5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn: Tích cực và quyết liệt hơn nữa

- Advertisement -
(Kinh tế) – Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên các loại động vật trên cạn đang diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ tái bùng phát. Trước thực trạng trên, Quảng Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động đối phó.
 
Cuối năm 2019, đàn lợn toàn tỉnh có 241.363 con, tăng 2% so với thời điểm xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đàn gia cầm có 4.260.553 con, tăng 1 triệu con so với tháng 6-2019. Tổng đàn trâu, bò tương đương so với cùng kỳ. Năm 2019, DTLCP đã xảy ra tại 351 hộ ở 158 thôn của 38 xã trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố, thị xã. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng.
 
Tính đến ngày 5-3-2020, cả nước đang có 37 ổ dịch cúm gia cầm, tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Dịch chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng. Hiện Quảng Bình chưa ghi nhận trường hợp phát sinh ổ dịch cúm gia cầm nào. 
Phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn: Tích cực và quyết liệt hơn nữa Phun tiêu độc khử trùng xe chở gia súc, gia cầm tại một chốt kiểm soát dịch bệnh động vật.
Tuy nhiên, kết quả lấy mẫu giám sát chủ động năm 2019 cho thấy vi rút cúm A/H5N6 vẫn lưu hành, tồn tại ở các ổ dịch đã từng xảy ra trước đây, trong khi việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm tại địa phương trong năm 2019 đạt tỷ lệ rất thấp và chưa tiêm phòng đợt 1 năm 2020. Cùng với đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên tiềm ẩn nguy cơ cao bệnh xâm nhập, phát sinh và lây lan trong thời gian tới.
 
Để phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên cạn, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT, UBND các huyện, thị xã đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Nhờ đó, các loại dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được khống chế, chỉ còn 2 xã ở 2 huyện có DTLCP chưa qua 30 ngày (xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa; xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) và 1 xã phát sinh ổ dịch mới (xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa). Hiện tỉnh cũng đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp tỉnh. Ngoài ra, các địa phương đã thành lập các chốt tạm thời cấp huyện; triển khai thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn. Về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm và các mầm bệnh nguy hiểm khác đối với động vật trên cạn cũng được triển khai hết sức khẩn trương, nghiêm túc.
 
Năm 2019, dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi huyện Quảng Ninh. Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn một số hộ chăn nuôi ở xã Duy Ninh có lợn nhiễm bệnh chưa qua 30 ngày nên chưa công bố hết dịch.
 
Ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết: “Để phòng, chống dịch bệnh cho các loại vật nuôi, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh; thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không bán chạy, mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt). Đồng thời, huyện tổ chức cho các hộ buôn bán, giết mổ ký cam kết mua bán động vật khỏe mạnh, có nguồn gốc và tổ chức tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật…”
 
Tại huyện Minh Hóa, công tác phòng, chống dịch bệnh cho các loại động vật trên cạn đang được triển khai tích cực với các giải pháp mạnh, như: tiêm phòng vắc xin, phun tiêu độc khử trùng môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật… Nên từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Ông Đinh Quang Trung, một người chăn nuôi ở thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa cho biết: “Trong quá trình chăn nuôi, ngoài việc hoàn toàn cách ly gia súc gia cầm với môi trường bên ngoài, gia đình còn thường xuyên tiến hành vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong gia trại. Tôi cũng đã cẩn thận hơn trong việc nhập con giống, thức ăn, hạn chế cho người ra vào khu vực chăn nuôi”…
Phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn: Tích cực và quyết liệt hơn nữaNguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Quảng Bình là rất lớn.
Để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên cạn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã đưa ra những chỉ đạo quan trọng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh gần đây. Cụ thể,yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, sở ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương tổ chức Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn.
 
Cần chủ động thực hiện các giải pháp nguồn lực, kinh phí để phòng, chống dịch bệnh; phát hiện sớm, cảnh báo ổ dịch nghi ngờ và xử lý dứt điểm, không để lây lan diện rộng; triển khai tiêm phòng vắc xin đàn gia súc, gia cầm bảo đảm kế hoạch đề ra… Đồng thời, cần rà soát, nắm chắc tổng đàn vật nuôi và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để có biện pháp kiểm soát phù hợp, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…
Xuân Vương

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202003/phong-chong-dich-benh-dong-vat-tren-can-tich-cuc-va-quyet-liet-hon-nua-2175296/

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm