Ngày xưa, ở làng Thủy Lan (còn gọi là Thủy Liên) tức vùng Sen Thủy , huyện Lệ Thủy ngay nay có một người tên là Mai Văn An đi lính quân Vũ lâm đánh Chiêm Thành bị tử trận. Người nhà Văn An lập bàn thờ tại gia để hương khói cho người đã khuất. Tuy chỉ thờ tại gia nhưng lại rất anh linh. Một lần, quan huyện cho người đến địa phương bản tổng đến nhà xã trưởng để lấy người đi làm việc công. Xã trưởng thết đải vị quan cơm rượu đàng hoàng. Khề khà ăn uống xong, xã trưởng xin xem giấy để thừa hành. Vị thư lại tìm trong tay nãi thì không thấy lệnh điều người của quan huyện ở đâu cả, tìm mãi vẫn không thấy. Vị thư lại bèn bày một chén rượu khấn anh linh của Văn An thì lại thấy tờ lệnh ở trong bọc giấy.
Thủy Lan cảng – Bàu Sen, xã Sen Thủy ngày nay.
Một lần khác, có một toán thương nhân đem hai chục con trâu đến vùng Lệ Thủy bán. Khi lùa trâu qua thôn Lan Đội của xã Thủy Lan tạm nghỉ ngồi ăn cơm trưa, ăn xong định dồn trâu lên đường thì đàn trâu đã mất hai con. Họ chia nhau đi tìm khắp ngã nhưng đến gần tối vẫn không thấy đâu cả. Họ bèn lấy một cốc rượu làm lễ khấn Văn An xin cho lại hai con trâu. Sau lễ khấn, một lúc sau thấy hai con trầu từ trong rừng lững thững đi ra nhập bầy cả bọn bèn cúi đầu vái tạ
Thấy anh linh của Mai Văn An rất linh thiêng dân làng Thủy Lan bèn xin gia đình xây đền thờ coi ông như một vị thần gọi là Đền thờ thần Thủy Lan. Nhiều người dân địa phương được thần Thủy Lan giúp đở. Từ đó tiếng tăm của vị thần Thủy Lan truyền khắp bồn phương. Đời nhà Mạc, Dương Văn An đã viết: “ Đền thiêng Lan Cảng (Thủy Lan) mắt còn nghi sự tích Mai Công”
Đức Danh sưu tầm (Có tham khảo sách Đại Nam nhất thống chí)
Nguồn: Đề tài Nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, huyền thoại gắn với di tích lịch sử – văn hóa ở Quảng Bình