2.4 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Gạch không nung-chất lượng, hiệu quả-Bài 2: "Minh oan" cho chất lượng gạch không nung

- Advertisement -

Không chỉ có 2 công trình Nhà thi đấu đa chức năng, Trường THCS TT. Quán Hàu và điểm trường mầm non Hạ Vàng, Trường mầm non Sơn Trạch sử dụng gạch không nung (GKN) bị nứt nẻ, đứt gãy mà thời gian qua tại rất nhiều địa phương khác, như: T.P Đồng Hới, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Minh Hóa, Bố Trạch…, hiện tượng các công trình xây dựng bằng vốn nhà nước bị hư hỏng, nứt nẻ nghi ngờ do sử dụng GKN. Tuy nhiên, như chúng tôi đề cập, ngay trong năm 2018, Sở Xây dựng đã từng tiến hành kiểm tra 9 công trình sử dụng GKN và kết luận “chưa có cơ sở kết luận việc sử dụng GKN gây nứt gãy như phản ánh”. Vậy đâu là câu trả lời cho chất lượng GKN?

Thước đo nào cho chất lượng GKN?

Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Thái, Phó Giám đốc sở Xây dựng cho biết: “Nguyên lý sản xuất GKN là tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất đá, tro xỉ, phế thải xây dựng… Tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng hỗn hợp mạt đá, cát, xi măng được nén bằng cường độ từ 100 đến 400 tấn để tạo ra gạch.

Thực chất GKN chính là hỗn hợp bê tông mác thấp (mác 50 đến 75-PV), trong điều kiện dưỡng hộ 28 ngày là bảo đảm xuất ra thị trường. Thực tế ngoài 14 cơ sở sản xuất theo dây chuyền công nghiệp đủ tiêu chuẩn đã được kiểm tra thì Quảng Bình vẫn chưa thống kê đầy đủ có bao nhiêu cơ sở sản xuất GKN thủ công.

Khi vật liệu xây dựng vào thời điểm “cháy hàng”, trên thị trường lẫn lộn nhiều loại GKN với độ tuổi khác nhau, 7 ngày, 14 ngày, thời gian dưỡng hộ chưa bảo đảm theo quy định. Chính lượng GKN trôi nổi, không rõ nguồn gốc khi đưa vào xây dựng rất “khát nước”, hút nước nhiều, tạo ra độ co giản đột ngột lớn, từ đó xuất hiện vết nứt”.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Quyền Trưởng BQL dự án đầu tư và xây dựng TP. Đồng Hới có cùng quan điểm với Phó Giám đốc sở Xây dựng Hoàng Minh Thái: “Thành phố là địa phương bắt buộc 100% công trình sử dụng vốn nhà nước phải dùng GKN. Cử tri các phường Đồng Phú, Bắc Nghĩa, Bắc Lý, Nam Lý… thắc mắc về chất lượng GKN khi nhiều công trình trên địa bàn xuất hiện triệu chứng nứt nẻ, đứt gãy. Kiểm soát chất lượng GKN sẽ rất khó nếu đã xuất ra thị trường và đưa vào sử dụng.

Gạch không nung-chất lượng, hiệu quả-Bài 2: "Minh oan" cho chất lượng gạch không nungNhững tòa nhà cao tầng ở TP. Đồng Hới đều sử dụng gạch không nung.

Nên chăng, cần phải siết chặt từ khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm (KCS) ở các nhà máy, thường xuyên kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại TCVN 6477:2016. Sản phẩm trước khi cung cấp cho khách hàng phải đủ thời gian bảo dưỡng, bảo hộ. Các lô hàng phải đầy đủ thông tin về sản phẩm như ngày sản xuất, chủng loại, khối lượng, cường độ nén, độ hút nước và phải kèm theo hướng dẫn sử dụng cụ thể đối với từng loại sản phẩm GKN do đơn vị mình sản xuất”.

- Advertisement -

Siết chặt quản lý chất lượng, phát huy hiệu quả GKN

Để hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất GKN, phóng viên Báo Quảng Bình đã “mục kích” hệ thống dây chuyền sản xuất GKN của Công ty cổ phần khoáng sản Thuận Sơn (gọi tắt là Công ty Thuận Sơn) tại Cụm công nghiệp Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới.

>> Bài 1: Bước “quá độ” đầy cam go

Bắt đầu từ tháng 10-2017, Công ty Thuận Sơn đưa dây chuyền sản xuất GKN công suất 12 triệu viên/năm vào sản xuất. Công nghệ xuất xứ từ Nhật Bản, hoàn toàn tự động hóa, khép kín từ đầu vào của nguyên liệu đến đầu ra thành phẩm. Hiện tại sản phẩm của công ty gồm 3 chủng loại: gạch đặc, gạch 2 lỗ và gạch 6 lỗ, bình quân mỗi tháng sản xuất khoảng 1,5 triệu viên.

Ông Trần Xuân Giao, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Thuận Sơn mô tả quy trình sản xuất GKN: “Vật liệu khi đưa vào trộn, hệ thống tự động định hình, định lượng chuẩn xác tỷ lệ các thành phần (cát, đá, xi măng, nước-PV). Sau khi trộn xong, băng chuyền chuyển đến bộ phận dập nén, rung. Áp lực cho mỗi lần nén là 3.000kg/cm2.

Tùy theo loại gạch mà thời gian dập nén nhanh hay chậm, gạch đặc 65 viên/lần trong 23 giây, gạch 2 lỗ 65 viên/lần trong 23 giây và gạch 6 lỗ 36 viên/lần trong 25 giây. Qua công đoạn dập, gạch chuyển ra sân bảo dưỡng rộng khoảng 5.000m2, trạng bị hệ thống phun sương tự động, khoảng 3 giờ sau bắt đầu tiến hành phun sương dưỡng hộ liên tục suốt 100 giờ. Cuối cùng, GKN chuyển vào vị trí lưu kho, tiếp tục dưỡng hộ thêm đến đủ tuổi tối thiểu 28 ngày mới được phép xuất ra thị trường”.

“Trong điều kiện cạnh tranh khá khốc liệt giữa vật liệu GKN và vật liệu gạch truyền thống trên thị trường xây dựng như hiện nay, chẳng có doanh nghiệp nào dám sản xuất GKN kém chất lượng đâu, vì là sự sống còn của doanh nghiệp”, ông Trần Xuân Giao nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giao, có 3 công đoạn quan trọng nhất trong quy trình sản xuất GKN, nếu tuân thủ chặt chẽ 3 công đoạn này thì GKN luôn đạt chất lượng, đó là: quy trình trộn bảo đảm đúng tỷ lệ cát, đá, xi măng, nước; quy trình dập nén kết hợp rung nhằm tăng độ bền cơ học và quá trình dưỡng hộ phải liên tục, ít nhất 100 giờ khi gạch đã thành phẩm, như vậy tạo được sự đông cứng, bền vững, tránh hiện tượng nứt cục bộ.

- Advertisement -

“Một số công trình sử dụng GKN thời gian qua xảy ra hiện tượng nứt nẻ, đứt gãy theo tôi là cần phải xem xét lại nơi cung cấp vật liệu GKN. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, đơn vị thi công có bảo đảm tốt chế độ bảo dưỡng hay không?”, ông Giao đặt câu hỏi.

Mặc dù trên thực tế nhiều công trình sử dụng vốn nhà nước dùng GKN có triệu chứng nứt nẻ, đứt gãy làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng thi công, chất lượng sử dụng, nhưng hàng chục công trình khác sử dụng GKN vẫn bảo đảm tốt chất lượng, thẩm mỹ.

Nguyên nhân cho sự bền vững này là đơn vị thi công sử dụng GKN bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, đủ thời gian bảo hộ, bảo dưỡng, đủ độ tuổi tối thiểu 28 ngày trở đi. Quá trình thi công trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài đòi hỏi đơn vị thi công phải làm tốt chế độ bảo hộ, bảo dưỡng.

Ông Hoàng Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm: “Để kiểm soát tốt chất lượng GKN, cần phải tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa nhà sản xuất, bộ phận chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn giám sát và đơn vị thi công. Khâu KCS trước khi xuất sản phẩm ra thị trường là quan trọng nhất. Nhà sản xuất phải thông tin đầy đủ về sản phẩm, như: ngày sản xuất, chủng loại, khối lượng, cường độ nén, độ hút nước…

Chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn giám sát chủ động, đột xuất kiểm tra thử nghiệm mẫu vật liệu trong quá trình giám sát thi công công trình, giám sát thi công xây, trát và bảo dưỡng GKN theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đơn vị thi công thi công đúng theo thiết kế phê duyệt, sử dụng vật liệu GKN rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng. Cần tuân thủ theo các quy định, quy phạm về cấp phối vữa, bê tông, chế độ bảo hộ, bảo dưỡng…”

Hiệu quả sử dụng GKN cho các công trình xây dựng trên địa bàn vô cùng to lớn, thân thiện với môi trường, không sử dụng đất sét, giảm thiểu việc khai thác đất nông nghiệp góp phần ổn định an ninh lương thực…

Tuy nhiên, để GKN phát triển ổn định theo lộ trình, dần dần được thị trường chấp nhận thay thế các loại vật liệu khác thì kiểm soát chất lượng vẫn là một việc nên làm. Đã đến lúc người dân cần sự minh bạch về chất lượng của GKN.

Ngô Thanh Long

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm