6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Những dòng hồi ức tươi xanh

- Advertisement -

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta kết thúc, hòa bình được lập lại trên toàn miền Bắc. Nhằm phục vụ đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương cùng cả miền Bắc tiến lên CNXH, ngày 3-4-1959, “Đội tuyên truyền lưu động” thuộc Ty Văn hóa Quảng Bình được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình. Từ ngày ấy đến nay đã tròn 60 năm, lớp nghệ sỹ đầu tiên của đoàn đã bước sang tuổi “cổ lai hy” nhưng trong trái tim nóng hổi tình yêu nghệ thuật của họ vẫn luôn chảy mãi những dòng hồi ức tươi xanh.

Những dòng hồi ức tươi xanhTiết mục múa “Lễ hội đập trống” do các nghệ sỹ Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình biểu diễn tại lễ kỷ niệm 10 năm Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. (Ảnh: Tiến Hành)

Nhạc sỹ Quách Mộng Lân là một trong những hạt nhân đầu tiên của Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ông chưa hề quên bất cứ một sự kiện, một nghệ sỹ nào của đoàn. Gợi nhớ về những tháng ngày đầu tiên với mười mấy con người được tuyển chọn từ nhiều nơi về dưới mái nhà chung, ông kể tên từng người, ai mấy tuổi, ở đâu, diễn viên ca, múa hay kịch nói.

Trong ký ức của ông, đó là thời kỳ gian khổ vô cùng nhưng ai cũng phơi phới thanh xuân. Con số biên chế của đoàn lúc bấy giờ chỉ chưa đến hai chục người. Và tài sản ban đầu được Ty Văn hóa cung cấp chỉ vẻn vẹn có 1 tấm phông màn, 1 chiếc đèn măng sông, 1 cây đàn mandoline và mấy cây sáo trúc.

Nghệ sỹ Nam Kỷ-người con gái xứ Lệ lúc mới được tuyển vào đoàn mới vừa tròn 14 tuổi. Bà vẫn còn nhớ mãi những chuyến lưu diễn về các xã miền núi thuộc huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, những làng chài ven biển Ngư Thủy, Nhân Trạch, Đức Trạch.

Diễn viên chia nhau mang vác đồ đạc, lương thực trên vai và đi bộ. Họ đã vượt qua núi cao, suối sâu, băng qua những trảng cát dài nắng cháy để đến với nhân dân. Ròng rã từ điểm diễn này đến điểm diễn khác, từ ngày này qua ngày khác. Ngày đi, đêm diễn. Nhưng lạ lùng thay, khó khăn thiếu thốn trăm bề vẫn không làm cho tiếng đàn, giọng hát của các nghệ sỹ bớt phần trong trẻo.

Đến năm 1961, phương tiện vận tải của đoàn được “nâng cấp” với hai chiếc xe ba gác. Mọi người bớt phần mang vác nhưng đôi chân vẫn phải đi. Nghệ sỹ Nam Kỷ nói rằng: “Khó khăn, gian khổ lắm nên mọi người thương nhau. Các anh các chị như nhạc sỹ Quách Mộng Lân, nghệ sỹ kịch nói Thanh Gái, nghệ sỹ Minh Thành, nghệ sỹ Minh Thơm… đều phải đi bộ.

Chỉ mình cô nhỏ nhất nên được ưu tiên lên ngồi sau xe ba gác, giữa ngổn ngang đồ đạc, phông màn phục vụ biểu diễn. Mãi sau, đoàn được phân thêm một chiếc xe đạp nam. Nghệ sỹ Châu Đình Khóa-Trưởng đoàn sử dụng chiếc xe đạp này để đi tiền trạm điểm diễn. Sau nữa, đoàn mới có một chiếc xe tải. Diễn ở đâu thì tất cả anh em lẫn đồ đạc lên hết thùng xe. Tuy nhiên, cũng không sử dụng được nhiều do lúc này tình hình chiến tranh đã căng thẳng vô cùng… ”.

- Advertisement -

Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn miền Bắc. Quảng Bình trở thành tọa độ lửa. Đoàn Văn công nhân dân cùng lúc nhận lãnh nhiều nhiệm vụ, vừa biểu diễn phục vụ nhân dân, vừa động viên tinh thần bộ đội ta và đặc biệt là làm nhiệm vụ chính trị tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong những tháng ngày địch đánh phá ác liệt, hoạt động của đoàn cũng thay đổi linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Địch đánh ban ngày, đoàn diễn ban đêm. Địch đánh ban đêm, đoàn diễn ban ngày. Họ có thể diễn bất cứ nơi đâu, trên tuyến đường sau một loạt bom rơi, dưới cánh rừng xác xơ, mù mịt khói lửa, nơi bến phà, trên trận địa và ở các trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ như: Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cha Lo, đường 12A…

Sân khấu của Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình lúc bấy giờ không có đèn màu và dàn nhạc. Người nghệ sỹ chỉ cần có khán giả, dăm ba người thôi là họ hát say sưa dưới những căn hầm chữ A chật chội hay trong những hang đá giữa núi rừng miền tây quê hương. Trong miền ký ức xa thẳm của mình, nghệ sỹ Nam Kỷ vẫn còn nhớ những buổi diễn có bắt đầu mà không biết giờ kết thúc.

Đó là lúc đoàn gặp bãi khách giữa rừng Trường Sơn-nơi dừng chân của bộ đội ta trên đường ra trận. “Có hôm chúng tôi biểu diễn phục vụ bộ đội từ 10 giờ sáng đến tận chiều tối. Chỉ cần bộ đội còn muốn xem văn công là mọi người sẵn sàng phục vụ. Không có hoa, bộ đội tặng chúng tôi lá rừng, những cành lá còn vương mùi khói bom…”.

Mỗi chuyến đi biểu diễn của văn công Quảng Bình lúc bấy giờ là một kỷ niệm ghi lòng tạc dạ. Mãi đến hôm nay, dù thời gian đã làm phôi phai mái tóc xanh của họ nhưng ký ức thì vẫn vẹn nguyên, tươi mới. Ngày 1-5-1966, Đoàn Văn công Quảng Bình bất ngờ được đến Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Đó là phần thưởng lớn lao mà trong đời mỗi người nghệ sỹ đều mơ ước.

Bác vào tận phòng hóa trang hỏi thăm sức khỏe mỗi người. Bác tự nhận mình là Trưởng đoàn danh dự của Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình, rồi Người tự bước ra sân khấu để mở đầu cho chương trình biểu diễn. Ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi!”, tổ khúc dân ca “Lòng son dâng Bác” lần đầu tiên vang lên tại Phủ Chủ tịch trong tình cảm xúc động của Bác Hồ. Nghệ sỹ Nam Kỷ được Người tặng hoa không cầm được nước mắt khi kể về những giờ phút hiếm hoi và vô cùng quý giá ấy. Vui sướng không tả nổi nhưng ai cũng khóc vì xúc động trước tình cảm Bác Hồ dành cho diễn viên của đoàn và cho cả quê hương Quảng Bình.  

Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình vừa biểu diễn phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa tích cực luyện tập nâng cao chất lượng chương trình và xây dựng đoàn ngày càng vững mạnh.

Từ một đoàn nghệ thuật tổng hợp, năm 1972, đoàn được chia thành 3 đoàn riêng biệt phụ trách biểu diễn ba bộ môn nghệ thuật khác nhau. Hoạt động của đoàn thực sự là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với quân và dân Quảng Bình nói riêng và miền Bắc nói chung. Họ chính là nhân tố quan trọng thổi bùng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trên quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.

- Advertisement -

60 năm trôi qua, vào một ngày, các thế hệ nhạc sỹ, diễn viên Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình đã trở về bên nhau để nhớ lại thời thanh xuân sôi nổi, trước sự chứng kiến của một thế hệ mới-thế hệ không chỉ nhiệt huyết mà còn tài năng, không chỉ đam mê mà còn được đào tạo bài bản.

Những cái tên Quách Sỹ Dũng, Thùy Linh, Thanh Nhân, Lê Kiều Anh và đội ngũ diễn viên của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình hôm nay đủ tâm và tài để kế tục truyền thống 60 năm của Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình, nối dài những đóng góp của đoàn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương trong thời kỳ mới.

Trương Thu Hiền

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm