1.8 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Nhớ mãi một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Advertisement -

“Trong cuộc đời tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất là lần vinh dự được gặp và nghe lời dạy bảo ân cần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào mùa thu năm 1992. Khi ấy, tôi mới ngoài 40 tuổi, đang làm Bí thư Huyện ủy Minh Hóa.”

Thời gian đó, huyện miền núi Minh Hóa cũng vừa chia tách từ huyện Tuyên Hóa, còn ngổn ngang bao gian khó. Nhận được tin báo của đồng chí Lê Thanh Tân, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy là sẽ có buổi gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tâm trạng của tôi thật khó tả, vừa mừng vui, vừa lo lắng.

Trong chuyến về thăm quê hương Quảng Bình lần này, Đại tướng muốn biết tình hình đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới, rẻo cao, nên tôi phải chuẩn bị các tài liệu liên quan đến tình hình huyện Minh Hóa sau chia tách, nội dung gói gọn trong khoảng 15 phút.

Hồi đó, chặng đường từ thị trấn Quy Đạt đến thị xã Đồng Hới rất khó đi, chúng tôi xuất phát từ sáng sớm nhưng mãi quá trưa mới đến nhà khách Tỉnh ủy. Nghỉ trưa xong, 4 giờ chiều cùng ngày, tôi được gặp Đại tướng.

Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp. Buổi gặp diễn ra thật thân mật, ấm cúng. Trước sự ân cần cùng tình cảm quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số của Đại tướng, mọi sự lo lắng, hồi hộp phút ban đầu của mọi người tan biến, thay vào đó là giây phút hạnh phúc vì được vinh dự lần đầu tiên được nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời gian này, Đại tướng mới ngoài tuổi 80 rất khỏe mạnh, mình mẫn. Sự ân cần của vị tướng huyền thoại đã làm cho không khí cuộc gặp thêm ấm cúng. 

Nhớ mãi một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên GiápĐại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm cùng ông Cao Văn Đàn (năm 1992).

Câu đầu tiên Đại tướng hỏi là: “Sau chia tách huyện, đời sống đồng bào các dân tộc huyện Minh Hóa có ổn định không?” Tôi mạnh dạn báo cáo với Đại tướng tình hình Đảng bộ, nhân dân huyện Minh Hóa sau ngày chia tách huyện Tuyên Hóa.

Đại tướng lắng nghe. Xen vào giữa báo cáo của tôi, Đại tướng đặt tiếp những câu hỏi: “Có còn đồng bào diện thiếu đói không? Tình hình bệnh viện, đội ngũ thầy thuốc chữa bệnh cho đồng bào như thế nào? Việc học của con em đồng bào các dân tộc như thế nào? Chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ huyện ra sao?”

- Advertisement -

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Minh Hóa, tôi đã báo cáo tóm tắt tình hình đời sống đồng bào các dân tộc trong toàn huyện, những nét cơ bản của đội ngũ cán bộ huyện.

Thời kỳ đó, hơn 1.600 cán bộ, đảng viên 14 xã của Đảng bộ huyện Minh Hóa được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao sức chiến đấu, cùng đồng bào các dân tộc vượt qua khó khăn, thiếu thốn, từng bước xây dựng cuộc sống mới nhiều tiến bộ.

Trong báo cáo ngắn gọn của mình, tôi đã báo cáo thực trạng những khó khăn của đồng bào vùng biên giới như: cả huyện mới chỉ có 5 bác sỹ, 1 trường cấp 3, số trường cấp 2 mới đến cụm xã; cơ sở trường học, đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng, tỉnh phải mở các lớp đào tạo giáo viên cấp tốc để bù lấp chỗ trống; đời sống một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới còn lạc hậu, quen nếp sống tự cung tự cấp, du canh du cư, phụ thuộc nhiều vào nương rẫy, khai thác lâm-thổ sản… 

Đã gần 30 năm trôi qua, nhưng những lời căn dặn ân cần, mang tính định hướng của Đại tướng vẫn còn in đậm trong tâm khảm của tôi. Đó mãi là những bài học lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện miền núi Minh Hóa phấn đấu trong xây dựng kiến thiết lâu dài.

Đại tướng căn dặn: Minh Hóa là huyện miền núi mới chia tách, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền với nhân dân rất lớn, cần tập hợp nhân dân, chăm lo đời sống cho dân. Huyện ủy, UBND huyện phải có kế hoạch lâu dài để đồng bào dân tộc thâm canh cây lúa, mở rộng đa dạng diện tích rau màu các loại.

Trước mắt, huyện Minh Hóa chưa thể ngay lập tức chấm dứt nạn du canh, du cư, phá rừng, làm rẫy, bởi một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số phải bám rừng để mưu sinh. Vấn đề là huyện phải có kế hoạch để từng bước hỗ trợ đồng bào sản xuất, không phá rừng làm rẫy.

Bên cạnh tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương từ những chương trình, dự án dành cho huyện miền núi, sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo huyện Minh Hóa phải bắt tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể cho đồng bào các dân tộc thiểu số bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên, có kế hoạch trồng rừng bản địa lâu dài…

Đại tướng nhấn mạnh, phải chăm lo đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc vùng biên giới. Cần khôi phục những nét đẹp của lễ hội truyền thống huyện Minh Hóa; giữ gìn những mỹ tục, không được làm mai một truyền thống văn hóa lâu đời của địa phương.

- Advertisement -

Về vấn đề công tác xây dựng Đảng, huyện cần quan tâm hơn nữa việc bồi dưỡng cán bộ hiện có, đào tạo đội ngũ cán bộ cho sau này; phải chú trọng nguồn cán bộ tại chỗ. Muốn vậy phải chống tư tưởng cục bộ, bè phái, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết trong Đảng, giữ gìn tình keo sơn gắn bó giữa các tổ chức đảng với nhân dân.

Kết thúc cuộc gặp mặt, Đại tướng ân cần gọi tôi ra ngoài sảnh nhà nghỉ Tỉnh ủy để chụp ảnh kỷ niệm. Bức ảnh được chụp chung cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành kỷ vật thiêng liêng, để mỗi khi nhìn vào bức ảnh, tôi nhủ mình phải phấn đấu, rèn luyện nhiều hơn nữa, quyết tâm thực hiện lời dạy của Đại tướng.

Giờ đây, gần 30 năm đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đảng bộ và đồng bào các dân tộc huyện miền núi Minh Hóa tôi vẫn còn nhớ rõ.

Phan Hòa

—————————————————————————

(Ghi theo lời kể của ông Cao Văn Đàn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình)

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,416Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm