5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bố Trạch: Nguy cơ nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang

- Advertisement -

Theo kinh nghiệm sản xuất lúa của bà con nông dân, thu hoạch lúa đông-xuân đến đâu thì tiến hành làm đất, gieo cấy lúa hè-thu đến đó. Tuy nhiên, vụ đông-xuân 2018-2019 đã hoàn thành hơn cả tháng nay nhưng nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch không những chưa có động thái để tiếp tục sản xuất mà còn đứng trước nguy cơ bỏ trắng đất lúa vụ hè-thu.

Nhiều địa phương bỏ ruộng hoang

Tính đến thời điểm này, toàn huyện Bố Trạch chỉ mới gieo cấy khoảng 1.600 ha lúa trong tổng số trên 2.600 ha lúa vụ hè-thu theo kế hoạch và nguy cơ nhiều địa phương bỏ trắng lúa vụ hè-thu.

Xã Đại Trạch là một trong những địa phương có diện tích lúa lớn nhất trên địa bàn huyện Bố Trạch đang gặp khó khăn trong việc triển khai sản xuất lúa hè-thu. Mặc dù nắng hạn, nhưng nguồn nước phục vụ cho sản xuất trên địa bàn xã vẫn được bảo đảm, tuy nhiên, dường như người dân vẫn không mặn mà với việc trồng lúa. Theo kế hoạch, vụ hè-thu này, toàn xã sẽ gieo cấy trên 200 ha lúa, nhưng đến nay, người dân chưa triển khai sản xuất.

Bố Trạch: Nguy cơ nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoangMột số hộ dân trên địa bàn huyện tiến hành nạo vét kênh mương, khắc phục nguồn nước để sản xuất lúa hè-thu.

Ông Trần Xuân Nghi, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết, nguyên nhân là do hiện nay người dân trên địa bàn có thu nhập bình quân khá cao (đạt 43 triệu đồng/người trong năm 2018) nhờ xuất khẩu lao động và các ngành nghề dịch vụ, như: mộc nề, buôn bán, trong khi lúa mang lại hiệu quả kinh tế thấp.

Bởi nếu quá trình sản xuất gặp “mưa thuận, gió hòa”, trừ các khoản chi phí, người dân cũng không thu được bao nhiêu, nhưng chỉ cần vài ngày làm công, thu nhập đã bằng mấy tháng làm lúa…

Đó là chưa kể đến sự rủi ro rất lớn từ chuột, sâu bệnh phá hại và mưa lũ cuối vụ, ảnh hưởng đến tư tưởng của bà con, khiến người dân lo lắng, không yên tâm để sản xuất lúa hè-thu.

- Advertisement -

Ở một số địa phương khác, thì việc không thể triển khai gieo cấy lúa vụ hè-thu chủ yếu do thiếu nước. Hiện nay, mực nước tại 43 hồ chứa trên địa bàn huyện Bố Trạch bằng 1/3 công suất và chỉ bằng 1/2 so với mọi năm. Hiện toàn huyện có 5/25 xã chưa tiến hành gieo cấy và có nguy cơ bỏ ruộng hoang gần hết: Đại Trạch, Cự Nẫm, Hạ Trạch, Trung Trạch, Mỹ Trạch.

Giải pháp thích hợp nào cho đất trống?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến người dân không “thiết tha” sản xuất lúa vụ hè-thu, đó là hiệu quả sản xuất thấp, thậm chí thua lỗ; thứ hai là do năm nay hạn hán nặng, nguồn nước không bảo đảm.

Trước tình trạng đó, để hạn chế diện tích đất ruộng bỏ hoang trong vụ hè-thu, một số xã trên địa bàn cũng đã đưa ra các chính sách hỗ trợ giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng và khuyến khích các tổ chức, đoàn thể đứng ra đảm nhận các diện tích lúa bỏ hoang để đưa vào sản xuất; tổ chức nạo vét kênh mương, bơm nước về đồng ruộng…

Ông Lê Văn Vương, ở thôn 2, xã Lý Trạch đang cố gắng cải tạo, khai thông kênh mương, đưa nguồn nước tưới để kịp thời gieo trồng lúa vụ hè-thu. Ông Vương cho hay, các hộ khác ở xa vùng cấp nước thì khó tiến hành gieo trồng vụ hè-thu, nhất là diện tích ruộng cạn với khoảng trên 40 ha (chiếm trên 50% diện tích toàn xã).

Bố Trạch: Nguy cơ nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoangMô hình trồng hoa trên đất lúa cho thu nhập cao ở xã Lý Trạch.

Riêng gia đình ông khắc phục được nguồn nước tưới nên đã chuẩn bị xong giống BC6, HN6, các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sẵn sàng cho việc gieo cấy với diện tích 5 sào lúa trên đồng cạn kịp thời vụ.

“Dù trồng lúa cho thu nhập không cao, thậm chí, gặp thời tiết không thuận sẽ bị thất bát, nhưng với tập quán canh tác xưa nay, gia đình tôi không thể bỏ cây lúa được. Tôi sẽ cố gắng bám ruộng đồng, khắc phục khó khăn để gieo cấy lúa”, ông Vương chia sẻ.

- Advertisement -

Huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ, vận động người dân chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất lúa một vụ cũng hết sức khó khăn bởi khó tìm được cây trồng nào phù hợp với chất đất, nhưng đây vẫn được xem là giải pháp cứu cánh trong tình hình hiện nay.

Tại xã Lý Trạch, chính quyền xã đã khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi một số diện tích đất ruộng cạn, đất kém hiệu quả sang trồng hoa theo hướng hàng hóa. Các mô hình chuyển đổi từ diện tích lúa hè-thu sang trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng hoa hồng của hộ ông Lê Văn Hải, ở thôn 2; mô hình trồng hoa cúc của hộ ông Nguyễn Hữu Khiều, ở thôn 3.

Tại xã Đại Trạch, một số hộ cũng chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại rau quả, như: mướp đắng, dưa chuột. Ở Mỹ Trạch, bước đầu xã chuyển đổi 10 ha đất lúa ruộng cạn sang trồng ngô vụ thu-đông…

Vấn đề đất lúa bị bỏ hoang đã được nhắc tới trong nhiều năm trở lại đây, nhưng chưa năm nào huyện Bố Trạch phải đối mặt với tình trạng bỏ trắng đất lúa hè-thu tại các địa phương nhiều như hiện nay.

Vì vậy, để nông dân yên tâm bám ruộng, bám đồng và có thu nhập từ cây lúa thì cần phải tạo được chuỗi sản xuất hàng hóa; trong đó, quan trọng vẫn là hỗ trợ bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định. Đây là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong thời gian tới và những năm tiếp theo.

Hương Trà

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm