7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Người dân Áng Sơn "sống chung" với môi trường ô nhiễm

- Advertisement -

Không chịu nổi khói bụi của 2 nhà máy xi măng và hàng trăm lượt phương tiện hàng ngày vận chuyển xả thải làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, sinh hoạt… người dân ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) đã làm đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng chỉ là tình huống tạm thời mà chưa có một phương án căn cơ bảo đảm an sinh xã hội…

Thực trạng đáng báo động!

Từ năm 2014, người dân thôn Áng Sơn đã có những động thái phản ứng 2 nhà máy xi măng của Chi nhánh Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân và Công ty CP Cosevco 6 vì tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực không được giải quyết dứt điểm.

Mới đây, 15 hộ dân sinh sống dọc trục đường vào 2 máy xi măng nói trên, tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng vì tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa… đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, sinh hoạt hàng ngày của họ.

Người dân Áng Sơn "sống chung" với môi trường ô nhiễm Điểm đấu nối đường vào nhà máy với đường Hồ Chí Minh xuống cấp nghiêm trọng.

Anh Bùi Mạnh Hùng, ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh cho biết, với khoảng cách chưa đến 600m nhưng ở khu vực này có đến 3 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có 2 nhà máy xi măng của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân và Công ty CP Cosevco 6 nằm cạnh khu vực sinh sống của các hộ dân, nơi gần nhất chỉ cách bức tường rào, nơi xa nhất chỉ hơn 200m. Hàng ngày, việc vận chuyển xi măng, clinker, đá… và hoạt động sản xuất cả ngày lẫn đêm của các nhà máy đã làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, việc làm, thu nhập của người dân nơi đây.

Tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài khiến người dân thôn Áng Sơn cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, khổ sở vì khói bụi. “Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với các nhà máy nhưng tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc di dời, đền bù, giải tỏa các trường hợp trong khu vực ô nhiễm nặng để các hộ dân ổn định cuộc sống”, một người dân giấu tên cho hay.

Có mặt nơi đây vào những ngày cao điểm nắng nóng của tháng 7-2020, phóng viên chứng kiến cảnh cả tuyến đường mặc dù được tưới nước nhưng bụi bẩn vẫn vương bám lên nhà cửa, trường học, cây cối…

- Advertisement -

Năm 2018, anh Bùi Mạnh Hùng và gia đình mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở nhà hàng nhưng tình trạng bụi bặm ngày càng gia tăng, khách hàng e ngại. Vậy là nhà hàng lâm vào tình cảnh hiu hắt rồi đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Gia đình anh rơi vào cảnh nợ nần…

Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho hay: Không chỉ 15 hộ dân đứng đơn khiếu kiện về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của 2 nhà máy, qua rà soát có thêm 15 hộ dân cũng bị ảnh hưởng (trong đó có 28 hộ ở thôn Áng Sơn và 2 hộ ở thôn Xuân Sơn-P.V).

Được biết, Nhà máy xi măng của Chi nhánh Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân hoạt động sản xuất clinker với công suất 1.500 tấn/ngày, xi măng 7 tấn/giờ; Nhà máy xi măng Áng Sơn (Công ty CP Cosevco 6) có 2 dây chuyền nghiền xi măng với nguồn clinker do Nhà máy xi măng Sông Gianh và Nhà máy VCM Quảng Bình cung cấp với tổng công suất 300.000 tấn xi măng/năm. Hàng ngày, mỗi nhà máy có khoảng 100 lượt xe ô tô tải vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất cho nhà máy và vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Ngoài ra, trong khu vực này còn có một cơ sở sản xuất gạch block.

Quan tâm giải quyết kiến nghị của người dân

Người dân Áng Sơn "sống chung" với môi trường ô nhiễmBụi bẩn phủ dày trên trên các vật dụng trong nhà dân.

Sau khi các hộ dân ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) gửi đơn kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh của công dân.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề trong quá trình hoạt động của 2 nhà máy, đó là: trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất cho nhà máy và vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ từ cổng nhà máy đến đường Hồ Chí Minh và tỉnh lộ 10 (nay là đường 9B-P.V) có phát sinh bụi cuốn gây ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, tại điểm đấu nối đường vào nhà máy với đường Hồ Chí Minh chưa được gia cố nên phát sinh tình trạng ô nhiễm bụi cuốn do xe vận chuyển chưa được giải quyết triệt để. Tại khu vực lưu chứa clinker vẫn còn hiện tượng bụi cuốn khi có gió lớn làm phát tán ra môi trường xung quanh.

Đối với nhà máy xi măng thuộc Công ty CP Cosevco 6, tại các khu vực xuất xi măng vẫn còn hiện tượng bụi rơi vãi và bụi cuốn khi có gió lớn phát tán ra môi trường xung quanh, đồng thời trên bề mặt khuôn viên sân bãi vẫn còn hiện tượng phát sinh bụi cuốn do xe vận chuyển lưu thông và bụi cuốn khi có gió lớn phát tán ra môi trường xung quanh.

- Advertisement -

Đoàn kiểm tra cũng đề xuất giải pháp hạn chế tốc độ và hoạt động xe tải từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau trên đoạn đường đi qua 2 nhà máy (đường Hồ Chí Minh đến tỉnh lộ 9B); xử lý kỹ thuật tại giao điểm đấu nối giữa đường vào 2 nhà máy và đường Hồ Chí Minh; chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của 2 nhà máy… Đối với Công ty CP Cosevco 6, tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp, các biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh tại khu vực xuất xi măng; phun ẩm trên bề mặt khuôn viên sân bãi của các nhà máy để giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm…

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Sự việc người dân kiến nghị về hiện tượng ô nhiễm môi trường ở thôn Áng Sơn đã diễn ra trong khoảng 10 năm trở lại đây. Cao điểm nhất là các năm 2014-2016. Do đó, một số hộ dân sinh sống gần nhà máy xi măng của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân đã được bồi thường để di dời. Đồng thời, huyện cũng đã báo cáo tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư với diện tích gần 2ha ở khu vực Cửa Trại. Hiện, người dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, nhưng theo thẩm quyền, huyện sẽ tiếp tục động viên nhân dân ở khu vực này bình tĩnh, không có những động thái làm ảnh hưởng đến trật tự trị an, đồng thời kiến nghị cấp trên có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Chúng tôi tìm đến khu vực tái định cư Cửa Trại, xã Vạn Ninh. Từ đường 9B đi vào một đoạn khá xa, khu tái định cư vắng vẻ, hiu quạnh. Một người dân cho hay, hệ thống cơ sở hạ tầng nơi đây phục vụ cho khu tái định cư nhưng do đầu tư “không đến nơi đến chốn” và chưa phù hợp đối với các hộ kinh doanh, dịch vụ nên đến nay dở dang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Nhà máy xi măng Vạn Ninh (Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân) cho biết, năm 2014, để giải quyết kiến nghị của các hộ dân xung quanh khu vực nhà máy xi măng bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, Công ty đã chi trả trên 30 tỷ đồng bồi thường di dời 25 hộ dân. Hiện tại, nhà máy luôn duy trì 1 xe bồn để tưới đường và điều tiết phù hợp các phương tiện vận tải ra vào, nhằm giảm lượng bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển xi măng, clinker.

Thiết nghĩ, những biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực này của 2 công ty là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân thôn Áng Sơn, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các công ty nói trên nên xem xét lại các quy định về công tác quy hoạch, giới hạn khoảng cách giữa nhà máy và các hộ dân bị ảnh hưởng để từ đó có phương án đền bù, giải tỏa, di dời thấu tình đạt lý.

Năm 2007, Sở Xây dựng đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về việc cho ý kiến quy định chiều rộng tối thiểu dải cách ly giữa nhà máy xi măng tới khu dân cư đối với 2 dự án đầu tư xây dựng, gồm: Nhà xi măng Áng Sơn, tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh và Nhà máy xi măng Chí Thành, tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn).

Bộ Xây dựng đã có công văn phúc đáp số 124/BXD-KHCN, ngày 9-10-2007, về việc quy định chiều rộng tối thiểu dải cách ly giữa nhà máy xi măng tới khu dân cư.  Theo đó, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam được ban hành theo quyết định số 682/BXD-CSXD, ngày 14-12-1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (đang trong quá trình soát xét) hiện nay vẫn là văn bản quy phạm kỹ thuật đang có hiệu lực thi hành. 

Liên quan đến khoảng cách cách ly vệ sinh giữa công trình công nghiệp với khu dân cư theo mức độ độc hại, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đã quy định tại Điều 4.11. Khoảng cách ly vệ sinh giữa xí nghiệp, kho tàng với khu dân dụng: nhà máy sản xuất xi măng thuộc cấp độc hại I có dải cách ly tối thiểu 1.000m.

Nhóm P.V Bạn đọc

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/toa-soan-ban-doc/202007/nguoi-dan-ang-son-song-chung-voi-moi-truong-o-nhiem-2179348/

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm