6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Giữ vững "Lá cờ đầu" hợp tác xã Quảng Bình

- Advertisement -

Ngày 11-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, trải qua nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, Quảng Bình đã nỗ lực xây dựng các HTX hoạt động rất hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật, HTX Đại Phong từng làm nên một “Gió Đại Phong”, được đúc rút thành phong trào thi đua rộng khắp trên toàn miền Bắc.
Dấu ấn HTX Quảng Bình
Giai đoạn từ 1945-1954, phong trào kinh tế hợp tác dần được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng với các hình thức hợp tác khá giản đơn, như: tổ đổi công, tổ vay vốn. Sau năm 1954, Quảng Bình và toàn miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội để tạo nên của cải vật chất nhằm chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Tháng 7-1958, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định thí điểm xây dựng HTX nghề cá ở Phú Hội (Lộc Ninh), nơi có phong trào đổi công và tập đoàn sản xuất khá mạnh, với 21 hộ ngư dân, 118 nhân khẩu tiêu biểu làm xã viên HTX.

Tiếp đó, ngày 5-8-1958, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập HTX sản xuất nông nghiệp Tây Xá (xã Lộc Ninh). Cả hai HTX thí điểm về nghề cá và nghề ruộng được xây dựng với cách làm ăn mới, quản lý mới, mở ra một phong trào tập thể hóa nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Chính nhờ có sự chỉ đạo hiệu quả của các cấp, ngành, phong trào HTX đã phát triển mạnh tại 2 đơn vị thí điểm nói trên, từ đó làm cơ sở để nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác. Tính đến cuối năm 1959, toàn tỉnh đã có 91% hộ nông dân tham gia kinh tế tập thể với 780 HTX (trong đó, 47 xã có nông dân đã vào HTX với tỷ lệ từ 71-95%).

Nhìn chung, phong trào HTX thời điểm này phát triển tương đối nhanh, đều, rộng khắp trong toàn tỉnh và thực sự trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, Tỉnh ủy đã chỉ đạo hợp nhất các HTX nhỏ thành lớn và chuyển từ bậc thấp lên cao. Cụ thể, sau khi chỉ đạo xây dựng HTX bậc cao ở Lộc Ninh (HTX Trần Phú) để rút kinh nghiệm, tháng 2-1960, Tỉnh ủy tiến hành thí điểm chuyển HTX Võ Ninh (Quảng Ninh) và HTX Đại Phong (Lệ Thuỷ) từ bậc thấp lên bậc cao rồi tiếp tục cho triển khai dần ở một số xã, huyện.

Giữ vững "Lá cờ đầu" hợp tác xã Quảng BìnhNhiều HTX ở huyện Bố Trạch đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Từ đây, phong trào xây dựng HTX tiên tiến trên địa bàn tỉnh ta ngày càng có sự chuyển biến rất mạnh mẽ, tích cực. Điển hình, tại “Đại hội liên hoan anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 3 (6-5-1962)”, HTX Đại Phong vinh dự được Hội đồng Chính phủ tuyên dương “Lá cờ đầu của phong trào thi đua trong ngành nông nghiệp toàn miền Bắc”, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, chủ nhiệm HTX được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Advertisement -

Cũng tại đại hội nói trên, HTX Quang Phú (Lộc Ninh) được Hội đồng Chính phủ tặng cờ và tuyên dương là đơn vị tiên tiến xuất sắc; đồng chí Lê Trạm, chủ nhiệm HTX được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động hạng Nhất.

Học tập HTX Đại Phong, đã có 3.191 HTX trên toàn miền Bắc thi đua với Đại Phong (tính đến tháng 5-1961). Như vậy, cùng với “Trống Bắc Lý”, “Cờ Ba Nhất”, “Sóng Duyên Hải” thì “Gió Đại Phong” của Quảng Bình đã được đúc rút trở thành phong trào thi đua rộng khắp trên toàn miền Bắc.

“Đuổi kịp và vượt Đại Phong” cũng chính là khẩu hiệu để nông dân trong toàn tỉnh ra sức thi đua xây dựng phong trào HTX. Cuối năm 1962, có 200/780 HTX đạt danh hiệu HTX Đại Phong, tiêu biểu như các HTX: Tiên Lang (Quảng Liên-Quảng Trạch), Đức Phổ (xã Đức Ninh-Quảng Ninh), Tứ Mỹ (xã Trung Trạch-Bố Trạch), Thiết Sơn (xã Thạch Hóa-Tuyên Hóa)…

Lan tỏa truyền thống “Lá cờ đầu”
Trải qua nhiều thời điểm, giai đoạn lịch sử khác nhau, phong trào HTX ở Quảng Bình đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các HTX đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế- ã hội của đất nước, tỉnh nhà…

Ông Nguyễn Cao Thành, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX SXKD DVNN Đại Phong tự hào: “Phát huy truyền thống là đơn vị “Lá cờ đầu”, bước vào thời kỳ đổi mới, HTX chúng tôi vẫn tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả xuất sắc.

Bằng chứng rõ nhất, liên tục 5 năm (2005-2010), HTX đều đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc của tỉnh; năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào thi đua đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX; năm 2012 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cùng với nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác…”.

Ông Võ Văn Khinh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thượng Phong cho biết: “Với xuất phát điểm thuộc loại trung bình của huyện Lệ Thuỷ, kể từ năm 1990 đến nay, HTX chúng tôi đã thực sự trở thành “cứu cánh”, “bà đỡ” cho hàng trăm hộ dân ở địa phương.

Cuối năm 2018, tổng nguồn vốn hoạt động HTX đạt trên 11,2 tỷ đồng, doanh thu 4,1 tỷ đồng, lợi nhuận 223 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 2 triệu đồng/lao động/tháng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%.

- Advertisement -

Nổi bật trong thời gian gần đây, HTX đã tập trung vào 4 mô hình, gồm: xây dựng cánh đồng mẫu với diện tích 50 ha nhằm cung ứng lúa giống; thực hiện chăn nuôi vỗ béo trâu, bò và nuôi cá ao hồ, cá lồng; diệt chuột bằng bả sinh học để hạn chế thiệt hại cho hoa màu, tránh tác động xấu tới môi trường; đẩy mạnh “thắp sáng đường quê” nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Ghi nhận về thành tích của HTX, từ năm 2000 đến 2018, đơn vị đã vinh dự được nhận 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 4 cờ thi đua và 1 bằng khen của Thủ tướng; 3 bằng khen của Bộ NN và PTNT và 7 bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Hiện nay, HTX tự hào được huyện Lệ Thủy lựa chọn để chỉ đạo xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020″.

Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá, tính đến đầu tháng 5-2019, có 100% HTX trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Sau khi chuyển đổi, các HTX đều có hình thức tổ chức, phương thức hoạt động linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng ngành nghề, địa phương.

Nguồn vốn, quỹ của HTX không ngừng được tăng lên, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đội ngũ cán bộ quản lý HTX đa số rất nhiệt tình, tâm huyết; đã phát huy được quyền tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình… Nhìn chung, truyền thống “Lá cờ đầu” trong phong trào xây dựng, phát triển HTX ở tỉnh ta vẫn đang được phát huy và gặt hái thêm nhiều thành quả khả quan.

Hiện nay, toàn tỉnh có 299 HTX. Cụ thể, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản: 192 HTX với trên 66.500 thành viên; lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: 40 HTX với 325 thành viên và 344 lao động; lĩnh vực xây dựng: 14 HTX với 173 thành viên và 103 lao động; lĩnh vực giao thông vận tải: 12 HTX với 452 thành viên và 469 lao động; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, môi trường, nước sạch: 17 HTX với 365 thành viên và 90 lao động; lĩnh vực tín dụng: 24 quỹ tín dụng nhân dân với 52.199 thành viên và 289 lao động…

Văn Minh

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm