7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nhớ Anh hùng LLVTND Lê Cồng

- Advertisement -

Trong những ngày cả tỉnh cùng hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi, người dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) lại bùi ngùi nhớ về sự hy sinh anh dũng của Anh hùng LLVTND Lê Cồng, người con ưu tú của một miền quê cách mạng từng nổi tiếng bởi “Tiếng trống Ninh Châu”, nơi khởi nguồn của phong trào Quảng Bình quật khởi.

Anh hùng LLVTND Lê Cồng sinh năm 1921, tại xã Ninh Châu. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, trước cảnh quê hương, đất nước của mình bị kẻ thù giày xéo, năm 1944, ông vào du kích xã chiến đấu rồi giữ chức Xã đội trưởng sau đó 3 năm. Trong công tác, ông luôn tích cực xông xáo, không sợ hy sinh gian khổ, cùng nhân dân và lực lượng dân quân du kích xã nhà chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, được nhân dân yêu mến.

Trong những năm 1947-1949, thực dân Pháp tăng cường các hoạt động bắt bớ, càn quét tại Quảng Ninh, nhằm đàn áp phong trào cách mạng trên địa bàn huyện. Xã đội trưởng Lê Cồng đã có những sáng kiến trong chỉ đạo xây dựng, tổ chức lực lượng chuẩn bị tốt cho phát động tuần lễ “tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công” và là người chỉ huy tài ba trong các trận chống càn lớn của địch vào thôn Hiển Vinh thời bấy giờ, là điển hình của phong trào “Rào làng chiến đấu”, góp phần đánh bật nhiều đợt tấn công của địch.

Nhớ Anh hùng LLVTND Lê CồngĐại diện lãnh đạo huyện Quảng Ninh trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho thân nhân liệt sỹ Lê Cồng.

Năm 1950, xét thấy Lê Cồng là người có kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, có khả năng tổ chức chiến đấu nên huyện đã điều động ông vào Huyện đội với chức vụ cán bộ phụ trách hướng dẫn phong trào dân quân du kích toàn huyện.

Sau trận lụt năm 1950, phong trào chiến đấu ở xã Ninh Châu giảm sút, nhân dân đói kém phải chạy ăn, dẫn đến lực lượng mỏng dần, hầm hố bị sập, bọn tay sai được thế chỉ điểm, địch nhân cơ hội càn quét Ninh Châu nhiều hơn. Vừa mới đảm nhận nhiệm vụ chưa được 1 năm, để gây dựng lại phong trào, Huyện ủy lại điều ông về làm Xã đội trưởng xã Ninh Châu.

Trong thời gian này, ông tiếp tục lập được nhiều chiến công đáng ghi nhận. Tiêu biểu là hành động giải vây cho các chiến sỹ cách mạng và người dân bị giặc Pháp bắt ở làng Trần Xá đưa ra chuẩn bị hành hình.

Lợi dụng địch sơ hở, ông đã cùng một số du kích xông lên vừa bắn, vừa tung lựu đạn làm cho bọn địch bị chết, bị thương và chạy toán loạn, các đồng đội ông và người dân vô tội được giải thoát. Khiếp sợ trước sức mạnh của đội du kích và người chỉ huy, thực dân Pháp tìm mọi cách đối phó, chúng treo giá 1.000 đồng tiền Đông Dương nếu ai bắt được Lê Cồng.

- Advertisement -

Tháng 5-1951, khi được tin giặc Pháp tập trung quân chủ lực thủy, bộ bao vây càn quét xã Ninh Châu, ông cùng Đảng ủy, Xã đội họp và bàn cách chống lại địch. Trong cuộc họp đó, ông đã xác định quyết tâm cao cho trận chiến đấu chống càn quan trọng này dù có phải hy sinh.

Với tinh thần đó, khi địch tiến công vào địa bàn xã, đồng chí Lê Cồng đã chỉ huy đội du kích Ninh Châu chiến đấu ngoan cường, làm cho địch đi đến đâu cũng vấp phải mìn, hầm chông, lựu đạn, nhiều tên chết và bị thương.

Tuy vậy, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, địch vừa đông vừa có hỏa lực mạnh hơn ta gấp nhiều lần nên sau 1 ngày cầm cự, chúng chiếm được trận địa của ta. Trong tình thế cấp bách, Thường vụ Đảng ủy và Ban chỉ huy Xã đội đã bàn bạc và nhất trí tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng. Ông và một số đồng chí cán bộ tạm rút về hầm bí mật tại nhà ông nhưng bọn phản cách mạng đã hèn hạ chỉ điểm khiến ông cùng đồng đội bị bại lộ; cha mẹ, bà con xóm làng của ông bị chúng đánh đập, tra khảo dã man.

Nhận định rõ tình hình, khi địch chưa kịp phát hiện chỗ ẩn nấp của mình thì ông đã dũng cảm lao lên tung lựu đạn, bắn súng chiến đấu với địch. Nhưng do một mình chống chọi với địch quá đông, ông đã bị kiệt sức và bị chúng bắt. Khi bị địch tra khảo, ông vẫn bình tĩnh dùng tiếng Pháp vạch trần dã tâm cướp nước của thực dân Pháp và của bọn chỉ điểm bán nước.

Ông yêu cầu bọn chúng phải thả những người dân vô tội, đồng đội của ông, nhận về mình sự hy sinh bằng việc thừa nhận với địch: “Tao mới chính là người ra lệnh, là người chỉ huy đánh lại bọn bây chứ họ không có tội tình gì, họ là những người dân lương thiện”.

Giặc trói ông vào cây cột giữa vườn vừa đánh vừa dụ dỗ nhưng không thể nào khuất phục được ông-người chiến sỹ cách mạng gan dạ, bất khuất. Không khai thác được gì, chúng đưa ông về đồn Quán Hàu tiếp tục mua chuộc, dụ dỗ nhưng ông vẫn giữ vững được khí phách và lòng trung kiên.

Sau đó, chúng dùng xe chở ông về Đồng Hới để xử bắn. Khi xe đến cầu Dài, ông gỡ được nút thắt dây trói và nhảy lên hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm” rồi dũng cảm lao mình xuống dòng sông Nhật Lệ. Giặc Pháp đã hèn hạ nổ súng bắn theo, ông bị trúng đạn và hy sinh tại cầu Dài lúc tuổi đời còn trẻ.

Ghi nhận sự đóng góp lớn lao và hành động dũng cảm của đồng chí Lê Cồng, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Lê Cồng.

- Advertisement -

Trung Hiếu

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm