9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

"Áo mới" Lệ Ninh

- Advertisement -
(Kinh tế) – Về thị trấn Nông trường Lệ Ninh hôm nay, cảm nhận nhiều sự đổi thay. Các tuyến đường chính hình thành rộng rãi và được nhựa hóa. Đường giao thông trong khu dân cư bước đầu bê tông, chiều dài 3,5 km. Chợ thị trấn khang trang mới đưa vào sử dụng đúng dịp Tết Nguyên đán… Tất cả tạo nên một diện mạo khác so với trước đây. Lệ Ninh như “khoác” lên mình một “tấm áo” mới, ấm no, bền vững.
 
Vùng đất tình người!
 
Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Lệ Ninh Trịnh Thanh Lâm tự hào: “Hiếm nơi đâu như ở đây, “đất lành chim đậu” khi cư dân thị trấn có gốc gác đến từ 27 tỉnh, thành của cả nước, trong đó 95% là con em miền Nam tập kết”.
 
Theo dòng ký ức của Bí thư Đảng ủy thị trấn, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam Bắc. Miền Bắc nhanh chóng bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng CNXH, làm hậu phương vững mạnh chi viện sức người, sức của cho miền Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những con em miền Nam tập kết ra Bắc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ quyết định dừng chân tại vùng đất phía Tây huyện Lệ Thủy, xây dựng các tập đoàn sản xuất theo chủ trương từ Ban Thống nhất Trung ương.
 
Khi số lượng các tập đoàn sản xuất tăng mạnh, Ban Thống nhất Trung ương quyết định cử ông Phạm Đình Lang, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đến khảo sát thực tế tình hình các tập đoàn sau đó báo cáo với UBHC tỉnh Quảng Bình xin phép Ban Thống nhất Trung ương hợp nhất những tập đoàn sản xuất (gồm 36 tập đoàn, bình quân lao động trong mỗi tập đoàn từ 20 đến 25 người) thành lập Khung sản xuất miền Nam. Tháng 8-1958, Khung sản xuất miền Nam đổi tên thành Liên đoàn sản xuất miền Nam Lệ Ninh (nhằm phân biệt với Liên đoàn sản xuất miền Nam Bố Trạch ở huyện Bố Trạch).
"Áo mới" Lệ Ninh Nhiều tuyến đường trung tâm của thị trấn Nông trường Lệ Ninh được đầu tư, mở rộng.
Ngày 24-12-1960, dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông trường, Tỉnh ủy, UBHC tỉnh Quảng Bình, Nông trường quốc doanh Lệ Ninh được thành lập, tiền thân là Liên đoàn sản xuất miền Nam Lệ Ninh.  Sáu năm sau đó, ngày 6-8-1968, thị trấn Nông trường Lệ Ninh hình thành trên cơ sở các khu dân cư, nơi sinh sống của cán bộ, con em miền Nam tập kết.
 
Ông Võ Hồng Khanh, Bí thư chi bộ TDP Liên Cơ, thị trấn Nông trường Lệ Ninh chia sẻ: “Qua gần 60 năm lập nghiệp, an cư ở vùng đất mới, nhiều thế hệ người dân Lệ Ninh luôn đồng tâm hiệp lực, phát huy phẩm chất cao đẹp của những người con miền Nam thành đồng, của nhân dân Quảng Bình “Hai giỏi”, khắc phục khó khăn, thử thách, xây dựng Lệ Ninh phát triển, vững vàng nơi vùng đất phía Tây huyện Lệ Thủy”.
 
Minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó keo sơn ở vùng đất nghĩa tình Lệ Ninh, ông Võ Hồng Khanh tự hào: “Đơn cử như TDP Liên Cơ với gần 300 hộ dân, hơn 1.000 khẩu, trong đó cán bộ hưu trí chiếm hai phần ba dân số. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,36%, tức là còn 4 hộ dân thôi!”.
 
Diện mạo mới Lệ Ninh
 
Cô gái 9X Nguyễn Thị Bích Thảo đang rất thành công với hai sản phẩm nấm lim xanh và lan Phi Điệp (hay còn gọi là Lan Giả Hạc, Giả Hạc Tím, Lưỡng Điểm Hạc) – “vua” các loại hoa lan.
 
Năm 2015, đôi vợ chồng trẻ Thảo và Nguyễn Quang Bảo (SN 1987) khởi nghiệp từ ý tưởng sản xuất trà túi lọc thiên nhiên từ sản phẩm Nấm lim xanh. Sau hơn 4 năm tự mày mò nghiên cứu, sản phẩm “Trà túi lọc Nấm lim xanh” của cơ sở sản xuất Quang Dũng do Nguyễn Thị Bích Thảo làm chủ, chính thức ra đời và được đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, vươn tới nhiều thị trường trong nước, như: Đà Nẵng, Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
 
“Dù chỉ mới đăng ký thương hiệu từ tháng 11-2019, nhưng trước đó, cơ sở Quang Dũng cũng đã xuất bán sản phẩm ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Nguyên liệu chính sử dụng sản xuất trà là Nấm lim xanh tự nhiên do đồng bào Vân Kiều các xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy khai thác. Cơ sở Quang Dũng giải quyết cho 5 lao động tại chỗ thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng”.
 
Nhắc đến chuyện trồng hoa phong lan, chúng tôi chạm đến sự đam mê của Thảo. Thảo cho biết tại địa bàn thị trấn có 3 cơ sở bảo tồn, trồng và kinh doanh hoa phong lan lớn nhưng cơ sở Quang Dũng của mình chỉ bảo tồn, trồng, nhân giống duy nhất một loại phong lan-lan Phi Điệp.
 
“Lan Phi Điệp của em cũng xuất xứ duy nhất ở vùng núi rừng phía Tây Lệ Thủy, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và khi quảng bá cho giống hoa lan đi khắp cả nước, em luôn tự hào giới thiệu về xuất xứ rõ ràng, lan Phi Điệp có nguồn gốc từ quê hương Lệ Thủy anh hùng, nơi sinh ra người con kiệt xuất của dân tộc, vị Đại tướng lừng danh khắp năm châu bốn biển”.
 
Hiện tại, vườn hoa phong lan của Nguyễn Thị Bích Thảo có trên 1.000 giò lan Phi Điệp. Từ cuối năm 2018 đến nay, Thảo thu lãi ròng từ bán lan Phi Điệp trên 300 triệu đồng.
"Áo mới" Lệ NinhCơ sở trồng phong lan Quang Dũng chỉ trồng duy nhất lan Phi Điệp, loài lan quý trên quê hương Đại tướng.
Nhiều thanh niên như Nguyễn Thị Bích Thảo đang góp phần “khoác áo mới” cho Lệ Ninh. Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh Phạm Minh Điền cho biết: “Bước sang năm 2020, Lệ Ninh có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Lần đầu tiên thu ngân sách trong năm đạt hơn 121% kế hoạch với gần 8 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,44%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 49,5 triệu đồng/năm. Với một thị trấn thuần nông, lâm, thị trấn Nông trường Lệ Ninh khuyến khích nhân dân phát triển mạnh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kinh doanh vận tải… Hiện tại, trên địa bàn có 369 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp, doanh thu khoảng 45 tỷ đồng, góp phần thay đổi mạnh cơ cấu, tỷ trọng ngành nghề, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững”.
 
Phát huy thế mạnh sẵn có, người dân Lệ Ninh đẩy mạnh phong trào chăn nuôi, huy động 350 hộ dân tham gia, hình thành nên 46 trang trại tổng hợp. Số lượng đàn trâu, bò phát triển ổn định trên 1.000 con. Nhiều hộ dân như Nguyễn Thăng Long, Nguyễn Trung Thành (TDP Quyết Tiến), Trần Văn Hoãn, Nguyễn Văn Thanh (TDP Phú Cường)… nuôi từ 15 đến 30 con bò, hàng năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Về kinh tế gò đồi, có 80 hộ tham gia nhận đất, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/năm.
 
Ông Phạm Minh Điền chia sẻ thêm: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, để Lệ Ninh phát triển xứng tầm một đô thị văn minh, hiện đại phía Tây huyện Lệ Thủy, cần nhất là sự đầu tư xây dựng đường giao thông. Hiện tại, toàn bộ thị trấn còn 5km đường liên xã qua trung tâm; 2km đường nội thị; 10km đường trong khu dân cư cần sửa chữa, bê tông mới…”
Ngô Thanh Long

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm