7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Mùa mật ong nuôi đầu tiên của người Mày, người Khùa

- Advertisement -

Người Khùa, người Mày từ xưa vốn được xem là “bậc thầy” săn mật ong rừng, nhưng đây là lần đầu tiên họ nuôi thành công đàn ong mật. Ngay từ vụ mật  ong nuôi đầu tiên, nhiều hộ đã có thu nhập khá nên bà con rất vui “cái bụng”…

Dãy núi Giăng Màn với những cánh rừng bạt ngàn cũng hàng trăm loại hoa rừng là nguồn thức ăn dồi dào cho ong mật. Trước đây, cứ đến mùa, người Khùa, người Mày sống ở 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa (Minh Hóa) lại rủ nhau vào rừng lấy mật ong, bởi đây là một trong những nguồn thu nhập chính của đồng bào. Bao đời nay, người Khùa, người Mày ở đây được xem là “bậc thầy” săn mật ong rừng, bởi họ có thể dễ dàng lấy được tổ ong rừng nằm trên những cây cao chót vót, hay những lèn đá dựng đứng.

Tuy vậy, từ trước đến nay, người Khùa, người Mày chưa khi nào nuôi ong lấy mật. Bắt đầu từ năm 2019, nhận thấy trên địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều loại hoa rừng phong phú, có tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật, chính quyền địa phương 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa đã định hướng và khuyến khích bà con phát triển nghề này, xem đây là một nghề có thể giúp bà con tăng thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, như: 135, 30a, 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa đã hỗ trợ mua con giống, tập huấn kỹ thuật để đồng bào người Khùa, người Mày phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Mùa mật ong nuôi đầu tiên của người Mày, người KhùaAnh Hồ Xai, người Khùa ở bản Ka In (xã Trọng Hóa) có thu nhập ổn định nhờ bán sản phẩm mật ong do chính tay mình nuôi.

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, người Khùa, người Mày ở xã bắt đầu nuôi ong lấy mật từ năm 2019 nhưng đến nay trên địa bàn xã đã phát triển được trên 500 đàn ong với 105 hộ nuôi.

“Mặc dù lần đầu tiên tiếp cận với nghề nuôi ong lấy mật nhưng nhờ được tập huấn kỹ càng nên bà con dần nắm vững kỹ thuật nuôi và biết cách nhân giống đàn ong mật. Đây được xem là một bước tiến dài của đồng bào, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy lộ trình giảm nghèo bền vững của xã”, ông Hạnh chia sẻ.

Trong khi đó, ở xã Trọng Hóa, bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã cũng cho biết, bắt đầu nuôi ong từ năm 2019, đến nay, toàn xã đã có 25 hộ nuôi với 125 đàn ong. Theo bà Thoi, tuy là lần đầu tiên nuôi ong nhưng nhiều hộ đồng bào người Khùa, người Mày ở xã đã nuôi rất thành công, nhiều hộ đã có thu nhập khá, như: Hồ Đeng, Hồ Khăm ở bản Ka In; Hồ Đam, Hồ Lai ở bản Hưng…

- Advertisement -

“Bắt đầu thu hoạch từ tháng 3-2020, trung bình mỗi tháng bà con trên địa bàn xã Trọng Hóa thu được trên 100 lít mật. Nhờ trên địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều loại hoa rừng nên chất lượng mật ong nuôi của bà con rất bảo đảm, không thua kém gì mật ong rừng. Hiện, mật ong nuôi được bà con bán với giá 170 nghìn đồng/lít, thấp hơn nhiều so với giá mật ong rừng. Tuy vậy, bà con ai cũng rất vui vì từ nay họ đã có 1 cái nghề, cho thu nhập ổn định lâu dài”, bà Thoi chia sẻ.

Xách  hơn 10 lít mật ong vừa thu hoạch đến bán cho một khách hàng đến từ TP.Đồng Hới, anh Hồ Xai, ở bản Ka In, cười thật tươi vì thu được gần 2 triệu đồng. “Trước đây, người Khùa miềng muốn có mật ong ăn và bán thì phải vất vả lên núi, lên rừng để lấy, nhưng nay chỉ cần ra vườn là có rồi. Nuôi con ong lấy mật cũng không khó lắm. Ngày ngày, đám ong mật cứ chăm chỉ đi khắp rừng kiếm mật, miềng cũng không phải chăm sóc gì nhiều, thi thoảng mới kiểm tra thùng ong. Vậy mà tháng nào cũng rứa, thùng ong nào cũng “binh hùng tướng mạnh”, cho miềng mật đều đặn…”, Hồ Xai tâm sự.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, xã đang tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ bà con để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, xem đây là 1 nghề  chính góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Để nghề nuôi ong lấy mật từng bước vững mạnh, sắp tới, ngoài việc hỗ trợ vốn, xã sẽ tổ chức cho bà con tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như những định hướng cho quá trình phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, theo ông Bắc, để nghề nuôi ong ở Trọng Hóa phát triển bền vững, thị trường tiêu thụ của sản phẩm vẫn đang là “bài toán” khó giải. “Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Minh Hóa đều có lợi thế về đồi núi đều phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nhưng tiêu thụ rất kém. Nhiều hộ nuôi ong thu hoạch mật rồi bán lẻ từng chai qua các mối quen giới thiệu mà không có thị trường ổn định nên việc duy trì cũng trở nên bấp bênh và kém hiệu quả. Vì vậy, việc cần thiết nhất vẫn là làm sao huyện Minh Hóa xây dựng được một kênh tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao giá trị mật ong và giúp bà con yên tâm nuôi ong lấy mật”, ông Bắc nói.

Lâm An

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202005/mua-mat-ong-nuoi-dau-tien-cua-nguoi-may-nguoi-khua-2177599/

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm