7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ka Ai mùa lúa về

- Advertisement -

(Đất và Người) – Những ngày này, trên cánh đồng Ka Ai ở xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa, lúa chín vàng, trĩu hạt, bà con dân bản ngập tràn niềm vui trước một vụ mùa bội thu.

Chờ cơn mưa đầu thu vừa tạnh hạt, dân bản Ka Ai cùng với những người lính biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo vượt suối, khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa chín vụ hè-thu.

Do điều kiện thời tiết khí hậu nơi đây nắng ít, mưa nhiều khác hẳn với dưới xuôi nên lịch thời vụ có phần chậm trễ hơn, nhưng năng suất lúa không hề suy giảm. Theo đánh giá, năng suất lúa vụ này đạt bình quân 45 tạ/ha, một con số không hề thua kém so với nhiều địa phương trồng lúa ở đồng bằng.

Ka Ai mùa lúa vềTrên những cánh đồng lúa Ka Ai, đồng bào Mày và chiến sỹ Biên phòng hồ hởi thu hoạch lúa.

Cũng như nhiều bà con dân bản Ka Ai khác, theo lịch thời vụ, chị Hồ Thị Khóa dậy từ rất sớm, hoàn thành các công việc nội trợ trong gia đình, rồi cùng chồng hăm hở ra đồng gặt lúa. Chị rất phấn khởi vì đã nhiều mùa vụ qua đi, kinh nghiệm trồng cây lúa nước được nâng lên rõ rệt, đến cái liềm chị đang cầm trong tay gặt lúa là một nông cụ sản xuất trồng trọt mới mà cả trăm năm qua, dân bản bây giờ mới biết đến và hiện sử dụng rất thành thạo.

Mỗi năm, gia đình chị Khóa thu hoạch được 1,2 tấn thóc, một nguồn lượng thực đủ cho 5 miệng ăn trong gia đình. Từ khi có lúa, gia đình chị không còn cảnh thiếu bữa ăn trong ngày.

Giơ bó lúa trên tay vừa mới gặt xong, chị Khóa khoe: “Nhà báo thấy không, hạt thóc ra đều và chắc lắm. Trước đây, bà con dân bản lên rừng, lên rú kiếm củ khoai, củ sắn. Nay nhờ có bộ đội biên phòng giúp đỡ nhiệt tình từ khâu làm đồng cho đến bón phân, hướng dẫn bà con gieo cấy nên mỗi năm trồng được 2 vụ lúa nước đạt năng suất lắm!”. 

Thực hiện chương trình 30A của Chính phủ về hỗ trợ cho huyện nghèo Minh Hóa, trong 5 năm qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã đứng ra đầu tư thực hiện dự án mang cây lúa nước lên cho người dân vùng cao biên giới này.

- Advertisement -

Đồn biên phòng hỗ trợ về giống lúa, phân bón, máy cày, máy tuốt lúa và xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng dài hơn 3 km, dẫn nước từ núi cao về phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng. Lúa PC6, một loại giống lúa cho hạt gạo dẻo thơm, cho năng suất, có khả năng phòng ngừa sâu bệnh tốt đã được lựa chọn đưa vào gieo cấy.

Để việc trồng lúa có hiệu quả, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo thành lập 1 tổ sản xuất gồm 5 cán bộ, chiến sỹ và giao cho Trung tá Đinh Minh Thanh ở đội kiểm soát hành chính phụ trách. Nhận nhiệm vụ mới, anh Thanh cùng với các đồng đội của mình đi lên núi cao tìm nguồn nước, lắp đặt hệ thống dẫn nước tự chảy đưa nước về đồng ruộng, đồng thời, tích cực học hỏi thêm về kỹ thuật trồng lúa nước rồi hướng dẫn lại cho bà con dân bản.

Khắc phục dần những khó khăn của tự nhiên, đến nay, trên cánh đồng rộng 5ha, bộ đội biên phòng cùng với bà con dân bản Ka Ai đã gieo trồng và thu hoạch được 10 vụ lúa nước.

Bằng sự hướng dẫn, cầm tay chỉ việc nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, người Mày ở bản Ka Ai đã từng bước thành thạo với phương thức sản xuất lúa nước mà trước đây đối với họ rất đỗi xa lạ. Cả bản có 83 hộ gia đình thì cũng chừng đó hộ tham gia trồng cây lúa nước. Kinh nghiệm sản xuất được đúc kết dần qua từng vụ gieo cấy.

Nhờ đó, năng suất lúa tăng từ 35 tạ/ha của ngày đầu thực hiện dự án lên 45 tạ/ha. Trung tá Thanh cho biết: “Trong công tác biên phòng, giúp dân xóa đói giảm nghèo là việc làm thường xuyên của bộ đội biên phòng.

Từ đó, chúng tôi rất trăn trở, tìm cách làm thế nào đó để giúp bà con thoát nghèo. Dự án đưa lúa nước lên vùng biên là một việc làm đầy ý nghĩa khi bộ đội và dân bản cùng lao động, cùng ở, cùng ăn”. 

Vậy là từ khi trồng được cây lúa nước, trong những bữa ăn hàng ngày của người Mày ở bản Ka Ai, ngoài canh măng, rau, thịt hay cá đều có sự hiện diện của những hạt cơm trắng, dẻo thơm, một món ăn không thể thiếu. Người dân không phải vào rừng chặt đọt cây báng, cây nhúc-loại cây họ đùng đình, thái mỏng phơi khô, giã ra lấy bột làm bồi hay đào củ mài, củ nâu về độn trừ bữa.

Ka Ai mùa lúa vềCây lúa nước thêm thắt chặt tình cảm đồng bào chiến sỹ nơi biên cương.

- Advertisement -

Vừa bưng bát cơm trắng ngần trên tay, bà Hồ Thị Seo bộc bạch: “Ơn Đảng, Nhà nước, ơn bộ đội biên phòng, bà con mới có hạt gạo dẻo thơm thế này. Cả bản đang động viên nhau cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới”.

Có thể khẳng định, đưa cây lúa nước lên vùng rẻo cao, biên cương chính là giải pháp cơ bản để giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo mà lâu nay chính quyền, các ngành chức năng từ huyện đến xã đều trăn trở. Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết: “Có cây lúa nước, đời sống dân bản cải thiện rất nhiều. Bản Ka Ai hay 12 bản khác trên địa bàn chủ yếu sống dựa vào lúa rẫy.

Qua một thời gian, chất lượng lúa rẫy đã giảm đi rất nhiều, do đất đai không còn màu mỡ nữa, năng suất giảm dần theo thời gian. UBND xã Dân Hóa cùng với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo nỗ lực xây dựng kế hoạch thay đổi nhận thức của bà con dân bản trong sản xuất trồng trọt các loại cây hoa màu khác”.

Những ruộng lúa chín vàng, trĩu hạt là món quà vô giá đối với đồng bào tộc người Mày ở đây và càng mang ý nghĩa thiêng liêng vì được làm nên từ chính những giọt mồ hôi, công sức lao động, tình đoàn kết, sự gắn bó thủy chung giữa những người lính Biên phòng với đồng bào dân tộc sinh sống trên dãy núi cao Trường Sơn hùng vĩ, trên mảnh đất là phên dậu biên cương của Tổ quốc.

Quang Ngọc

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm