6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Vẹn nguyên ký ức hào hùng

- Advertisement -

Chiến tranh đã lùi xa hơn 44 năm, nhưng những cựu chiến binh (CCB) trực tiếp tham gia vào trận đánh quyết định lịch sử trong ngày 30-4-1975 vẫn còn vẹn nguyên niềm tự hào, xúc động và rưng rưng nhớ về đồng đội đã anh dũng hy sinh để Bắc-Nam sum họp một nhà.

Cứ vào dịp những ngày tháng 4 lịch sử, Ban liên lạc cán bộ, chiến sỹ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) lại tổ chức họp mặt. Qua những câu chuyện của các CCB, cuộc chiến tranh hào hùng giành độc lập dân tộc được thể hiện như những thước phim rõ nét trong tưởng tượng của mỗi người nghe.

Ông Đặng Đình Long (sinh năm 1942) là 1 trong 15 cán bộ, chiến sỹ của Ban liên lạc bồi hồi nhớ lại, năm 1963, khi vừa tròn 21 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã cùng với nhiều thanh niên của quê hương hăng hái lên đường nhập ngũ, đem tất cả sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng. Sau khi nhập ngũ vào lực lượng Hải quân, ông tham gia nhiều trận đánh tàu chiến của Mỹ để bảo vệ khu vực đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Đến những năm 1969-1970, ông nhận lệnh sang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Đến năm 1973, vì bị thương ông được rút về an dưỡng và điều động tham gia học tại Quân khu 4.

Sau đó, ông được bổ sung về làm Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 6, Đại đội 9, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 vào chiến trường miền Nam bắt đầu tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Vẹn nguyên ký ức hào hùngCác CCB tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh trong Ban liên lạc xã Đức Ninh đến thăm gia đình đồng đội.

“Với tôi kỷ niệm sâu sắc nhất chính là thời khắc khi tôi cùng đồng đội trực tiếp đánh thắng phòng tuyến ở Xuân Lộc và áp sát Trảng Bom để tiến vào Sài Gòn diệt Mỹ ngụy. Sáng 30-4-1975, cả 5 cánh quân đồng loạt tấn công vào thành phố, lúc này Quân đoàn 4 (Sư đoàn 341) có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Quốc phòng, Cảng Bạch Đằng và Đài Phát thanh.

Với ý chí chiến đấu ngoan cường, tôi cùng đồng đội góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của đất nước…”, ông Long xúc động nhớ lại. Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1978, ông Đặng Đình Long tiếp tục nhận nhiệm vụ sang Cam-pu-chia giúp nước bạn giải phóng đất nước và làm chuyên gia xây dựng đất nước bạn. Năm 1985, ông xuất ngũ về quê hương sau gần 22 năm xa cách gia đình.

- Advertisement -

Nhớ lại quãng thời gian hành quân vào Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, CCB Đặng Văn Sửu (thương binh 2/4) chia sẻ, để quân địch không phát hiện, anh em chiến sĩ hành quân vào ban đêm, ban ngày ẩn trong hầm, vách núi, theo đúng tinh thần “đi không dấu, nấu không khói”, lấy lá rừng làm giường nằm, nước suối để uống. Vì vậy, trên đường đi rất nhiều người bị sốt rét, có đồng chí chưa kịp vào miền Nam đã phải nằm lại giữa núi rừng vì bệnh sốt rét.

Thời điểm đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, thế nhưng ông và đồng đội vẫn lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng, để rồi vào ngày 30-4, ông vinh dự được tham gia đội hình giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của chế độ cũ.

“Trước giờ tiến quân, những người lính luôn sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm và đón nhận cái chết nhưng tất cả đều chung quyết tâm chiến đấu đến cùng, thu non sông về một mối. Tôi còn nhớ như in hình ảnh lính ngụy bỏ lại vũ khí chạy toán loạn, anh em chiến sĩ rất phấn khởi với niềm tin mãnh liệt ngày giải phóng đã đến, đây sẽ là trận đánh cuối cùng…”.

Nghe những CCB kể về chiến dịch mang tên Bác, ông Trần Hữu Phước, Trưởng Ban liên lạc không giấu được cảm xúc, rưng rưng nhớ lại những đồng đội đã hy sinh anh dũng ngay trước giờ đất nước thống nhất.

Ông cho biết, dù may mắn trở về, được học tập và chuyển công tác về ngành kiểm lâm, nhưng chưa giờ phút nào ông quên những đồng đội đã vào sinh ra tử. Khi có thời gian, ông lại đến thăm gia đình các đồng đội của mình, cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm đời lính gian khổ nhưng đầy tự hào.

Chiến tranh kết thúc, những người lính trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trở về quê hương tiếp tục phát huy tinh thần “thép” của người lính Cụ Hồ trong xây dựng kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Hiện, Ban Liên lạc cán bộ, chiến sỹ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh xã Đức Ninh gồm có 15 CCB, hầu hết tuổi đời đều xấp xỉ 70.

Trong đó, có 7/15 người là thương binh và bị chất độc da cam, có 10 người đang được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước. Đây là Ban liên lạc CCB tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh duy nhất trên địa bàn TP. Đồng Hới được thành lập và đang hoạt động hiệu quả.

Ðặc biệt, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, Ban liên lạc lại tổ chức gặp mặt các CCB để ôn lại những kỷ niệm đã qua, chia sẻ những niềm vui mới đến, thể hiện tình đồng đội, đồng chí được vun đắp ấm áp và bền vững. Qua đó, những việc làm tình nghĩa được quan tâm thường xuyên và đồng đội lại tìm đến nhau, giúp nhau trong lúc khó khăn, bệnh tật.

- Advertisement -

Nhiều đồng chí đã dành thời gian, công sức giúp các gia đình tìm lại hài cốt người thân, xác lập hồ sơ để kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận liệt sỹ, thương binh cho đồng đội… Các CCB đã đoàn kết giúp đỡ nhau làm kinh tế gia đình, gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy tốt truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới vẫn chưa tổ chức hay thành lập ban liên lạc cấp thành phố đối với những CCB từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để tạo điều kiện tri ân công lao to lớn của những người có công với nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

CCB Trần Hữu Phước cũng bày tỏ: “Chúng tôi không sợ khó, không sợ khổ, không vì có chút chiến công mà đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Cùng với những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, các địa phương cần quan tâm cuộc sống vật chất và tinh thần đối với CCB, nhất là CCB vì lý do chủ quan hay khách quan, gia đình chưa được hưởng các chế độ theo quy định…

Hầu hết CCB trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh nay tuổi đã cao nhưng họ chính là những tư liệu sống quý giá. Chính vì vậy, ngoài các kênh thông tin sách, báo, truyền hình, chúng tôi mong muốn có cơ hội để giao lưu, gặp gỡ và động viên, giáo dục cho thế hệ trẻ về quá khứ hào hùng, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc để mỗi chúng ta hôm naythêm trân trọng, nâng niu, vun đắp giá trị cuộc sống thời bình…”.

Thùy Lâm

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm