Đồng Hới. Năm 1960 khi mới 18 tuổi, ông được tuyển vào Đoàn Văn công Quảng Bình để làm một nhạc công. “Ngày đó tôi tự học rất nhiều, có thể chơi được nhiều nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn thập lục, nhị. Sau này thêm đàn violon, guita nữa”, – Hoàng Sông Hương bộc bạch.

Yêu quê hương, yêu dân ca Trung Bộ, trong đó nhạc sĩ “ngấm” chất dân ca Bình Trị Thiên nhất. Từ năm 1969, ông học tại khoa Lý luận – Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội, đồng thời sáng tác nhiều ca khúc, nhưng phải đến khi “Tình ta biển bạc đồng xanh” được phổ biến rộng, tên tuổi của ông mới sánh ngang tầm nhiều nhạc sĩ đương thời. Nhạc sĩ kể rằng, “Tình ta biển bạc đồng xanh” được sáng tác vào năm 1973 và cảm xúc được dồn nén từ rất lâu bởi những hình ảnh chân thực của chiến tranh, cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân miền biển. Lật ngược dòng thời gian, khi công tác ở Đoàn Văn công Quảng Bình, ông đã cùng đoàn đi biểu diễn ở nhiều nơi, cả vùng chiến sự. Vùng biển Bình Trị Thiên những năm đó cũng là những túi bom của giặc thả xuống, khiến cuộc sống người dân khó khăn. Năm 1973, nhạc sĩ có cảm giác và hình dung về ngày chiến thắng, thống nhất non sông rất gần. Nhạc sĩ kể: “Khi ấy, tôi đã thấy nhiều nhạc sĩ viết trong niềm cảm xúc yêu nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu rất hay và giá trị. Đó còn là những hành khúc lớn, mạnh mẽ mà bộ đội có thể vừa hành quân vừa hát. Tôi không thể đi theo những gì người khác đã làm nên tôi quyết định sáng tác một bài hát không còn tiếng súng, không có hình ảnh của chiến tranh, mà chỉ có sự tươi vui của cuộc sống mới, hăng say lao động, hạnh phúc tràn đầy. Hay đúng hơn, tôi ao ước sáng tạo ra một bài nhạc xanh trong cảm thức hòa bình”.

- Advertisement -

Ngay cả khi học ở Nhạc viện Hà Nội, Hoàng Sông Hương vẫn có những chuyến biểu diễn phục vụ đồng bào. Ngày thì sinh hoạt, sản xuất cùng nông dân, ngư dân, đêm thì biểu diễn. Lúc lên đồng xanh, khi xuống biển bạc. Trong ông hình thành cái tứ “biển bạc – đồng xanh” và lòng ông hướng theo suy nghĩ của những người lao động cần cù, yêu nước, khao khát xây dựng quê hương giàu đẹp. Hằng ngày, cứ vào sáng sớm người dân dậy phân công công việc. Phụ nữ và người già yếu thì lên đồng trồng rau, cấy lúa. Thanh niên trai tráng thì xuống biển đánh cá. Với cảm thức như thế, người nhạc sĩ trẻ nghĩ phải đưa sự mềm mại vào ca khúc. “Một điệu valse, chính xác, tôi đã sử dụng điệu valse. Mà valse thì hợp với sóng biển. Nó ngẫu hứng, tự do. Bài hát ra đời. Khi hát lên các thủy thủ tàu, ngư dân rất thích vì nó hợp với không khí biển khơi” – Hoàng Sông Hương hào hứng bày tỏ.

Năm 1976, anh gửi “Tình ta biển bạc đồng xanh” ra Đài Tiếng nói Việt Nam, từ đó thính giả cả nước đã biết đến ca khúc này qua phần thể hiện của đôi song ca Phan Huấn -Tuyết Thanh. Bài hát trở thành niềm động viên cho mọi người chung tay xây dựng đất nước. Sau Phan Huấn -Tuyết Thanh, có nhiều đôi song ca hát thành công ca khúc như Thu Hiền -Trung Đức, Thanh Hiền – Đức Long, Tuấn Anh -Tân Nhàn… và trong đời sống thường nhật, không biết bao lần những người dân, nam thanh nữ tú, ca sĩ nghiệp dư hát ca khúc này trong niềm phấn chấn khôn tả.

Giá trị lâu bền

Đến lúc này, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cho rằng bài hát thành công và giá trị của nó vượt ra khỏi sự tưởng tượng của ông. Ông nhận thấy ở tác phẩm của mình cái được nhất là về giai điệu. Giai điệu của ca khúc đậm tính miền Trung, nhưng lại khó nhận ra rõ là vùng nào, mà người dân từ miền biển Quảng Ninh đến Cà Mau đều thấy có mình ở trong đó. Thứ hai là về tính văn chương, mà Hoàng Sông Hương bảo ca khúc của mình có dáng dấp của một truyện ngắn mini, gồm cả hình ảnh, hình tượng, tả cảnh, đối thoại, giao lưu, có chuyện hay lam hay làm của nhân vật “anh” và “em”, để có thành quả là cá đầy khoang, lúa trĩu bông… Đó không phải là một bài thơ nhưng lại có chất thơ; Ca khúc không mang tính hàn lâm mà mang tính đại chúng, thế nhưng vẫn rất hiện đại, nhạc và lời cân xứng nhau. Cái được thứ ba là về hình tượng. Khi ca khúc cất lên, người nghe, người yêu nhạc được hòa vào bức tranh quê hương tươi đẹp Việt Nam. Dù không nói đến địa danh cụ thể nào, nhưng mảnh đất miền Trung thân thương mà đầy gian khó vẫn ẩn hiện trong câu hát “hải âu vui sóng xô”, “cánh cò bay trên thảm lụa”, “cá bạc đầy khoang”, “lúa vàng trĩu bông”… Nể trọng Hoàng Sông Hương, nhạc sĩ đồng hương Dương Viết Chiến nhận xét: “Gia tài âm nhạc của ông lớn, ông có những ca khúc sôi động mãnh liệt nhưng không ồn ào. Âm nhạc ông đằm thắm, trữ tình, giai điệu ngọt ngào sông nước, man mác những điệu hò miền Trung dễ thương, dễ mến, dễ đi vào lòng người. Bởi vậy  âm nhạc của Hoàng Sông Hương đã hòa nhập được theo trào lưu đương đại, kết tinh thành những bản tình ca đẹp”.

Một cái được khác mà người nhạc sĩ cho rằng nó nằm ngoài chuyện sáng tác. Ông kể, không ít những cặp vợ chồng tuổi 50, 60 sống hạnh phúc, bây giờ có điều kiện vào Đồng Hới đến tìm, nói lời cảm ơn, bởi nhờ hát song ca bài của ông ở các đám cưới mà rồi kết duyên, trở thành vợ chồng. Hoàng Sông Hương vui vẻ nói: “Đó là một cái duyên, một niềm vui sướng của người sáng tác khi có những kỷ niệm tốt đẹp như thế. Cuộc sống có quá nhiều bận rộn, lo toan mà nhiều người vẫn còn yêu mến ca khúc của tôi mấy chục năm, vậy là tôi vui sướng lắm rồi”.

Tất nhiên sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Sông Hương không chỉ có vậy. Nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng khác đã tôn thêm gia tài âm nhạc của ông, giúp ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật – năm 2016 và nhiều giải thưởng khác. Hoàng Sông Hương có gần 15 năm sống ở Huế, tại đó ông sáng tác khá nhiều với khoảng 30 bài. Nhiều ca khúc được yêu mến như “Giọng hò quê hương”, “Tiếng dạ tiếng thương”, “Thành Huế chúng mình thương”… Nói về ảnh hưởng dân ca trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ từng bày tỏ: “Tôi cũng như nhiều người con, nhạc sĩ của miền Trung, sinh ra và lớn lên trên vùng đất này thì từ tấm bé dân ca đã chảy vào trong huyết quản. Nên từng nốt nhạc, ca từ đều giúp người nghe nhận ra sự mềm mại của dân ca. Mỗi ca khúc là một bông hoa của chính người sáng tạo ra”.

Người nhạc sĩ tài hoa, giản dị, đồng thời là nghệ sĩ phục chế đàn nổi tiếng nhận thấy mình may mắn. May mắn vì ông được dưỡng nuôi ở một miền văn hóa, vùng trầm tích kinh kỳ – xứ Huế, là con của mảnh đất anh hùng Quảng Bình.

Bến Nhật Lệ bây giờ đã khác với nhà cửa soi bóng. Sông Nhật Lệ kiên cường dưỡng nuôi những con người kiên cường tha thiết chảy ra biển. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương dõi về phía đó, nơi những cánh chim vừa hòa vào biển trời trong một chiều nắng bình yên.

- Advertisement -

Nguyễn Văn Học

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn kết

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm