9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Di sản văn hóa làng, xã Quảng Bình

- Advertisement -

Làng, xã Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng, trong quá khứ và hiện tại là một cộng đồng về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa và là những “tế bào” trong cơ cấu xã hội Việt Nam, nơi lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.

Di sản văn hóa làng là kết tinh mồ hôi, xương máu, trí tuệ, tình cảm, bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo, thông minh của các thế hệ dân làng đã làm nên trong diễn trình lịch sử lao động, sản xuất, chiến đấu để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Làng xã Quảng Bình là mảnh đất thu nhỏ của lối liên kết di sản văn hóa, hàm chứa các giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Làng xã nào cũng có một ngôi đình, đó là biểu tượng tập trung nhất của làng trên mọi phương diện. Trước hết, trong lịch sử, đình là một trung tâm hành chính, nơi diễn ra mọi công việc của làng, nơi hội họp, thu sưu thuế, nơi xử tội phạm… Thứ đến, đình là một trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các lễ hội, ăn uống, do vậy, dân làng gọi là “đình đám”.

Đình còn là một trung tâm về mặt tôn giáo: thế đất, hướng đình được xem là quyết định vận mệnh của làng. Đình cũng là nơi thờ thành hoàng bản thổ bảo trợ cho dân làng. Những vị thành hoàng này thường được Nhà nước sắc phong là thần, ví như làng Vĩnh Lộc (TX. Ba Đồn) có thần Trần Bang Cẩn, làng Lũ Phong (TX. Ba Đồn) có thành hoàng Phạm Xuân Quế, làng Thượng Phong (Lệ Thủy) có thành hoàng Hoàng Hối Khanh… Đình là trung tâm tín ngưỡng văn hóa dân gian, nơi làng thường tổ chức lễ hội cúng thành hoàng.

Đình là một trung tâm về mặt tình cảm, nói đến làng là nghĩ đến đình với tất cả tình cảm gắn bó, thân thương. Cây đa, bến nước, sân đình là những nhân tố tạo nên di sản văn hóa làng. Đa phần làng quê Quảng Bình đều có cây đa, bến nước, sân đình; làng nào không có sông, bến nước thì có giếng làng. Mẫu hình của di sản văn hóa làng này như: làng Pháp Kệ (Quảng Phương, Quảng Trạch), làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh), làng Phù Lưu (Quảng Lưu, Quảng Trạch), làng Kim Nại (An Ninh, Quảng Ninh)…

Di sản văn hóa làng, xã Quảng BìnhĐình làng Lý Hòa (Hải Trạch, Bố Trạch). Ảnh: Tiến Hành

Trong di sản văn hóa làng, sau kiến trúc đình là chùa. Cùng với ngôi đình, ngôi chùa trở thành công trình công cộng quan trọng thứ hai của mỗi làng. Là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam, ngôi chùa được kiến trúc theo phong cách nhà cổ truyền, mái cong, có ba gian, hai chái. Nay, một số chùa trùng tu tuy có sự biến tấu về kiến trúc, quy mô hơn, hoành tráng hơn nhưng vẫn là nơi hội tụ đông đảo người dân trong những ngày lễ của làng như: chùa Quan Âm ở Đức Trạch (Bố Trạch), chùa Phổ Minh ở TP. Đồng Hới, chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh (Quảng Ninh), chùa Hoằng Phúc (Lệ Thủy)…

- Advertisement -

Trong di sản văn hóa làng (kể cả làng biển) có các kiến trúc đền, miếu, các nhà thờ họ. Mỗi nhà thờ dòng họ là nơi lưu giữ văn bằng sắc phong, gia phả bao đời của những dòng họ cùng xây đắp nên làng xã. Quảng Bình, mảnh đất trải qua hai cuộc chiến tranh cực kỳ ác liệt cùng với khí hậu khắc nghiệt, nhưng đến nay vẫn lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quí giá, như: làng Vĩnh Lộc (TX. Ba Đồn) có 28 sắc phong, làng Phù Hòa (Quảng Trạch) 12 sắc phong…

Nhiều làng vẫn lưu truyền nhiều làn điệu ca dao, dân ca, hát tuồng, bội, hát Kiều, hò khoan, bài chòi, ca trù, lưu giữ những phong tục tập quán, các lễ hội như: chèo cạn, đua thuyền, thờ cá voi, lễ hội đập trống, lễ hội rằm tháng 3… Tất cả những di sản văn hóa đó chính là một trong những thành tố góp phần làm nên nét đa dạng, độc đáo, phong phú cùng những giá trị đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, di sản văn hóa làng là một trong ba yếu tố của văn hóa cổ truyền dân tộc đó là: gia đình, làng, nước.

Vấn đề đặt ra hiện nay là những giá trị di sản văn hóa làng đang bị xuống cấp, mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất.

Nguyên nhân là do các thế hệ trước, những nghệ nhân dân gian được xem là nhân chứng sống, “thư viện sống” lần lượt ra đi vì tuổi tác; trong khi thế hệ trẻ sau này lại quá nhạy cảm với văn hóa hiện đại.

Hơn nữa, môi trường sinh thái nhân văn của các làng xã hiện nay đang dần dần bị biến dạng dưới tác động của quá trình mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đặc biệt là xu thế đô thị hóa, phát triển kinh tế thị trường làm cho các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bị xâm hại, xuống cấp, thất thoát hoặc bị thất truyền. Ngay cả trong cộng đồng dân cư làng xã, ở những mức độ khác nhau cũng có những biểu hiện suy giảm về mức độ gắn kết, trân trọng, giữ gìn di sản văn hóa của chính cộng đồng.

Do vậy, hơn lúc nào hết, việc điều tra thống kê, bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị di sản văn hóa làng lúc này là vô cùng quan trọng.

Để làm tốt việc bảo tồn di sản văn hóa làng, cần có sự nhận thức đúng đắn ý thức bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, của địa phương nói riêng. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, Nhà nước với cộng đồng dân cư nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa làng. Cần xác lập sự gắn bó giữa di sản văn hóa làng với cộng đồng dân cư thông qua việc trùng tu, sửa chữa, khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa làm cho bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của từng làng quê khởi sắc. Trước mắt là phát huy giá trị trên 120 di sản văn hóa vật thể đã được xếp hạng, 4 di sản văn hóa phi vật thể ghi danh mục cấp quốc gia (lễ hội cầu ngư, hò khoan, lễ hội đua thuyền Lệ Thủy, lễ hội đập trống Thượng Trạch), 2 di sản văn hóa của nhân loại (ca trù và bài chòi).

Tỉnh cần huy động mọi nguồn lực cho việc đầu tư tu bổ di tích, di sản, phục hồi, phục dựng, tập huấn, trao truyền di sản cho các thế hệ; tổ chức tốt việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong các làng xã, các hoạt động lễ hội, các trò chơi dân gian bổ ích; giải quyết tốt, hài hòa lợi ích các thành phần trong cộng đồng dân cư nơi có di sản văn hóa; đưa văn hóa trở thành nhịp cầu giao lưu giữa làng này với làng khác, xã này với xã khác, cũng như dân tộc này với dân tộc khác trên thế giới, đồng thời giữ vững tài nguyên, môi trường du lịch bền vững.

- Advertisement -

Tạ Đình Hà

(Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình)

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm