5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Cơ hội "vàng" cho thương hiệu ớt sạch Hồng Thủy

- Advertisement -

Những năm qua, bên cạnh việc sản xuất cây lúa, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác (THT) nhằm tập trung phát triển diện tích đất màu với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây ớt đang được đánh giá là loại cây mang lại thu nhập cao và góp phần tạo hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế địa phương.

Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có thông tin về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm rõ ràng. Bên cạnh tăng thu nhập cho người dân và tiến tới xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, ổn định, với diện tích thâm canh trên 20 ha/năm, việc liên kết sản xuất ớt sạch gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu ớt là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phát huy thế mạnh của vùng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm tại địa phương.

Cơ hội "vàng" cho thương hiệu ớt sạch Hồng ThủySản phẩm ớt bột Hồng Thủy được khách hàng ưa chuộng.

Tháng 11-2018, sản phẩm ớt Hồng Thủy được UBND huyện phê duyệt dự án xây dựng chuỗi giá trị ớt sạch cho cơ sở nông sản Thánh Gái và Trạm khuyến nông huyện Lệ Thủy tập huấn quy trình sản xuất ớt sạch theo tiêu chuẩn VietGap cho các thành viên THT trồng ớt. Đây là tín hiệu phấn khởi cho chính quyền và người nông dân trồng ớt nơi đây.

Dự án chuỗi giá trị ớt sạch bước đầu áp dụng các biện pháp sản xuất ớt sạch và tiến tới xây dựng theo mô hình VietGap. Xã tổ chức sản xuất theo THT để trồng tập trung và chuyên canh, thống nhất quy trình sản xuất, làm mẫu mã bao bì, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Từ khi THT được thành lập vào năm 2018,  phụ nữ xã Hồng Thủy có thêm cơ hội để giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, góp phần xây dựng thương hiệu ớt Hồng Thủy. Tham gia THT trồng ớt do Hội LHPN xã thành lập trong dự án xây dựng thương hiệu ớt sạch Hồng Thủy, các thành viên đã được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGap, đồng thời, được hỗ trợ thị trường tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, THT trồng ớt Hồng Thủy có 15 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích hơn 3 héc ta, hầu hết các chị em đều có kinh nghiệm trồng ớt lâu năm, sản xuất có hiệu quả, sản lượng bình quân mỗi vụ ước đạt từ 20-30 tấn/hecta, thu lãi 70-80 triệu đồng/hecta. Với đặc trưng về độ nồng, cay, thơm, ngon, ớt Hồng Thủy là sản phẩm được ưa chuộng của thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Thuận lợi của THT là quản lý từ đầu vào đến sơ chế, chế biến, đầu ra. Ớt sau khi thu hoạch được cơ sở nông sản Thánh Gái thu mua từ các thành viên trong THT, sau đó tập hợp về tại cơ sở của mình để sơ chế và chế biến.

- Advertisement -

Từ đó, hình thành các dịch vụ nghề ớt, như: thu mua ớt, vận chuyển, hái ớt trái, nhặt cuống ớt, phân loại ớt, phơi (sấy)… Trong vụ mùa, cơ sở hợp đồng 7-9 lao động thường xuyên phù hợp với công việc sơ chế và chế biến sản phẩm.

Nhờ vậy, bà con trồng ớt có nguồn tiêu thụ ổn định và thu nhập cao. Bên cạnh đó, cơ sơ nông sản Thánh Gái đầu tư mặt bằng xây dựng nhà xưởng, phòng trưng bày sản phẩm, kho đựng, sân phơi tại thôn Thạch Trung, xã Hồng Thủy với tổng diện tích 350m2.

Chị Hồ Thị Gái, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Thủy, chủ cơ sở nông sản Thánh Gái cho biết: “Bên cạnh việc vận động nhân dân tham gia THT trồng ớt, thu mua ớt của bà con nông dân, cơ sở hiện đang tìm các công ty bao tiêu đầu ra với giá thành cao, không bị các thương lái ép giá. Bên cạnh đó, THT liên hệ tổ chức các lớp tập huấn trồng ớt sạch theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ trồng ớt tiến tới mở rộng thành lập các tổ hợp tác trồng ớt trên toàn địa bàn xã”.

Cơ hội "vàng" cho thương hiệu ớt sạch Hồng ThủyVẫn còn rất nhiều việc cần làm để xây dựng thương hiệu ớt Hồng Thủy có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Để cây ớt bền vững, tránh cung vượt cầu, THT đã tổ chức mô hình liên kết, quy hoạch vùng trồng ớt từ nay đến năm 2020; xây dựng vùng điểm sản xuất chuyên canh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với quy mô 3 ha trong vụ thứ nhất, bình quân sản xuất 70 tấn và phát triển lên 4 ha trong vụ thứ hai với 90 tấn trong vùng thực hiện dự án.

Ông Châu Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết: “Ngoài việc nâng cao giá trị thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nông dân, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích bà con thành lập các THT trồng ớt với diện tích lớn hơn, đầu tư phát triển thêm các cơ sở sản xuất chế biến, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt để nâng cao năng suất sản lượng ớt”.

Hiện nay, THT đang liên hệ với công ty nhập khẩu, xuất khẩu ớt để thu mua cho bà con. Việc sản xuất tập trung và hình thành chuỗi giá trị liên kết sản phẩm sẽ tạo cơ hội để chị em phát huy được thế mạnh và kinh nghiệm sản xuất, qua đó, từng bước nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm.

THT trồng ớt sạch Hồng Thủy cũng mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện nhằm giúp các thành viên có cơ hội tham gia tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu ớt Hồng Thủy trên thị trường trong và ngoài nước.

- Advertisement -

Thúy Hằng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm