6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tìm lời giải cho bài toán tàu giã cào-Bài 1: Gian nan "cuộc chiến" bảo vệ hệ sinh thái gần bờ

- Advertisement -

Theo quy định của pháp luật, tàu giã cào (nghề lưới kéo) không được hoạt động ở gần bờ. Thế nhưng, do lợi nhuận cao nên nhiều chủ tàu đã bất chấp quy định. Chính những hành vi đánh bắt hải sản theo kiểu “tận diệt” này đã gây tổn hại nghiêm trọng tới hệ sinh thái vùng biển Quảng Bình. Tuy nhiên, nhiệm vụ loại bỏ tàu giã cào ở tỉnh ta vẫn đang gặp phải những khó khăn, trở ngại đáng kể…

Nhiều chủ tàu giã cào “gây áp lực” để bám nghề

Chỉ thị 45/CT-TTg, ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT, ngày 15-11-2018 của Bộ Nông nghiệp-PTNT, Chỉ thị số 3727/CT-BNN-TCTS, ngày 5-5-2017 của Bộ Nông nghiệp-PTNT đã quy định rõ, cấm đóng mới, cải hoán hoặc chuyển từ các nghề khác sang làm nghề lưới kéo, cấm lắp máy bộ xuống tàu cá.

Tìm lời giải cho bài toán tàu giã cào-Bài 1: Gian nan "cuộc chiến" bảo vệ hệ sinh thái gần bờCác dụng cụ xung điện “tận diệt” hải sản bị cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu.

Căn cứ vào các chỉ thị, thông tư nói trên, thời gian gần đây, các đơn vị chức năng đã tăng cường các biện pháp để quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc làm này đã gặp phải một số khó khăn do nhiều chủ tàu giã cào đã có những hành vi “gây áp lực” để bám nghề…

Đơn cử, vào lúc 10h ngày 29-5-2019, tại cầu kiểm soát Đồn Biên phòng Nhật Lệ, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng Biên phòng tỉnh đã phát hiện 2 tàu cá (tàu QB 1848 TS, với 4 thuyền viên, công suất 80CV, do ông Nguyễn Văn Hải, thôn Tây Phú, xã Quang Phú, TP. Đồng Hới làm thuyền trưởng; tàu QB 11989 TS, gồm 3 thuyền viên, công suất 52 CV, do ông Phạm Ngọc Hồng, trú tại tổ dân phố 1, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới làm thuyền trưởng) hành nghề giã cào thiếu các giấy tờ theo quy định của pháp luật như: Bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác thuỷ sản, giấy chứng nhận an toàn tàu cá bị hết hạn. Trước thực tế đó, lực lượng kiểm soát đã tuyên truyền, giải thích cho ngư dân, sau đó hai tàu đã tự giác quay vào bờ.

Tuy nhiên, đến 14h cùng ngày, Nguyễn Văn Hải và một số chủ tàu khác cùng người thân (khoảng 40 người) đã nhóm họp tại nhà ông Trần Viết Dũng ở xã Quang Phú chuẩn bị cờ, đập thùng xốp để viết khẩu hiệu với mục đích tụ tập đông người để kéo vào Đồn Biên phòng Nhật Lệ gây áp lực, yêu cầu giải quyết được xuất lạch ra khơi khai thác hải sản khi chưa đảm bảo quy định của pháp luật về khai thác thuỷ sản.

Nhờ nắm chắc sự việc, lãnh đạo Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã kịp thời tổ chức đối thoại trực tiếp để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của ngư dân ngay tại trụ sở UBND xã Quang Phú nhằm ổn định tình hình.

- Advertisement -

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Quảng Bình cho biết thêm, vào chiều 14-6-2019, có khoảng 120 ngư dân của các tàu làm nghề lưới kéo xã Quang Phú đã tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh để đề đạt nguyện vọng được tiếp tục ra khơi đánh bắt khi chưa đảm bảo các quy định của pháp luật về khai thác thuỷ sản.

Sau đó, Chi cục Thuỷ sản đã phối hợp với UBND thành phố Đồng Hới mời các ngư dân đến tổ chức buổi đối thoại trực tiếp để ổn định tình hình, đồng thời tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân nắm bắt rõ hơn về những quy định của pháp luật liên quan tới hoạt động khai thác thuỷ sản…

Tại thời điểm này, xã Quang Phú có tới 30 tàu giã cào không bảo đảm quy định về đăng kiểm, đăng ký để được cấp phép hoạt động (gồm: 6 tàu tự ý đóng mới nghề lưới kéo; 3 tàu tự ý chuyển đổi sang nghề lưới kéo; 1 tàu mua để làm nghề lưới kéo nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ; 20 tàu tự ý cải hoán, lắp máy bộ…).

Phát hiện, xử lý nhiều tàu giã cào hoạt động trái phép

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên vùng biển ven bờ Quảng Bình, ngoài việc xuất hiện các tàu giã cào ngoại tỉnh đến khai thác thủy sản trái phép thì hiện tượng một số tàu giã cào của ngư dân các xã Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), xã Hải Ninh (Quảng Ninh), xã Đức Trạch (Bố Trạch), xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) vẫn còn sử dụng xung điện, lưới kéo (giã cào) để khai thác tận diệt thủy sản.

Thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết: Năm 2018, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng BĐBP tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý 45 vụ/80 đối tượng vi phạm Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, ngày 12-9-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản và Nghị định số 162/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Việt Nam…

Tìm lời giải cho bài toán tàu giã cào-Bài 1: Gian nan "cuộc chiến" bảo vệ hệ sinh thái gần bờNhững tàu giã cào của ngư dân xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới.

Những hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là ngư dân sử dụng xung điện để đánh bắt hải sản, dùng lưới kéo đánh bắt sai tuyến. Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với các hành vi nói trên gần 270 triệu đồng (tăng 17 vụ và 37 đối tượng so với năm 2017).

- Advertisement -

Đặc biệt, trong năm 2018 lực lượng BĐBP tỉnh còn phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành khởi tố hình sự 1 vụ/1 đối tượng vận chuyển 4,5 kg thuốc nổ để đánh bắt hải sản trái phép…

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng BĐBP tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý 22 vụ/23 tàu vi phạm Luật Thuỷ sản với các hành vi liên quan đến sử dụng xung điện để đánh bắt hải sản, dùng lưới giã cào đánh bắt sai tuyến, vi phạm về giấy phép hành nghề, đăng ký phương tiện và đảm bảo an toàn cho phương tiện và lao động.

Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với các hành vi nói trên là hơn 27 triệu đồng. Mới đây, Đồn Biên phòng Nhật Lệ phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Gianh phát hiện 1 vụ/2 tàu của tỉnh Quảng Ngãi đã có hành vi dùng lưới kéo đánh bắt sai tuyến. BĐBP và các đơn vị chức năng đã quyết định xử phạt 2 tàu cá vi phạm với số tiền 100 triệu đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Lê Ngọc Linh cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ được giao, từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục đã phát hiện và xử lý được 30 trường hợp vi phạm về khai thác hải sản trái phép trên vùng biển tỉnh ta.

Những lỗi vi phạm chủ yếu được phát hiện là khai thác thuỷ sản sai vùng hoạt động. Tổng số tiền xử phạt đối với những hành vi nói trên khoảng 260 triệu đồng (trong đó bao gồm đã xử lý 8 tàu làm nghề lưới kéo ngoại tỉnh khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ của tỉnh)…

Văn Minh

Bài 2: Kiên quyết xử lý tàu giã cào khai thác sai tuyến

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm