8.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Dấu ấn trong lĩnh vực lao động-xã hội và người có công

- Advertisement -

(Xã hội) – Năm 2019, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, giảm nghèo bền vững, trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế… Từ kết quả thực hiện các chính sách đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững…

 

Năm 2019, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB-XH) là một trong những đơn vị đã phát huy tốt vai trò kết nối cung-cầu lao động, việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động.

 

Dấu ấn trong lĩnh vực lao động-xã hội và người có côngNgành LĐ-TB-XH triển khai tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh thông qua việc tham quan thực tế các mô hình đào tạo.

 

Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, trong năm qua, đơn vị đã tổ chức 39 phiên giao dịch việc làm với 131 lượt doanh nghiệp và trên 2.700 người tham gia phỏng vấn trực tiếp. Thông qua phiên giao dịch, có 221 người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn. Ngoài ra, các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hội thảo, tư vấn và giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho trên 31.000 lượt người; cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước hơn 1.900 người và xuất khẩu lao động 725 người.

 

- Advertisement -

Nhờ đó, năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 36.700 lao động, trong đó, tạo việc làm gần 19.900 người và tạo thêm việc làm trên 16.800 người; 4.237 lao động được tuyển dụng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 128% kế hoạch). Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng lao động qua đào tạo cũng có bước chuyển biến rõ nét. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,3%, gồm: tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 47,5% và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 21%. Qua đó, cơ cấu lao động của toàn xã hội có sự chuyển dịch đồng bộ, đúng hướng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong đó, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, giảm lao động nông-lâm-ngư nghiệp.

 

Ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, năm 2019 tiếp tục ghi nhận những điểm sáng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người có công với cách mạng. Các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, trở thành nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc.

 

Các hoạt động tiêu biểu, như: thăm hỏi, tri ân tới các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, Tết Nguyên đán; tổ chức các đoàn người có công dự hội nghị tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc; tu sửa, nâng cấp mộ, nghĩa trang, các công trình ghi công tại các địa phương; dự án xây dựng Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ; triển khai 33 đợt điều dưỡng với 2.930 người tham gia; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tiếp nhận, an táng 13 hài cốt liệt sỹ quy tập trên địa bàn tỉnh, 17 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước…

 

Dấu ấn trong lĩnh vực lao động-xã hội và người có côngNhiều cá nhân, đơn vị đã chung tay chăm lo đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

 

- Advertisement -

Đặc biệt, quá trình triển khai xác nhận hồ sơ người có công còn tồn đọng theo Quyết định 408/BLĐTBXH tại các địa phương đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Kết quả đáng ghi nhận, Sở LĐ-TB-XH đang đề nghị Cục Người có công xem xét xác nhận thương binh, liệt sỹ cho 38 hồ sơ tồn đọng. 

Hiện, Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” có 83 cơ quan, đơn vị tham gia ủng hộ với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ, nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ, giúp cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống các gia đình chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân chung của tỉnh.

 

Trong năm 2019, tỉnh đã dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho giảm nghèo thông qua hệ thống chính sách (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm…) và các chương trình giảm nghèo (chương trình 135, chương trình 30a, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…). Song song, các cấp, ngành, hội, đoàn thể theo từng lĩnh vực phối hợp chặt chẽ cùng các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền về công tác việc làm, xóa đói giảm nghèo và nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách cho các tầng lớp nhân dân.

 

Vì vậy, mục tiêu giảm nghèo đã nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, ngành và của toàn xã hội. Theo kết quả rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2%, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 6,98% (cuối năm 2018) xuống còn 4,98% (cuối năm 2019); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 3%, từ 9,45% (cuối năm 2018) xuống còn 6,45% (cuối năm 2019).

 

Điều dễ nhận thấy, thời gian qua, các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần giúp đỡ, giải quyết một phần khó khăn trong cuộc sống của các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, như: người cao tuổi neo đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật nặng, người đơn thân thuộc hộ nghèo…

 

Đáng nói, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách theo quy định của Trung ương, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chung tay và huy động được sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp để chăm lo đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã cũng được chú trọng nhằm tránh sai sót, chi trả kịp thời, đúng thời gian, đúng chế độ, chính sách, đến tận tay đối tượng hoặc gia đình có đối tượng…

 

Có thể nói, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm. Ngoài chính sách chung của cả nước, tỉnh còn vận dụng thêm chính sách của địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án khác được triển khai ở các huyện, thị xã, thành phố. Từ đó, đời sống các tầng lớp nhân dân được nâng cao, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số…, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

 

Thùy Lâm

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm