8.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Những ngày giáp Tết ở Quảng Long

- Advertisement -
(Kinh tế) – Những ngày này, người nông dân phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn) đang tất bật chăm sóc rau màu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đây là vụ rau được người dân trông chờ nhất trong năm, hứa hẹn cho thu nhập cao với bình quân từ 40-50 triệu đồng/hộ.
 
Phường Quảng Long được xem là “vựa rau” của thị xã Ba Đồn, rau được trồng quanh năm. Tổng diện tích trồng rau hàng năm của phường là 39 ha với thu nhập bình quân từ 70-100 triệu đồng/ha. Để chủ động cung ứng nguồn rau xanh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, nông dân phường Quảng Long đang tích cực xuống giống và chăm sóc rau màu. Phần lớn rau màu trồng trong thời điểm này là: cà chua, dưa leo, mướp đắng, cải bắp, xà lách, ngò, hành… Những loại rau này thường được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết, kỳ vọng mang lại cho bà con nguồn thu nhập cao.
Những ngày giáp Tết ở Quảng Long Người dân phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn đang chăm sóc rau màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Ông Phan Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp rau hoa phường Quảng Long cho rằng, từ lâu, việc trồng rau cung cấp thị trường Tết Nguyên đán được người nông dân chú trọng. Bởi, rau vụ Tết thường bán với giá cao, ít sâu bệnh và năng suất vượt trội so với các vụ khác, thu nhập cũng cao hơn gấp đôi ngày thường. Rau màu được người dân phường Quảng Long trồng quanh năm, nhưng vụ rau Tết làm nhiều nhất, gấp 3-4 lần. Riêng gia đình ông Hùng, vụ Tết này, xuống giống hơn 6 sào, trong đó chủ yếu là các loại cải, dưa chuột, mướp đắng…
 
“Rau Quảng Long đã có thương hiệu nên chỉ cần đến đầu tháng 12 âm lịch, các thương lái trong và ngoài thị xã sẽ về thu mua tại cánh đồng. Để có rau màu phục vụ thị trường Tết, gia đình tôi phải thuê thêm 4-6 nhân công phụ giúp chăm sóc và thu hoạch rau. Vụ rau Tết năm ngoái, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt, hứa hẹn năng suất cao”, ông Hùng chia sẻ.
 
Trước đây, người nông dân phường Quảng Long chỉ trồng rau theo kinh nghiệm cá nhân, không trồng tập trung mà trồng trên những cánh đồng nhỏ lẻ, nằm rải rác. Theo chủ trương chung của phường, người dân đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu các loại, từ đó, hình thành vùng chuyên canh rau màu tập trung ở các tổ dân phố: Trường Sơn, Tiền Phong, Chính Trực… Tháng 6-2015, 35 hộ nông dân ở phường Quảng Long đã cùng nhau thực hiện Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt (VietGAP) với sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mang lại sản lượng cao, thu nhập khá. Do được sản xuất theo quy trình VietGap, nên sản phẩm rau sạch Quảng Long được người dân trong và ngoài thị xã tin dùng.
 
Anh Hoàng Nam Doan, tổ dân phố Trường Sơn cho hay, được sự hỗ trợ của các phòng, ban thị xã Ba Đồn, anh đã xây dựng mô hình nhà màng sản xuất rau an toàn đầu tiên tại phường Quảng Long.
 
Với diện tích ban đầu gần 1.000m2, anh trồng dưa lưới, dưa chuột và mướp đắng theo công nghệ nhỏ giọt Isarel, áp dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, 600 gốc dưa chuột và 200 gốc mướp đắng đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Rau sản xuất trong nhà màng có ưu điểm là không có dịch hại, giảm chi phí đầu tư của người dân, các loại rau tươi đáp ứng nhu cầu sạch, an toàn. Ngoài mô hình trồng rau sạch trong nhà màn, vụ rau Tết năm nay, anh còn trồng hơn 5 sào rau màu các loại.
 
“Dự kiến khoảng 15 ngày nữa, gia đình tôi sẽ thu hoạch rau nhằm cung cấp cho thị trường Tết. Nếu thuận lợi, giá cả ổn định như năm ngoái thì vụ rau năm nay gia đình tôi dự tính sẽ thu về gần 100 triệu đồng”, anh Doan chia sẻ. 
Những ngày giáp Tết ở Quảng LongNgoài rau màu, hoa cúc Quảng Long cũng được người dân tiêu thụ khá mạnh trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Long cho biết, tham gia mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ dân phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định về quá trình trồng, từ lựa chọn nguồn giống, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đến quy trình thu hoạch, bảo quản… Tiêu chí đặt lên hàng đầu là nguồn rau phải an toàn, có xuất xứ rõ ràng. Nhu cầu sử dụng rau sạch trong dịp Tết Nguyên đán là rất lớn, nên hầu hết các hộ dân tham gia trồng rau tại phường Quảng Long đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng rau an toàn theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp phường, thị xã.
 
Để phát triển bền vững các vùng rau xanh an toàn không chỉ phục vụ thị trường Tết mà còn là nguồn cung bền vững cho người dân trong và ngoài thị xã, phường Quảng Long sẽ đẩy mạnh chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu các loại. Hội Nông dân phường, thị xã cũng đã phối hợp với các ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, thời gian tới, địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, triển khai tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho người dân. Hiện tại, toàn phường Quảng Long có 50 ha rau, hoa các loại; trong đó có 39 ha rau và 11 ha hoa. Thu nhập bình quân từ hoa, rau màu của phường Quảng Long là 7 tỷ đồng/năm; trong đó riêng rau màu là hơn 5 tỷ đồng/năm. Nhờ trồng rau, hoa màu mà đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân từ 48-50 triệu đồng/người/năm.
 
Có thể nói, việc người dân chủ động tham gia sản xuất rau an toàn cung cấp ra thị trường trong dịp Tết là một tín hiệu đáng mừng và mang lại nhiều lợi ích, vừa giảm tối đa chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, vừa mang đến cho người tiêu dùng những bó rau tươi, an toàn. Thời điểm hiện tại, diện tích rau xuống giống phục vụ cho dịp Tết ở phường Quảng Long đều phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho thu hoạch đúng vụ, năng suất cao, được giá do thời tiết năm nay khá thuận lợi.
L.Chi

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm