7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lớp học tiếng Việt của ông lão 70

- Advertisement -
(Xã hội) – Cứ vào chiều chủ nhật hàng tuần, ông Đặng Đức Dục, ở phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới), nguyên Giám đốc Sở Xây dựng lại ôm mớ tài liệu đã phô tô sẵn đến khu nhà ở của các chuyên gia y tế Cuba đang làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới để làm một công việc trên tinh thần tự nguyện: dạy tiếng Việt cho những người bạn đến từ một đất nước cách quê hương ông hơn nửa vòng trái đất. Ông bảo: “Làm được những gì để giúp các bạn Cuba, tôi sẽ làm hết sức, đơn giản là vì tôi yêu họ, yêu đất nước Cuba”.
 
Nghĩa nặng, tình sâu
 
Ông kể, tháng 7 năm 1967, ông được Nhà nước gửi sang Cuba đào tạo chuyên ngành kiến trúc xây dựng. Và chính mảnh đất “vừa lạ vừa quen” này là nơi ông gửi lại tuổi thanh xuân cùng nỗi nhớ mà theo ông là chưa lúc nào nguôi. Ông luôn nhớ về một đất nước Cuba với những trường học, đường phố mang tên các anh hùng dân tộc Việt Nam, nhớ những người bạn Cuba hỗ trợ sinh viên Việt Nam về mọi mặt như ăn uống, áo quần, giày dép… “Đó là nơi cho tôi kiến thức và cũng là nơi nhắc tôi nhớ rằng, tình hữu nghị Việt Nam-Cuba là tình cảm đặc biệt không gì có thể so sánh được, đó là tình anh, em…”.
 
Sau này khi về nước, ông Đặng Đức Dục lại tiếp tục gắn bó với những người bạn là chuyên gia xây dựng của Cuba khi họ sang thi công công trình Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (món quà mà Đảng, Chính phủ, nhân dân Cuba tặng cho Việt Nam) với vai trò là phiên dịch viên, hỗ trợ chuyên gia trong quá trình xây dựng bệnh viện. 
Lớp học tiếng Việt của ông lão 70Các chuyên gia y tế Cuba chăm chú tiếp thu bài giảng của ông Đặng Đức Dục (người ngoài cùng bên phải).
Những năm tháng đó, ông lại được chứng kiến những người bạn Cuba với tinh thần làm việc hăng say, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Họ san sẻ cho công nhân Việt Nam và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng quanh bệnh viện phần thức ăn của họ, chủ yếu là đường, sữa, bánh ngọt… được mang từ Cuba sang.
 
Tình yêu và sự biết ơn đối với đất nước Cuba cứ thế lớn dần trong trái tim ông. Ông luôn nói với các con mình rằng: “Không có sự giúp đỡ của đất nước Cuba, những người bạn Cuba thì cha không có được như ngày hôm nay. Đó là một phần ký ức chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim cha…”
 
Ông giáo tình nguyện
 
Ông Đặng Đức Dục tâm sự: “Khi nghe tin Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới mời các chuyên gia y tế Cuba sang làm việc, tôi vui mừng vô hạn. Tôi chủ động tìm gặp họ rồi trở thành bạn, người thân của các chuyên gia.”
 
Vốn có ngôn ngữ Tây Ban Nha, hiểu phong tục tập quán sinh hoạt của người Cuba nên ngay từ những ngày đầu, ông đã hỗ trợ các chuyên gia rất nhiều trong việc làm quen và ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. Từ việc làm phiên dịch viên tự nguyện, ông bắt đầu nung nấu quyết tâm dạy tiếng Việt cho các chuyên gia y tế Cuba để giúp họ thuận lợi hơn trong sinh hoạt, giao tiếp. Vậy là lớp học tiếng Việt của ông lão trên 70 tuổi ra đời. Cứ mỗi chiều chủ nhật, ông lại cắp sách đến bệnh viện. Ông vào vai một ông giáo thuần thục với giáo án đã soạn sẵn rồi đứng trên bục giảng nắn nót viết những chữ cái đầu tiên của tiếng Việt và hướng dẫn 7 người học trò đặc biệt của mình cách đọc, đánh vần, ghép âm, tạo chữ.
 
Để giờ lên lớp có chất lượng cao, ông đầu tư khá nhiều cho khâu soạn giáo án rồi phô tô sẵn những tài liệu gồm từ mới, từ đồng nghĩa, trái nghĩa, từ đồng âm… bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha để phát cho các học trò.
 
Biết mong muốn của các bác sỹ Cuba là sớm giao tiếp được bằng tiếng Việt nên ông nghiên cứu, soạn thảo chương trình dạy theo phương pháp tiếng Việt giao tiếp như cách người Việt vẫn thường học tiếng Anh giao tiếp. Ông tập hợp những từ, cụm từ, mẫu câu giao tiếp thông thường và tiếng Việt trong ngành y để dạy cho các bác sỹ. Một buổi học bắt đầu từ việc luyện âm, ông đọc mẫu rồi hướng dẫn cả lớp đọc theo. Sau đó, ông giải thích ý nghĩa từng từ rồi kiểm tra việc phát âm của từng người để giúp họ chỉnh sửa.
 
Theo ông, khó khăn nhất trong quá trình học tiếng Việt của các bác sỹ Cuba là phát âm, vì tiếng Việt có sử dụng các thanh (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng). Tiếp thu nội dung qua từng bài giảng của ông, các bác sỹ Cuba tự đúc rút ra cách học cho riêng mình để nâng cao hiệu quả học tập. Chuyên gia tim mạch Piter luôn dùng một cuốn sổ tay hay mẫu giấy xếp nhỏ ghi những câu, từ cần học bỏ sẵn trong túi áo, túi quần để dễ dàng học, vận dụng mọi lúc, mọi nơi. Chuyên gia ung bướu Jesús de los Santos Renó Céspedes lại có cách học khá sáng tạo là viết câu mới theo những mẫu đã học. Ví dụ như từ mẫu câu: “Tôi chuẩn bị đi dự một hội thảo ở Huế”, ông viết lại thành những câu như: “Tôi đang dự hội thảo ở Huế. Tôi đã dự một hội thảo ở Huế. Tôi sắp đi dự một hội thảo ở Huế” như cách ông học ngữ pháp tiếng Anh theo các thì hiện tại, quá khứ, tương lai…
 
Qua hơn 3 tháng học tập, đa số các bác sỹ đều có thể kê đơn thuốc cho người bệnh bằng tiếng Việt, hiểu, giao tiếp thông thường với đồng nghiệp và người bệnh. Ông Renó dù mới qua Việt Nam được 8 tháng nhưng đã có thể viết ra được nhiều câu tiếng Việt sau khi nghe thầy giáo Đặng Đức Dục đọc mẫu dù phát âm chưa được như mong muốn.
 
“Ông ấy là bố tôi”, “Tôi là con trai ông ấy”… là những câu tiếng Việt đầu tiên mà chuyên gia Piter học thuộc. Đó cũng là cách mà Piter bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đối với thầy giáo Đặng Đức Dục, người mà anh xem như là người cha thứ hai của mình.
 
Không chỉ dạy tiếng Việt, ông Đặng Đức Dục còn đóng vai trò kết nối các bác sỹ Cuba với nhiều người bạn Việt Nam. Ông kể cho họ nghe về lịch sử Quảng Bình, lịch sử Việt Nam, về văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt. Qua mỗi buổi lên lớp, ông gửi gắm vào đó trọn vẹn tình yêu đối với những người bạn mà ông xem là người thân của gia đình mình. Những mẫu câu: “Tôi yêu đất nước Cuba. Tôi yêu các bạn Cuba. Việt Nam-Cuba là anh em. Việt Nam-Cuba có tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt…” được ông chuyển tải hàng ngày.
 
Đáp lại tấm lòng của ông giáo già tận tâm với lớp học, các học trò của ông đã tiếp thu khá tốt từng bài học, nói và viết thông thao những câu tiếng Việt như: “Tôi yêu Việt Nam”. “Tôi yêu Quảng Bình”. “Tôi là bác sỹ làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, bệnh viện của tình hữu nghị sắt son Việt Nam-Cuba”…
 
Nhật Văn

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm