6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Trăn trở giảm nghèo

- Advertisement -

Quảng Tiến là xã miền núi đặc biệt khó khăn, đa phần người dân sống dựa vào nông nghiệp. Thế nhưng điều kiện tự nhiên không thuận lợi khiến việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Số hộ nghèo, cận nghèo ở Quảng Tiến còn chiếm tỷ lệ khá cao.

Hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 41%

Ông Tạ Quang Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho biết, địa hình tự nhiên của xã đa phần là đồi núi, lại thiếu nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp nên ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của bà con nơi đây.

Ở Quảng Tiến, nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào đập Khe Mái. Tuy nhiên, do dung tích nhỏ, đập này cũng chỉ phục vụ được hơn 35 hecta đất nông nghiệp cho thôn Hà Tiến. Chính vì vậy, ở Quảng Tiến, ngoài thôn Hà Tiến trồng được lúa nước (có năm chỉ trồng được 1 vụ), người dân ở 3 thôn còn lại phải sống dựa vào chăn nuôi, trồng trọt và lâm nghiệp.

Không chỉ thiếu nguồn nước sản xuất, những năm qua, lĩnh vực trồng trọt và lâm nghiệp của địa phương cũng khó khăn không kém. Ảnh hưởng từ cơn bão năm 2017, nhiều diện tích tiêu keo, tràm của người dân Quảng Tiến bị hư hỏng nặng.

Với diện tích hàng năm là 32 hecta, từ lâu, cây tiêu được xem là cây trồng chủ lực để thoát nghèo của địa phương. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, giá trị thu nhập từ cây tiêu của Quảng Tiến không còn được giữ vững như mọi năm.

Năm 2018, Quảng Tiến thu nhập từ cây tiêu là 1,9 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2017. Nhiều hộ dân không còn đầu tư vào cây tiêu. Ngoài nguyên nhân do bão phá hỏng thì giá tiêu giảm mạnh đã khiến bà con không còn mặn mà với cây trồng này.

Bà Nguyễn Thị Viêng, thôn Hải Lưu tâm sự, nhà bà có trồng mấy chục gốc tiêu, thế nhưng, đợt bão năm 2017, nhiều cây bị gãy đổ đã ảnh hưởng đến năng suất tiêu. Trong khi đó, thời gian trở lại đây, giá tiêu giảm mạnh nên vụ tiêu năm nay nhà bà cũng không chăm sóc, bón phân như mọi năm. Giá tiêu có thời điểm lên đến 20.000 đồng/kg, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 7.000 đồng/kg.

- Advertisement -

Bên cạnh cây tiêu, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp khác của địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, do đó, nhiều cây trồng, như: mía, sắn…, dù được mùa nhưng lại lâm vào tình trạng mất giá.

Trăn trở giảm nghèoQuá trình sản xuất nông nghiệp của người dân Quảng Tiến gặp khó khăn do thiếu nước tưới tiêu.

Chính vì gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã hàng năm vẫn còn ở mức khá cao. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Tiến là 13,27%,  hộ cận nghèo là 27,38%.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của người dân Quảng Tiến cũng còn khá thấp với 1.520.000 đồng/người/tháng. Đây là một trong những tiêu chí khó đạt của xã để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Gỡ nút thắt để giảm nghèo

Trước những khó khăn, trở ngại do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, chính quyền xã Quảng Tiến đã xây dựng những hướng đi cụ thể để giảm nghèo. Ông Tạ Quang Vĩnh cho hay, xã đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thay thế các giống lúa chất lượng thấp, qua đó, khuyến khích người dân tăng diện tích trồng lúa 2 vụ.

Để giải quyết vấn đề thiếu nước tưới tiêu và tình trạng hạn hán hiện nay, chính quyền xã Quảng Tiến có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân trồng những giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, như: ổi, cam, bưởi, ngô, mía, trồng cây dược liệu, cà dây leo…

Hiện tại, xã đã chuyển đổi 5hecta ổi. Dự kiến nếu thành công, xã sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng ổi, bưởi, cây dược liệu. Sau khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, nhiều hộ dân ở Quảng Tiến đã mạnh dạn đầu tư kinh phí trồng những cây trồng có giá trị kinh tế cao.

- Advertisement -

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đức Chiêu, thôn Hải Lưu cho hay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện và xã, sau khi tìm hiểu giá trị của cây dược liệu sâm Bố Chính, gia đình ông đã đầu tư trồng thử 7 sào giống sâm này.

Hiện tại, sâm đã được 3 tháng tuổi và sinh trưởng tốt. Sắp tới, gia đình ông sẽ quyết định tiếp tục chuyển đổi 2,5 hecta bạch đàn kém hiệu quả sang trồng sâm Bố Chính để phát triển kinh tế.  

Đặc biệt, để tăng thu nhập bình quân đầu người và giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã cũng đang có chủ trương khuyến khích người dân xuất khẩu lao động. Phấn đấu trong một năm, trung bình xã sẽ xuất khẩu từ 10-15 lao động sang các nước.

Cùng với xuất khẩu lao động, xã cũng đã kêu gọi người dân đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất mộc dân dụng, nón lá và mây xiên, qua đó, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động trong xã. Bên cạnh đó, xã cũng cố gắng liên kết, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để giúp người nông dân có đầu ra ổn định cho nông sản, ông Tạ Quang Vĩnh cho biết thêm.

Đ.N

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm