7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Di tích lịch sử chùa Cảnh Phúc

- Advertisement -

Chùa Cảnh Phúc thuộc xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) là một trong những công trình kiến trúc tâm linh mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo gắn liền với thời kỳ lịch sử khai hoang mở đất và chống giặc ngoại xâm của các thế hệ người dân Cảnh Dương.

Gắn liền những sự kiện lịch sử của quê hương

Chùa Cảnh Phúc được xây dựng năm 1667, được trùng tu và nâng cấp theo đà thịnh vượng của làng. Chùa Cảnh Phúc không chỉ là nơi thờ tự Đức Phật, nơi sinh hoạt tôn giáo mang yếu tố tâm linh mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của quê hương qua các thời kỳ. Các vị cao niên tại địa phương cho biết, trong những ngày đầu Cách mạng Tháng 8-1945, chùa Cảnh Phúc là một trong những địa điểm hoạt động bí mật của các cán bộ tiền khởi nghĩa trong vùng…

Trong kháng chiến chống Pháp, Cảnh Dương nằm ở vị trí hết sức quan trọng, nơi cầu nối giữa vùng tự do Thanh-Nghệ Tĩnh với phân khu chiến trường Bình-Trị-Thiên, có nhiều thuận lợi về giao thông đường thủy lẫn đường bộ nên trở thành mục tiêu chiến lược quân sự mà thực dân Pháp muốn đánh chiếm. Vì vậy, nơi đây phải đương đầu với nhiều trận càn lớn nhỏ và hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn của địch từ máy bay dội xuống, từ tàu chiến bắn vào.

Để đứng vững trước những thử thách ác liệt này, nhân dân Cảnh Dương rào làng chiến đấu, thành lập các đội dân quân, du kích canh giữ làng. Cả làng Cảnh Dương từ già đến trẻ đều tham gia kháng chiến. Ngư dân bám biển đánh cá, thanh niên ra tiền tuyến, thiếu niên chăm lo học hành và tham gia cổ động tuyên truyền…

Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt đó, chùa Cảnh Phúc được chọn làm nơi cất giấu vũ khí, huấn luyện dân quân du kích, đồng thời là nơi các cán bộ cách mạng hội họp để bàn cách tổ chức chống càn, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Quảng Bình. 

Di tích lịch sử chùa Cảnh PhúcDi tích lịch sử chùa Cảnh Phúc.

Từ năm 1950 đến năm 1957, chùa là nơi tổ chức tuyên truyền, dạy học các lớp bổ túc văn hóa để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, năm 1960, chùa Cảnh Phúc được chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ xã Cảnh Dương lần thứ IV. Đại hội đã đề ra nghị quyết chỉ đạo quần chúng nhân dân phát huy truyền thống lao động, chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ vừa đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân, vừa sẵn sàng chiến đấu để đánh bại âm mưu xâm lược cũng như các cuộc tập kích bằng đường không, đường biển của đế quốc Mỹ.

- Advertisement -

So với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lượng bom đạn mà giặc Mỹ trút xuống Cảnh Dương lớn hơn rất nhiều. Trường học, đình, chùa, am, miếu… hầu hết bị tàn phá nặng nề. Chùa Cảnh Phúc cũng đã bị bom đạn đánh sập sau những đợt không kích của giặc Mỹ.

Nơi lưu giữ hiện vật cổ

Cũng như nhiều chùa làng ở Quảng Bình, chùa Cảnh Phúc xưa có cấu trúc theo kiểu tiền đường hậu tự. Chùa xây gần giống mô hình chùa chiền Đàng Ngoài, là một công trình kiến trúc cổ như những ngôi chùa xưa, mái cong lượn, dáng nét trang nghiêm, đậm nét phương Đông.

Kiến trúc chùa gồm: tam quan, sân chùa, tiền đường, hậu tự với diện tích gần 2.000m². Tam quan chùa gồm cổng chính, hai cổng phụ hai bên, trên có gác chuông. Sân chùa có trồng nhiều cây cảnh và hoa rất đẹp.

Tiền đường rộng năm gian, gian giữa là nơi hành lễ, thỉnh kinh; các gian tả hữu dành cho thiện nam tín nữ cầu kinh sắp xếp theo nam tả, nữ hữu. Hai đầu tiền sảnh có hai tượng Hộ pháp (dân làng thường gọi là ông Thiện, ông Ác) tay cầm nghi trượng cưỡi trên hai con kỳ lân. Trên các cột chính của tiền sảnh treo các bức câu đối bằng gỗ được sơn son thếp vàng. 

Hậu tự là một dãy nhà dài, là nơi đặt thờ gần 100 pho tượng làm bằng các chất liệu: đồng, gỗ, đất sét nung với nhiều kích cỡ to, nhỏ khác nhau. Đáng chú ý là tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, tượng Phật Quan Âm, tượng Phật Thích Ca sơ sinh, tượng Phật nhiều tay, tượng Phật Di Lặc, tượng các vị La Hán… Mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật mang nhiều hình thù khổ hạnh. Ngoài hai tòa chính, chùa còn có nhà tăng làm nơi sinh hoạt cho các vị tăng ni.

Di tích lịch sử chùa Cảnh Phúc“Cảnh viện hồng chung” chùa Cảnh Phúc đúc dưới triều đại Tây Sơn (1901).

Trải qua thời gian hàng trăm năm, chùa Cảnh Phúc hiện còn lưu giữ được một số hiện vật cổ có giá trị, đặc biệt là chiếc chuông đồng loại vừa có tên là “Cảnh viện hồng chung” được đúc vào năm cuối cùng của triều đại Tây Sơn (1801) và hệ thống tượng thờ được tạo tác bằng nhiều chất liệu khác nhau.

- Advertisement -

Quả chuông nặng chừng 137kg, đầu tròn, miệng loe. Vai chuông có nhiều họa tiết đúc nổi, giữa các họa tiết có khắc bốn chữ Hán chia đều 4 phía của vai chuông: Cảnh-Viện-Hồng-Chung. Toàn bộ mặt chuông có khắc chìm bài ký bằng chữ Hán do giám sinh Nguyễn Đức Quýnh người Cảnh Dương soạn. 

Chuông đồng thời Tây Sơn nói chung, chuông chùa Cảnh Phúc nói riêng là những cổ vật quý, có giá trị về văn học, mỹ thuật, đặc biệt là giá trị về mặt sử liệu phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử thời Tây Sơn.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Người dân Cảnh Dương đa số sinh sống bằng nghề chài lưới trên biển nên họ rất coi trọng đời sống tâm linh, xem nó như là chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống.

Với lịch sử tồn tại gần 350 năm, chùa Cảnh Phúc là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương trong những ngày rằm, lễ Tết, lễ Phật, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, góp phần giữ vững nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Thông qua các hoạt động văn hóa tâm linh ở chùa để giáo dục người dân sống tốt đời đẹp đạo, cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh, tăng cường đoàn kết trong nhân dân.  

Để có cơ sở pháp lý trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngày 5-9-2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3367/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử đối với chùa Cảnh Phúc. Để bảo vệ di tích, trước mắt, cần tiến hành cắm mốc và dựng biển chỉ dẫn đường đến di tích. Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Khi điều kiện cho phép nên phục dựng lại chùa trên nền móng cũ và cảnh quan khuôn viên chùa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Minh Đức-Ngọc Ánh

(Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình)

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm