6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Thúc đẩy sản xuất, chủ động ứng phó với khó khăn

- Advertisement -
(Kinh tế) – Năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động lớn đến sản xuất và đời sống. Để khắc phục khó khăn, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho người dân trong mọi tình huống, Sở Nông nghiệp-PTNT đã tập trung mọi biện pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
 
Vụ đông xuân 2019-2020, diện tích gieo trồng cây lúa toàn tỉnh là 29.613ha/29.500ha, đạt 100,4% kế hoạch; nhiều cây trồng, như: ngô, lạc, khoai lang…, cũng được gieo trồng với diện tích lớn.
 
Ngay từ đầu năm, sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong toàn tỉnh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý, thời tiết mưa nắng thất thường, sáng sớm thường có sương mù đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển, gây hại cho cây trồng.
 
Hiện, trên cây trồng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, như: bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt trên cây ngô; bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng trên cây lạc… Đặc biệt, cây lúa đang phải đối mặt với bệnh đạo ôn trên lá với hơn 1.000ha bị nhiễm; hơn 700ha bị chuột phá hại… Cùng với đó, vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp, thời tiết cực đoan, nắng nhiều, mưa ít…, dự báo sẽ gây nguy cơ hạn hán trong thời gian tới.
 
Tình hình các dịch bệnh động vật trên cạn khác cũng diễn biến phức tạp, dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế nhưng đã để lại nhiều thiệt hại lớn, gây khó khăn trong công tác tái đàn.
 
Đặc biệt, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang ở giai đoạn rất phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế trong nước và thế giới. Tình hình này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là mặt hàng thủy sản.
 
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay, giá của nhiều loại thủy hải sản ở các tỉnh đã giảm từ 5-10% so với trước đó. Tại Quảng Bình, quý I là giai đoạn sản lượng khai thác hải sản của ngư dân chưa nhiều, các hồ tôm chưa thu hoạch, các mặt hàng xuất khẩu cũng ít nên mức độ ảnh hưởng chưa nhiều. Tuy nhiên, theo nhận định, do tác động của dịch Covid-19, giá tôm năm nay sẽ thấp, ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm khi thu hoạch”.
Thúc đẩy sản xuất, chủ động ứng phó với khó khănHiệu quả mô hình trồng rau công nghệ cao của Công ty CP thực phẩm xanh Đông Dương.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc (ngày 12-3) bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các tỉnh, thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp cần lưu ý không để khó khăn tác động, làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng sản phẩm và mất thị trường xuất khẩu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về lương thực, thực phẩm ngay sau dịch bệnh. Qua đó, các địa phương cần tập trung thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn để có đủ lương thực, thực phẩm cung ứng vững chắc trong mọi hoàn cảnh cho thị trường trong nước. Đồng thời, cần chuẩn bị các điều kiện để tranh thủ khi dịch Covid-19 giảm sẽ có đà thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
 
Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, ngành nông nghiệp Quảng Bình đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
 
Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, bảo đảm lúa đông-xuân chuẩn bị thu hoạch cho năng suất, chất lượng đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu giống cây trồng đã chuyển đổi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Cụ thể, vụ đông-xuân, ngoài các giống lúa chất lượng, thâm canh, các địa phương đã triển khai trồng giống mới có triển vọng, như: HN6, QS33, QS447, Bắc Hương… Bên cạnh đó, các giống lạc mới, triển vọng, như: L20, L29; đậu xanh SVĐX1… cũng được đưa vào gieo trồng.
 
Cùng với việc đưa vào các giống cây trồng mới, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng được triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, có các mô hình, như: rau thủy canh trong nhà kính của Công ty CP thực phẩm xanh Đông Dương; dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam; sâm Bố Chính của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm…
 
Về chăn nuôi, Sở Nông nghiệp-PTNT tiếp tục chỉ đạo các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng bám sát diễn biến thị trường, chỉ đạo người chăn nuôi tái đàn, nhất là đàn lợn, chú trọng chất lượng đàn, bảo đảm việc cung ứng thực phẩm cho thị trường, hạ giá thịt lợn.
 
Ông Mai Văn Minh cho biết, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái đàn chăn nuôi…, ngành đã đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển chăn nuôi, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm soát hoạt động giết mổ, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Quảng Bình sẵn sàng các điều kiện để tranh thủ khi dịch Covid-19 giảm sẽ có đà thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
                                                                                                                                                                  Lê Mai

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202004/nganh-nong-nghiep-quang-binh-thuc-day-san-xuat-chu-dong-ung-pho-voi-kho-khan-2176151/

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm