Trang chủ Đất và Người Quảng Bình Tháng 7 ở chốn linh thiêng

Tháng 7 ở chốn linh thiêng

0
300

Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè miền Trung, chúng tôi rong ruổi trên con đường Trường Sơn giữa mênh mông của núi, của đá. Thảng như nghe đâu đây tiếng cười, tiếng nói của những người lính, những nữ thanh niên xung phong (TNXP) năm nào đã hóa vào núi, vào suối.

Mân mê từng dòng tên tuổi khắc khi ở hang Lèn Hà, nhà văn Nguyễn Thế Tường, một người lính trở về từ chiến trường khốc liệt mắt đẫm lệ cứ thảng thốt một mình “Trẻ quá, các em chết trẻ quá, mới 16 tuổi chứ mấy. Trời ơi, binh nhì hy sinh, bình nhì thì mới vào chiến trường được vài ba tháng…”. Tôi quay mặt đi, nhìn vào cửa hang, vào núi rừng và nước mắt cũng ướt nhòa lúc nào không hay.

Mãi mãi tuổi 20 ở Trường Sơn

Đi trên con đường Trường Sơn hôm nay, lòng tôi chợt chùng xuống khi nghĩ tới các anh, các chị bộ đội và TNXP khi đến Trường Sơn. Nhiều người tạm biệt mái trường, gia đình đi đánh giặc khi vừa mang một nỗi nhớ thầm. 

Trong rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký của những người một thời ra trận đều có những trang viết đầy tài hoa và hoài niệm về các cung đường Trường Sơn. Những lời hứa, lời nhắc nhủ âm thầm, mộng mị của tuổi mười tám, đôi mươi làm thổn thức biết bao thế hệ. 

Tháng 7 ở chốn linh thiêng

Hình ảnh tái hiện cuộc sống lạc quan, vui vẻ của các cô gái tuổi mười tám đôi mươi ở hang Lèn Hà trước khi hy sinh.

Đêm đầu tiên đến Trường Sơn, giữa núi rừng bạt ngàn không ánh đèn, chỉ nghe tiếng vi vi của gió, tiếng kêu tiếng hú đến rợn người của núi rừng lại nhớ mẹ cha biết mấy, nhớ bạn bè, nhớ quê hương… Nhưng xác định mình đi đánh giặc là để bảo vệ những người mình thân yêu nhất nên nỗi nhớ nhiều khi phải gác lại”

“Lần đầu đến đường Trường Sơn, nghe tiếng bom đạn rùng rợn, chúng tôi không sao ngủ được. Lần đầu tiên xa quê hương, đi đánh Mỹ, phần nhớ nhà, nhớ bạn bè thân thuộc, phần vì tiếng bom đạn vang cả núi rừng. Nhiều người nghĩ: Cái ngày trở lại thăm quê hương có khi có, có khi không. Cứ thế thao thức, nước mắt chảy dài…”. 

Hay “Lần đầu nghe tiếng bom nổ giật bắn cả mình, ai nói không sợ đạn bom là không nói thật, mình rất sợ nhưng phải tìm cách chiến thắng đạn bom thôi. Ước chi chiến tranh kết thúc, mang chiếc chõng ra giữa sân nhà nằm ngắm trăng rồi xây dựng cuộc sống thật đầm ấm, giản dị với người đó thì thích biết mấy…”.

Đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình nơi chia thành 2 nhánh Đông-Tây cũng là nơi giặc Mỹ bắn phá suốt ngày đêm. Giờ đây, nhiều người về già nhưng khi nhắc đến Trường Sơn, nhắc đến tuổi 20 ra trận vẫn luôn thổn thức về đồng đội những người còn nằm lại đâu đó trên tuyến lửa Quảng Bình, đó là: cầu Khe Ve, La Trọng, ngầm chữ A, bến phà Xuân Sơn, suối Rụng tóc… và đặc biệt ở hang Tám Cô và hang Lèn Hà. 

Sự hy sinh của các liệt sĩ TNXP ở hai hang này có thể nói là một trong những sự kiện bi thương nhất của bộ đội, TNXP trong những năm đánh Mỹ ở Trường Sơn qua đất Quảng Bình. Bởi ở đó, trong phút chốc 8 TNXP đã bị bom giặc “chôn sống” trong hang đá. Và phải mất gần 30 năm sau, các anh, các chị mới được tìm thấy để đưa về đất mẹ. 

Ngày 14-11-1972, bom Mỹ đánh ác liệt vào đường Trường Sơn. Để tránh bom, một đội TNXP của Đại đội C217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 vào hang đá trú bom. Bất ngờ, một quả bom rơi xuống đánh sập đá che kín cửa hang. 

Sau trận mưa bom của kẻ thù, đồng đội đi tìm và nghe tiếng kêu, gọi cứu của các TNXP trong hang nhưng do tảng đá hàng trăm tấn ngăn cách nên đồng đội không thể cứu họ ra khỏi hang. Nhiều đồng đội đã dùng ống tre rừng xuyên vào hang rồi đổ cháo loãng và sữa cho đồng đội… 

Sau gần 9 ngày như vậy, những tiếng kêu cứu trong hang đá thưa dần và cuối cùng, đồng đội chỉ còn nghe tiếng gọi tha thiết “mẹ ơi” rồi tất cả chìm lắng giữa rừng Trường Sơn trong buổi chiều buồn. 

8 TNXP đã hy sinh, người lớn tuổi nhất khi đó mới chỉ 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20, tất cả họ đều có quê ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Đạt, Hoằng Ngọc, Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của các liệt sĩ mới được đưa ra khỏi hang để đưa về đất mẹ…

Ông Lê Hùng Phi – nguyên Chủ tịch Mặt trận tỉnh Quảng Bình kể cho tôi nghe câu chuyện xúc động. Đoàn chiếu phim của Quảng Bình lên Trường Sơn chiếu phim phục vụ động viên TNXP năm 1968. Biết có đoàn chiếu phim đến, nên từ chiều hàng trăm nữ TNXP đã không kịp ăn tối, lội suối, trèo đèo đến điểm chiếu phim. 

Máy quay vừa lên hình thì máy bay Mỹ ập tới ném bom. Gần 20 nữ TNXP mất trong loạt bom đầu. Sau đó, đoàn chiếu phim xếp thi thể chị em nằm thẳng hàng và bật máy chiếu hết bộ phim cho chị em “xem lần cuối”. Hàng ngàn TNXP và đoàn chiếu phim vỡ òa trong nước mắt khóc thương đồng đội…

“Em không về vắng một cuộc đưa dâu”

Năm 1971, cả dân tộc cùng chung dòng suy nghĩ “Tất cả vì miền Nam, tất cả để đánh thắng”, Trạm cơ vụ A69 đóng tại hang Lèn Hà giữa núi rừng Trường Sơn bạt ngàn nắng gió. Nhiệm vụ của những người lính thông tin ở hang Lèn Hà là bảo đảm đường dây khai thác mạng thông tin hữu tuyến điện chiến lược của Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc, phục vụ cách mạng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Lào. 

Tháng 7 ở chốn linh thiêng

Nhà bia tưởng niệm ở hang Lèn Hà.

Ở hang Lèn Hà, chỉ với 2 chiếc máy VBO12, VBO3, tổng đài 100 số, máy TCT1, 2 chiếc máy nổ KVA và 2 nhóm bình ắc-quy 24 vôn, trạm cơ vụ A69 đã bảo đảm thông tin Bắc-Nam từ Hà Nội đến đường 9-Nam Lào. Còn Cụm kho Binh trạm 25 thuộc đoàn 559, Sư đoàn phòng không 367, bảo vệ các điểm trọng yếu trên tuyến đường giao thông huyết mạch từ Hương Khê-Hà Tĩnh đến Tân Ấp-Quảng Bình, Đồn Biên phòng Cha Lo. Các anh, các chị còn làm nhiệm vụ tiễu phỉ bảo vệ cửa khẩu biên giới Việt-Lào. 

Hang Lèn Hà – nơi trạm cơ vụ A69 đóng quân – nằm trong rừng già giáp biên giới nước bạn Lào. Muốn vào trạm phải vượt qua một đoạn dốc Bà Tôn, cao, trống trải, bên trong là núi đá và rừng. 

Lèn Hà cao chừng 150m, có đỉnh cao nhất là 320m, lưng chừng núi có một hang đá rộng khoảng 420m², được các chiến sĩ của binh trạm cải tạo thành nơi đặt máy móc điện đàm, dưới núi là rừng cây rậm rạp rất dễ ngụy trang được xây dựng khu nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ Binh trạm A69. 

Tại khu vực binh trạm, giặc bắn phá suốt ngày đêm nhưng những chàng trai cô gái của núi rừng vẫn hiên ngang, bình tĩnh tạo nên một mạng lưới thông tin thông suốt từ hậu phương đến tiền tuyến, nhất là các sở chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị tác chiến, góp phần tích cực đến thắng lợi to lớn của chiến dịch Quảng Trị năm 1972…

Tháng 7 ở chốn linh thiêng

Người dân thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống ở hang Lèn Hà.

Ngày hè đỏ lửa (2-7-1972), trong lúc các chiến sĩ Binh trạm A69 đang làm nhiệm vụ, máy bay giặc ập đến bất ngờ bắn pháo khói vào nhà ăn của trạm để chỉ điểm, chưa đầy 5 phút sau, 2 máy bay B52 đến ném bom, đánh phá, cả khu vực trạm cháy không ngừng. Địch đã cướp đi tuổi thanh xuân của 13 chiến sĩ tại binh trạm, trong đó có 10 chiến sĩ là nữ giới. 

13 chiến sĩ thông tin hy sinh khi đang cầm chặt ống nghe nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Sự hy sinh anh dũng của họ không khác gì những người con quả cảm của đất Việt ở hang Tám Cô, ngã ba Đồng Lộc hay Truông Bồn…

Trong số 13 chiến sĩ hang Lèn Hà hy sinh có 3 người là nam giới gồm Đàm Văn Trình, Trần Văn Xay và Dương Văn Chấn. 10 chiến sĩ nữ hy sinh tại hang Lèn Hà duy chỉ có chị Vũ Thị Lan lớn tuổi hơn. 9 chị em còn lại họ đều rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 16-17 như chị Chu Thị Mạnh và Ngô Thị Luận, Nguyễn Thị Anh, Lê Thị Châm, Cao Thị Xuyến, Trần Thị Loan, Nguyễn Thị Thảo, Hoàng Thị Linh, Bùi Thị Lung. 

Những câu chuyện xúc động ở hang Lèn Hà thật khó để chúng ta cầm được nước mắt khi nghĩ về họ. Đó là chiến sĩ Trần Văn Xay, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, một ngày trước khi hy sinh, anh nhận được tin vợ vừa sinh con trai. Chưa một lần được nhìn mặt con, anh đã ngã xuống giữa núi rừng Trường Sơn. 

Đó là chiến sĩ Chu Thị Mạnh, Mạnh vào chiến trường khi mới bước qua tuổi 15 và hy sinh khi vừa tròn tuổi 16. Chưa đủ tuổi nhập ngũ, Chu Thị Mạnh đã trèo lên cây dọa tự tử nếu không được nhập ngũ vào chiến trường. 

Lần theo dòng chữ trên tấm bia ở hang Lèn Hà, tôi thấy đó là chiến sĩ Nguyễn Thị Anh hy sinh cũng khi vừa tuổi 16. Nguyễn Thị Anh (quê Thanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ) nhập ngũ mang theo trong ba lô chiếc khăn quàng đỏ và con búp bê nhỏ. Cô còn trẻ con đến độ đêm đêm không ôm búp bê là không ngủ được. Một ngày trước khi hy sinh, Anh còn trò chuyện với người yêu đang ở Trạm A10 ngoài Hà Nội hẹn nhau sau này đất nước thống nhất, sẽ về ra mắt gia đình và nên vợ nên chồng. Ngày 2-7-1972, Anh đổi ca với một đồng nghiệp và rồi vĩnh viễn ra đi.

Trong số 13 chiến sĩ hang Lèn Hà hy sinh có 3 người là nam giới gồm Đoàn Văn Thàn, Trần Văn Xây và Lương Văn Chấn. 10 chiến sĩ nữ hy sinh tại hang Lèn Hà duy chỉ có chị Vũ Thị Lan (quê Vũ Tây, Vũ Thư, Thái Bình) lớn tuổi hơn, chị Lan được đơn vị đang làm thủ tục ra quân để về ra mắt gia đình người yêu… 

Đứng bên hang Lèn Hà khi nghe kể về câu chuyện tình xúc động của chị Vũ Thị Lan, thật khó cầm được nước mắt. Chị Lan yêu anh Hưng một người cùng đơn vị trên đường Trường Sơn. Cùng làm việc trên một cung đường nhưng vì nhiệm vụ có khi cả năm trời họ cũng chẳng được gặp nhau. Nhà chị Lan nghèo, nhà anh Hưng cũng chẳng khá hơn, biết được hoàn cảnh hai người, đơn vị cho chị Lan ra quân để tổ chức đám cưới và lo chuyện cho hai gia đình ở hậu phương. 

Ngày cưới đã cận kề, chị Lan lại hy sinh. Nén chặt đau thương mất người yêu, anh Hưng xung phong về trạm A69 để thay người yêu trực tuyến nơi điểm lửa. Chiều chiều, Hưng lại ra nơi người yêu hy sinh để kể về công việc hằng ngày ở trạm A69, mối tình Trường Sơn của họ thực sự như tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội trên đường ra trận…

Tôi lên hang Lèn Hà, thắp một nén nhang và nhìn khói hương bay trong chiều bảng lảng của tâm linh và hoài niệm. 13 bát nhang nằm cạnh nhau, khói hương bay trong chiều diệu vợi, tay mân mê dò từng cái tên của 13 người lính hy sinh nơi đây, tôi nghĩ tới những sự trùng hợp đến kỳ lạ. 

Cách hang Lèn Hà không xa khoảng 50 km, cũng trên trục trường Trường Sơn, có hang Tám Cô, nơi đó cũng có 13 người lính và TNXP hy sinh. Và ở Truông Bồn, số chiến sĩ hy sinh trong một ngày định mệnh cũng là 13 người. Nếu ở ngã ba Đồng Lộc có 10 nữ TNXP hy sinh cùng lúc thì ở hang Lèn Hà cũng có 10 chiến sĩ nữ hy sinh… Những cái chết bất tử của các anh, các chị làm cho khí thiêng của đất trời Việt Nam mãi trường tồn.

Dương Sông Lam

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây