6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chi cục Hải quan nơi núi rừng đại ngàn

- Advertisement -

Trong điều kiện sinh hoạt, làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, những cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng (Cục Hải quan Quảng Bình) vẫn đang từng ngày vượt khó, bám biên, bám bản thực hiện nhiệm vụ gác cửa nền kinh tế nơi biên cương của Tổ quốc.

Chi cục Hải quan nơi núi rừng đại ngàn

Trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng. Ảnh: Quang Hùng.

Đường lên cửa khẩu Cà Roòng

Vượt chặng đường 110 km từ TP Đồng Hới men theo Quốc lộ 12 nối Đường 20 Quyết Thắng gắn với những chứng tích lịch sử của năm tháng kháng chiến khốc liệt, chúng tôi tới cửa khẩu Cà Roòng (thuộc địa phận xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Một điều khá thú vị, Đường 20 cũng là con đường độc đạo xuyên qua Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, len lỏi qua phía dưới từng tán cây rừng cao lớn. Trên tuyến đường xa xôi này, chúng tôi đã có dịp ôn lại lịch sử năm xưa về 8 cô gái thanh niên xung phong đã anh dũng hi sinh bảo vệ độc lập, hòa bình cho đất nước. Cũng giống như bao vị khách hành hương về mảnh đất này, chúng tôi dừng chân tại Hang 8 Cô, Hang Y tá để thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống.

Từ Hang 8 Cô lên đến cửa khẩu Cà Roòng phải di chuyển hơn 50 cây số. Chúng tôi được dự báo khó khăn phía trước qua câu chuyện của những người đồng nghiệp ở Cục Hải quan Quảng Bình. Bởi tuyến Đường 20 có nhiều đoạn vẫn đang tu sửa, nâng cấp; đường đi dốc cao, uốn lượn, gấp khúc.

Anh Vũ Ngọc Ánh đã có 16 năm thâm niên làm “cán bộ đường lối” ở Cục Hải quan Quảng Bình, kể: “Nhiều năm trước, tuyến đường này cũng là nỗi sợ hãi của dân lái xe mỗi khi qua đây. Thời điểm đó đường xuống cấp, cộng với trời mưa khiến nhiều đoạn bị sạt lở. Nhiều lần đoàn công tác của Cục Hải quan Quảng Bình muốn đi lên cửa khẩu Cà Roòng phải đi mất đến nửa ngày di chuyển vừa ngồi xe, vừa đi bộ. Đoàn phải chuẩn bị sẵn cuốc, dây cáp…, thậm chí là cả lương thực để dự phòng cho trường hợp xấu nhất khi bị cô lập giữa núi rừng”. 

Và rồi, vượt qua hàng chục khúc cua nối tiếp nhau, những đoạn đường một bên là núi bên là vực, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân lên cửa khẩu Cà Roòng.

- Advertisement -

Chi cục Hải quan nơi núi rừng đại ngàn

Một buổi sinh hoạt chuyên đề của cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng. Ảnh: Quang Hùng.

Chi cục Hải quan nơi núi rừng đại ngàn

Cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng tham gia tuyên truyền về tác hại của ma túy với cộng đồng. (Ảnh do Chi cục cung cấp).

Vượt khó nơi biên cương

Trong tiết cuối Thu se se lạnh, chúng tôi có mặt tại “đại bản doanh” của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng khi trời dần về chiều. Trụ sở chi cục nằm sát bên suối. Trong khuôn viên nhỏ được bố trí khu nhà làm việc, khu nhà ở công vụ, khu bếp ăn, còn có khoảng đất phía trước để trồng hoa. Đây là nơi ở và làm việc, của 9 cán bộ, công chức Hải quan nơi biên cương.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng Trương Thị Hoa Mai chia sẻ: Kể từ năm 2018, trụ sở chi cục được xây dựng kiên cố và đưa vào sử dụng thay thế những dãy nhà tôn giúp cho điều kiện sinh hoạt của cán bộ, công chức Hải quan được cải thiện hơn. Tuy nhiên, ở khu vực vùng sâu, vùng xa này vẫn chưa hòa lưới điện quốc gia, thiếu nước sinh hoạt…, cộng với khí hậu khắc nghiệt của núi rừng miền Trung là những khó khăn mà cán bộ, công chức đang phải đối mặt.

“Hằng ngày, mọi điều kiện sinh hoạt, làm việc của cán bộ, công chức đều phụ thuộc vào hệ thống điện năng lượng mặt trời. Do vậy, nhiều thiết bị điện thiết yếu cho sinh hoạt như điều hòa, bình nóng lạnh… dù đã được trạng bị nhưng hầu như không thể sử dụng. Với nguồn năng lượng điện hiện tại mới chỉ đáp ứng được điện chiếu sáng, một số máy tính phục vụ công việc… Chúng tôi kiến nghị sớm được đầu tư nguồn điện ổn định để đáp ứng yêu cầu công việc khi có hoạt động XNK phát sinh qua địa bàn. Bên cạnh đó, nước sinh hoạt cũng được dẫn ở đầu nguồn về nên mùa khô, chúng tôi thường đối mặt với tình trạng thiếu nước. Mỗi lần đường ống dẫn nước bị tắc, cán bộ Chi cục còn phải cắt cử người vượt 5-6 cây số đường rừng để sửa chữa.”, chị Trương Thị Hoa Mai tâm sự thêm.

- Advertisement -

Do ảnh hưởng của chính sách từ phía nước bạn Lào, kể từ cuối 2017, cửa khẩu Cà Roòng không còn phát sinh hoạt động XNK hàng hóa. Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng tiếp nhận và làm thủ tục nhập khẩu gỗ, qua đó có đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. Hiện tại, bên cạnh việc nghiên cứu văn bản, chính sách mới để tham mưu cho Cục Hải quan Quảng Bình, nhiệm vụ chính của những cán bộ, công chức Hải quan nơi đây là tuần tra, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh, kiểm soát chống buôn lậu, cũng như vận chuyển trái phép hàng cấm (ma túy, pháo nổ…) qua biên giới. Cùng với đó, Chi cục phối hợp với Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền về tác hại của ma túy với cộng đồng, cũng như vận động bà con không tham gia tiếp tay cho các hành vi buôn lậu. Kết quả là nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn không hình thành các tụ điểm về buôn lậu, cũng như không có vụ việc vi phạm phức tạp.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay có một số doanh nghiệp đã đến khảo sát để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Cà Roòng. Khi điều này thành hiện thực, sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế của cửa khẩu Cà Roòng thêm sôi động, tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương.

Chúng tôi rời cửa khẩu Cà Roòng sau một đêm ở lại cửa khẩu. Thời gian ở Cà Roòng không nhiều, nhưng chúng tôi đã được gặp gỡ, được sinh hoạt với cán bộ, công chức nơi đây, chúng tôi thấu hiểu được phần nào khó khăn của những người đồng nghiệp giữa núi rừng miền Trung đầy khắc nghiệt.

Quang Hùng

Nguồn tin:  Báo Hải quan

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm