5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đồng Hới ơi, năm tháng…

- Advertisement -

Tôi không thể nhớ rõ, danh xưng Đồng Hới đến với ý thức của tôi vào thời điểm nào. Có lẽ, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Là thời làm ăn hợp tác, xã viên gặt lúa tập thể. Trẻ con chúng tôi đi mót sau chân những thợ gặt. Họ vừa làm vừa nói chuyện. Đồng Hới vào “tuổi hai mươi”, là đô thị “đáng mặt” lúc ấy của cả nước. Những thợ gặt đã có dịp xuôi đò xuống chợ Đồng Hới hay có chồng tại ngũ ở Sư đoàn 325 đã từng về thị xã, kể chuyện hào hứng lắm. Tôi lẫm dẫm lội nước sau lưng họ mà lòng thầm nghĩ: Đến bao giờ được một lần đến… Đồng Hới…

Ước mơ chưa thành, đầu năm 1965, không lực Mỹ từ hạm đội 7, bằng 2 cuộc đột kích với chừng 150 lượt chiếc máy bay bắn phá ném bom đã xóa sạch đô thị Đồng Hới. Hai năm sau nữa, vẫn còn tuổi thiếu niên, tôi đã khăn gói quả mướp đi bộ ra Bắc theo đường giao liên.

Đầu năm 1973, Hiệp định Pari có hiệu lực. Chúng tôi, những thương binh vừa ra khỏi cuộc chiến, rồng rắn đi bộ cắt qua Đồng Hới tìm về các quân y viện. Tôi đã thấy một đô thị đổ nát hoang tàn nhưng cũng là một Đồng Hới đang mạnh mẽ chiến đấu: Hàng nghìn tấn quân cụ, nhu yếu phẩm được tập kết, hàng nghìn người vẫn lao động ngày đêm tiếp sức cho miền Nam.

Rồi nữa, sau hồi kèn chiến thắng thống nhất Bắc Nam, Bình-Trị-Thiên một dải nhập lại… Huế, cổ kính, sang trọng, là thủ phủ lý tưởng. Không ai nhắc đến Đồng Hới nữa. Những “người thành phố” trong 25 năm, từ 1939-1964, sơ tán lên Đồng Sơn yên phận nhà vườn, sống vui thôn dã. “Phố nhỏ đổ nhưng lòng ta ở đó!”. Nhưng cỏ vẫn mọc lên giữa gạch vụn.

Mười ba năm sau, những ngày cuối tháng 6-1989, cùng với những cành phượng vỹ nở đỏ ối trên đồi Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới sôi lên như một tổ kiến khổng lồ với những chuyến xe chở non ba vạn người hồi hương đổ xuống.

Rồi, sáng tinh mơ ngày 1-7, 6 giờ, mặt trời vừa ló dạng bên kia biển Bảo Ninh, không gian vang lên nhạc hiệu theo tiết tấu ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi!” và lời xướng đĩnh đạc: “Đây là Đài phát thanh Quảng Bình, truyền đi từ Đồng Hới!”, chính thức tuyên bố Đồng Hới trở lại là thủ phủ Quảng Bình.

Đồng Hới ơi, năm tháng...Ảnh: Tiến Hành

Tính từ năm 1939, toàn quyền Đông Dương lấy 7 làng ven sông Nhật Lệ lập nên thị xã, Đồng Hới đi trọn quãng đường 50 năm để… làm lại từ đầu. Và rồi “quy hoạch tổng thể xây dựng thị xã Đồng Hới được Bộ Xây dựng thỏa thuận tháng 11-1989”, thị xã lập tức thành một đại công trường. Khát vọng về “một đô thị cấp trung tâm tỉnh” tạo sức mạnh cho mỗi người, mỗi đơn vị vượt qua những khó khăn, thiếu thốn ban đầu. 

- Advertisement -

Sau thời kỳ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Đồng Hới (1999-2020), Đồng Hới được khẳng định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh và là một trong những trung tâm khu vực Bắc Trung bộ.

Ngày 28-10-2003, thị xã Đồng Hới được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại 3, tạo điều kiện cho thị xã phát triển với quy mô lớn trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng với vai trò, vị trí của đô thị trung tâm tỉnh lỵ, một trong những trung tâm vùng, trung tâm trung chuyển dịch vụ quốc tế, khu vực và cả nước.

Chưa đầy một năm sau, ngày 16-8-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định thành lập thành phố Đồng Hới. Vậy là, từ sắc lệnh của toàn quyền Đông Dương năm 1939 gồm 7 làng lập nên đô thị đến nghị định của Chính phủ Việt Nam thành lập thành phố với 16 đơn vị hành chính phường, xã. Với bao thăng trầm, còn mất, đau thương, Đồng Hới đi hết con đường chẵn 65 năm.

Còn nhớ, trong chương trình phát thanh đầu tiên vào sáng ngày 1-7-1989 và số báo Quảng Bình tái lập đầu tiên, trong bài tùy bút “Đồng Hới-dự cảm mười năm sau” cùng với tâm trạng rạo rực ngày trở về, tôi có mơ mộng về một thành phố tương lai bên bờ biển như một Nha Trang 2.

Lúc đó, nhìn Đồng Hới hoang tàn, tôi, chúng ta, chỉ dám lấy một Nha Trang làm mục tiêu để vươn tới. Sau 10, 15 năm, ta có một thành phố với đúng nghĩa đô thành về mặt kiến thiết và phố thị về kinh tế thương mại, dân sinh. 15 năm nữa, chúng ta đã tăng tốc độ đuổi kịp và không cần là bản sao của bất kỳ đâu. Đồng Hới đã đứng vững trên bản đồ các đô thị lớn và ấn tượng của cả nước, là tốp hiếm hoi những địa chỉ du lịch ven biển giàu có và thanh lịch, như: Hòn Gai, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đồng Hới, Nha Trang, Vũng Tàu…

Từ khi có danh xưng Đồng Hới với thiên chức đô thị tỉnh lỵ (1939), thị xã không chỉ một lần hủy mình vì một mục đích cao cả. Tháng 3-1947, Tiểu đoàn Lê Trực dàn quân cự giặc ven biển Hải Thành. Tiểu đoàn trường Lê Thành Đồng vung súng ngắn dẫn đơn vị xung phong và ngã xuống. Tiểu đoàn rút lui, thị xã rơi vào tay giặc.

7 năm sau, đối phương trước giờ rút khỏi Đồng Hới đã hèn hạ phóng hỏa. Đồng Hới ngùn ngụt lửa khói. Nhưng, phố xá đã hân hoan đón đoàn quân về tiếp quản. 10 năm, Đồng Hới bước đầu trở lại nhịp sống thanh bình thì một lần nữa, sông Nhật Lệ nổi sóng, thị xã vươn ngực đỡ đạn, thành… bình địa, để sau đó, suốt một quãng thời gian dài bị lãng quên.

“Ta lại về xây Đồng Hới quê ta/Sẽ trồng lại hoa hồng bên lối nhỏ” là tiên liệu lạc quan của nhà thơ Xuân Hoàng ngay khi còn đứng giữa đống đổ nát. Mùa đông năm 1989, tôi cùng các bạn đồng liêu lần đầu tiên dựng lên căn lều 9m2 giữa thảm cỏ, nơi ngày nay là phường Đồng Mỹ. Sau này, cứ vài năm, tôi lại nâng cấp một lần, để bây giờ, tôi ngồi viết những dòng này trên tầng 2 căn nhà hiện đại có gắn máy lạnh. 30 năm, sau ngày “lại về xây”, Đồng Hới bây giờ không chỉ đẹp mà còn giàu có. 

- Advertisement -

Ngày tách tỉnh, tôi gặp một người mẹ trẻ ôm đứa bé sơ sinh ngồi trên ca bin xe tải cùng với thúng mủng, nồi niêu trở về “mái nhà xưa”. Tôi quen chị từ đó nhưng ít khi có dịp quan tâm. Gần đây, biết chị đã nghỉ hưu, rồi bỗng một ngày, gặp chị bước xuống từ một chiếc xe hơi sang trọng, tay ôm một đứa trẻ sơ sinh. Chị khoe đứa cháu nội chưa tròn tuổi. Bố nó là tổng giám đốc một tổng công ty đang có chuyến công du gặp đối tác nước ngoài.

Thật khó mà chắp nối được hai hình ảnh của vị tổng giám đốc tuổi tam thập xuất hiện trên facebook trong “nhà của chị” với hình ảnh tôi lưu giữ được trong ký ức về thằng bé sơ sinh nằm gọn trong lòng chị cách nay 30 năm cùng với nồi niêu, soong chảo hồi hương.

“Thơ phố nhỏ cũng chính lòng ta đó/Đồng Hới ơi, năm tháng đậm thêm màu”. Cảm ơn nhà thơ Xuân Hoàng đã nói hộ tấm lòng bao người. Nhà thơ đã đi xa nhưng ước mơ và tiên liệu của ông đã thành hiện thực:

             Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình

             Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp

             Thành phố ta xây bên bờ biển biếc

             Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh.

Tùy bút của Nguyễn Thế Tường

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm