8.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Khát khao được đến trường của cậu bé tật nguyền

- Advertisement -

(Giáo dục) – Hai tháng đầu năm học mới 2019-2020 trở thành những ngày tháng vui vẻ nhất của Nguyễn Thế Phong kể từ lúc em được sinh ra. Bởi, với một đứa trẻ bị dị tật tứ chi như Phong, được đến lớp học đọc, học viết cùng các bạn là cả một giấc mơ.
 
Nguyễn Thế Phong là học sinh lớp 1A, Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch (huyện Bố Trạch). Vì bị dị tật nên Phong chưa từng được đi học mầm non dù đã gần 7 tuổi. Gần hai tháng nay, Phong đã được Ban Giám hiệu Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch nhận vào học lớp 1 vì biết được em rất thích học và luôn khát khao được đến trường.
 
Thầy giáo Hồ Nam Phong, Tổng phụ trách Đội, Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch cho biết: Những ngày đầu năm học, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhật và chị Nguyễn Thị Trúc Phương ở thôn 3, xã Xuân Trạch bế trên tay một đứa trẻ với đôi chân và hai tay co quắp đến gặp lãnh đạo nhà trường. Chần chừ một hồi, vợ chồng anh Nhật mới dám mở lời, mong muốn nhà trường tạo điều kiện cho cháu Phong được đi học. Ban Giám hiệu nhà trường khá ngỡ ngàng với đề nghị này, bởi trước mặt là hình ảnh cậu bé nhỏ nhắn với đôi chân bị teo không thể đi lại được. Đôi tay của em cũng co quắp không thể cầm bút viết.
 
“Sẽ rất khó cho Phong và cả thầy, cô giáo nếu như em đến lớp, bởi dạy một học sinh bình thường còn vất vả huống chi là một đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi như Phong. Nhưng khi tiếp xúc và nói chuyện với em, lãnh đạo trường đã không thể từ chối, bởi mơ ước của em là được đi học để làm một đứa trẻ bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa”, thầy Hồ Nam Phong chia sẻ.
 
Anh Nguyễn Văn Nhật, bố Phong tâm sự: “Vợ chồng tôi từ khi sinh Phong ra đến nay chỉ biết thương xót cho cuộc đời con chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến việc cho con đi học như những đứa trẻ bình thường khác. Dù Phong đã qua tuổi đi học mẫu giáo và bước vào lớp 1. Nhưng hè vừa rồi, cháu nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học vì thích được ngày ngày đến lớp như các bạn”.
Khát khao được đến trường của cậu bé tật nguyềnEm Nguyễn Thế Phong luôn chăm chú lắng nghe tất cả những bài giảng mà cô giáo dạy trên lớp.
Nhận Phong vào lớp 1, thầy, cô giáo ở Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch cũng không dễ dàng trong việc giúp em thích nghi ngay với môi trường mới. Phong không thể ngồi học như các bạn, thầy hiệu trưởng phải thiết kế cho Phong một chiếc bàn học riêng. Chiếc bàn này được đóng theo hình dáng của một chiếc giường và được đặt ở cuối lớp để Phong nằm tập viết.
 
Ở lớp, Phong phụ thuộc nhiều vào cô giáo và các bạn, từ chuyện ăn uống đến đi vệ sinh. Giờ nghỉ, các bạn ra sân chơi đùa, Phong nằm trên chiếc giường nhỏ và quan sát qua ô cửa sổ. Nhưng Phong không lấy đó làm buồn mà ngược lại, với em đó đã là một niềm vui.
 
Mới nhập học được gần hai tháng và chưa từng học qua con chữ trước đó, nhưng đến giờ Phong đã biết viết. Thật khó để Phong có thể tự cầm được cây bút bằng bàn tay co quắp của mình, nhưng em không hề nản chí. Không thể tự tay cầm bút, em dùng luôn miệng và cả đầu kẹp chặt cây bút để viết theo từng nét chữ cô giáo dạy.
 
Anh Nhật kể, những ngày đầu đi học về, bàn tay và cổ Phong mỏi nhừ, vết bút hằn sâu vào da thịt. Anh Nhật thương con nên khuyên con nếu khó khăn quá thì không cần gắng. Nhưng Phong vẫn quyết tâm học chữ bằng được. Sau một tháng thì Phong đã theo kịp chương trình học của các bạn cùng lớp, chữ viết của Phong đẹp không kém những bạn học bình thường.
 
Hỏi anh Nhật chuyện sẽ cho Phong đi học đến bao giờ trong điều kiện khó khăn của cả gia đình và cả bản thân Phong như thế, anh nói dù khó khăn đến mấy hai vợ chồng cũng sẽ cố gắng cho con đi học bằng được. “Giấc mơ của Phong là được đến trường, cháu đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để đạt được giấc mơ đó. Phận làm cha, làm mẹ không thể để giấc mơ của con mình dở dang được”, anh Nhật chia sẻ.
 
L.C

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm