6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nếp làng giữa phố-Bài 1: Theo dấu chân người mở cõi

- Advertisement -

Trong hành trình xuôi vào Nam lập nghiệp, nhiều thế hệ người Quảng Bình đã chọn mảnh đất Sài Gòn-Gia Định xưa (nay là TP. Hồ Chí Minh) để nương náu cuộc đời. Có những hành trình cách đây hàng thế kỷ nhưng bao thế hệ con cháu họ vẫn hoài vọng cố hương, giữ lấy nếp làng giữa những chộn rộn, xô bồ của cuộc sống xa xứ.

Đã hơn 300 năm trôi qua từ ngày Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mở mang bờ cõi phương Nam, lập nên xứ Đồng Nai-Gia Định. Theo chân tiền nhân, nhiều thế hệ hậu sinh trên quê hương Quảng Bình đã có những cuộc ly hương xuôi vào Nam lập nghiệp.

Dòng chảy “Nam tiến” ấy dẫu có khi mạnh mẽ, có lúc thăng trầm nhưng với tâm niệm “ly hương bất ly tổ”, người Quảng Bình đã sớm hình thành nên các cộng đồng dân cư, giúp đỡ nhau vươn lên nơi quê mới và một lòng hướng về quê hương.

Những bước chân không mỏi

Trong hành trình mở cõi về phía Nam, khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ dân chúng Quảng Bình di dân vào Nam cùng khai hoang, lập ấp. Theo chân ông, suốt những năm tháng kiên nhẫn mở đất, biết bao lớp người Quảng Bình đã tiến về phương Nam để hình thành nên những cộng đồng dân cư bền chặt.

Đằng sau lời ca ngợi sự trù phú “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” là ghi nhận công lao, sự đóng góp và để lại dấu ấn của Quảng Bình trên hai vùng đất cũ và mới. Hàng trăm năm qua, bao thế hệ người Quảng Bình đã có nhiều đóng góp trong quá trình mở đất, mở nước về phương Nam.

Nếp làng giữa phố-Bài 1: Theo dấu chân người mở cõiĐền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.

Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sự tàn phá nặng nề của thiên tai, của áp bức đã khiến cho các cuộc di dân vào Nam của nhân dân Quảng Bình càng mạnh mẽ hơn. Theo ghi chép của hội đồng hương làng Thọ Đơn (xã Quảng Thọ, TX. Ba Đồn) tại TP. Hồ Chí Minh, vào khoảng năm 1850, ông Nguyễn Chư, một người làng Thọ Đơn đã theo thuyền xuôi vào Nam rồi dừng chân ở đất Sài Gòn làm nghề mộc, mở đầu cho công cuộc di cư của làng.

- Advertisement -

Người đi trước dìu dắt người đi sau, những đoàn người lần lượt dắt díu nhau vào Nam. Họ sống tập trung chủ yếu ở các xóm Vườn Xoài, xóm Lách, xóm Mới… nay thuộc các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh. Người làng Thuận Bài (xã Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) lại sống chủ yếu ở xóm Nhà Đèn, xóm Chùa; người Cao Lao (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch ngày nay-PV) sống cùng nhau ở xóm Hoà Hưng, xóm Chùa…

Mang theo khát vọng vào Nam lập nghiệp, người Quảng Bình chịu khó học hỏi, cần mẫn lao động, tạo chỗ đứng ngay trên chính quê hương thứ hai. Người Thuận Bài chủ yếu làm nghề điện, người Cao Lao lại làm nghề xây dựng, tài xế và nghề kinh doanh, cũng một vài người vẫn theo đuổi nghề truyền thống: làm nón lá.

Theo tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái, văn hóa làng của miền Nam có đặc trưng là sự liên kết làng bắt đầu từ nghề nghiệp. Những người cùng nghề sẽ sống tập trung thành một khu vực riêng. Người Quảng Bình khi vào Nam sống thành từng xóm nhỏ cũng vì lẽ đó.

Thời gian trôi đi với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng những dòng chảy “Nam tiến” với khát khao lập nghiệp của nhiều thế hệ người Quảng Bình vẫn mải miết chảy trôi. Sau năm 1975, các hội tương tế, hội đồng hương (HĐH) Quảng Bình tại Sài Gòn càng đông đúc và mạnh thêm khi ngày càng có nhiều con em quê hương vào Nam học tập, sinh sống và lập nghiệp.

Từ những bước chân đầu tiên của thế hệ tiền nhân mang trên vai trọng trách của những người mở cõi đất phương Nam, hơn 300 năm qua, người Quảng Bình tại xứ Sài Gòn-Gia Định xưa và TP. Hồ Chí Minh ngày nay đã xây dựng nên một cộng đồng dân cư gắn bó, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế-xã hội của mảnh đất này.

“Ly hương bất ly tổ”

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái khẳng định, vốn là người có một tấm lòng yêu quê hương thuần phác nên trong quá trình đi khai khẩn vùng đất phương Nam, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn lưu luyến với mảnh đất Quảng Bình. Vậy nên, không khó để thấy đằng sau những sầm uất của vùng đất phương Nam này vẫn đâu đó mang hình bóng của quê hương ông cùng tấm lòng của vị khai quốc công thần.

“Như ta thấy, ông đã lấy tên hai huyện Phước Long, Tân Bình ở Quảng Bình vào đặt tên cho vùng đất mới khai hóa này, mà đến nay phần lớn vẫn còn. Nhiều thôn, xã, khóm, ấp được mang tên “Bình” hoặc “Tân” như: Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Long, Bình Quới, Bình Hòa hay Tân Định, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Thuận, Tân Mỹ, Tân Phước, Tân Thạnh…”, tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái cho biết thêm.

- Advertisement -

Nếp làng giữa phố-Bài 1: Theo dấu chân người mở cõiTọa đàm hiến kế xây dựng Quảng Bình phát triển do HĐH Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Sau khi sống tập trung ở các xóm dân cư, người Quảng Bình trên quê mới đã sớm lập ra các hội tương tế, hội ái hữu và các nghĩa trang tên quê hương mình. Suốt nhiều năm qua, từ tổ chức HĐH của tỉnh đã nhân rộng ra thêm nhiều HĐH các huyện, xã, làng, các dòng họ…

Những năm 30 của thế kỷ trước chứng kiến sự ra đời của các hội tương tế các làng như: Hội Thuận Bài tương tế, Hội Cao Lao tương tế, Hội Thọ Đơn tương tế… Những thăng trầm, đổi thay của lịch sử đã khiến cho hoạt động của các hội tương tế bị ngắt quãng nhưng dẫu vậy, những người đồng hương vẫn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Sau năm 1975, các hội tương tế bắt đầu hoạt động trở lại và phát triển vững mạnh cho đến ngày nay.

Kể từ khi thành lập đến nay, HĐH Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh đã trở thành một tổ chức lớn mạnh, góp phần giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất, đồng thời có nhiều hoạt động hướng về quê hương.

Hàng năm, Ban liên lạc HĐH Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh luôn có mặt trong tất cả những sự kiện văn hóa-chính trị-xã hội nổi bật của tỉnh nhà. Năm 2018, hơn 150 nhà khoa học, chuyên gia trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ… đã tham gia cuộc tọa đàm với mong muốn hiến kế xây dựng Quảng Bình phát triển theo sáng kiến của cộng đồng những người con Quảng Bình làm báo tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều ý kiến tâm huyết đã được các nêu ra, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để Quảng Bình cùng hội nhập và phát triển. Từ những diễn đàn này cùng các hội nghị xúc tiến đầu tư đã kết nối nhiều dự án đầu tư lớn về đến Quảng Bình.

Theo ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch HĐH Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh, HĐH Quảng Bình hiện có hơn 30.000 hội viên và là HĐH cấp tỉnh duy nhất trực thuộc Mặt trận TQVN TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài HĐH của tỉnh còn có HĐH của các huyện, thành phố, thị xã, các xã, các làng và các CLB doanh nhân, CLB nhà báo người Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh. Mỗi năm, HĐH Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh ủng hộ từ 4-5 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, hỗ trợ bão lũ cho bà con ở quê nhà. Dù mỗi người mỗi cương vị công tác, mỗi nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có chung một tình yêu, sự quan tâm đặc biệt đối với mảnh đất quê hương.

Diệu Hương

Bài 2: Xóm Nhà Đèn

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm