6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ký ức chưa xa

- Advertisement -

31 năm đã trôi qua kể từ ngày Quảng Bình trở về địa giới cũ, nhưng trong ký ức những thế hệ người Quảng Bình thời ấy, mọi thứ dường như vẫn mới mẻ, vẹn nguyên. Trong câu chuyện của mình, ông Mai Xuân Thu (phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) nhớ rất rõ từng dấu mốc thời gian và sự kiện. Và ông không quên câu nói nổi tiếng của Chủ tịch UBND thị xã Đồng Hới thời ấy là ông Nguyễn Xuân Chàm, rằng: “Đồng Hới dang tay ôm tỉnh vào lòng!”.

Chiều muộn ngày cuối tháng sáu, trong căn nhà xây dựng từ năm 1991 tại phường Đồng Hải, ông Mai Xuân Thu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhớ lại từng dấu mốc ngày, tháng của hơn 30 năm trước. Đó là phiên họp bất thường của Tỉnh ủy Bình-Trị-Thiên, các nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ… về việc chia tách tỉnh.

“Có thể nói quyết định chia tách 3 tỉnh Bình-Trị-Thiên thời điểm đó phù hợp với điều kiện phát triển và đặc biệt là nguyện vọng của cán bộ, nhân dân. Bởi phù hợp nên khi quyết định được ban hành, không khí sôi động, khẩn trương và háo hức ngập tràn trong lòng những người con Quảng Bình. Tôi lúc ấy là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình, cũng như tất cả mọi người lúc bấy giờ, sẵn sàng cùng mọi người chung tay tái thiết quê hương!”, ông tâm sự.

Sẵn sàng và háo hức, nhưng khi trở về Đồng Hới, thị xã trung tâm tỉnh lỵ, họ phải đối mặt với chồng chất khó khăn. Đầu tiên là việc bố trí nơi ăn chốn ở, văn phòng làm việc cho gần 6.000 người là cán bộ các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các cơ quan Trung ương. Một số trụ sở các cơ quan tại thị xã lúc bấy giờ được tạm thời bố trí ghép nhiều cơ quan sử dụng. Nơi làm việc cũng đồng thời là nơi ở của nhiều cán bộ, còn gia đình, người thân của họ vẫn tạm thời ở Huế để đợi sắp xếp ổn thỏa mới trở về.

Ký ức chưa xa Thành phố Đồng Hới hôm nay.

“Thời điểm này, anh Thái Bá Nhiệm là Bí thư Tỉnh ủy, anh Trần Đình Luyến là Phó Bí thư Tỉnh ủy, anh Trần Sự là Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng với các đồng chí của mình, các anh đã ban hành nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời, đặc biệt là việc quy hoạch lại thị xã Đồng Hới, cấp đất và cho cán bộ vay tiền xây nhà. Chỉ trong gần hai năm, những khó khăn ban đầu đã được giải quyết ổn thỏa, thị xã dần mang một diện mạo mới khang trang và quy củ.

Có thể nói, địa phương nhận sự tác động mạnh mẽ nhất của sự kiện chia tỉnh là thị xã Đồng Hới, cũng đồng thời là “điểm tựa” cho tỉnh vào những thời khắc khó khăn, mà như đồng chí Nguyễn Xuân Chàm, Chủ tịch UBND thị xã thời ấy từng thốt lên rằng: “Đồng Hới dang tay ôm tỉnh vào lòng”!”, ông Mai Xuân Thu bồi hồi nhớ lại.

Giữa ngổn ngang khó khăn, đúng ngày 1-7-1989, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình phát sóng chương trình đầu tiên. Và chỉ sau 15 ngày tỉnh nhà trở về địa giới cũ, tỉnh đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15-7-1949 – 15-7-1989) với gần 500 khách mời đã tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi trong toàn tỉnh. Có thể nói, đây là những thời khắc lịch sử khó quên khi các đồng chí cán bộ lão thành, người có công với cách mạng, cán bộ, đảng viên… có dịp tham gia lễ kỷ niệm, cùng nhau ôn lại truyền thống và thảo luận về những dự định tương lai. Cũng trong dịp này, Báo Quảng Bình đã xuất bản số báo đầu tiên sau 13 năm hòa chung tiếng nói cùng nhân dân Trị-Thiên.

- Advertisement -

Những ngày đầu tách tỉnh, nhiều nhiệm vụ khó khăn và cấp bách đã hoàn thành trong một thời gian ngắn. Đó là việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy cán bộ tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong bối cảnh khó khăn chồng chất. Và sau tròn hai tháng, một trong những vấn đề nan giải nhất là trường lớp cho con em đã hoàn thành để các em bước vào năm học mới đúng thời gian quy định. Trước đó, vụ sản xuất đông-xuân 1988-1989 bị thất bại cũng là thách thức, đồng thời là quyết tâm để Đảng bộ, chính quyền tỉnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp bảo đảm chắc thắng.

Và đúng như thế, vụ đông xuân 1989-1990 đạt năng suất, sản lượng như kế hoạch đã tạo động lực để Quảng Bình vững vàng trên hành trình mới. Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy Quảng Bình đã tập trung xây dựng các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp… nhằm phát huy tối đa hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của tỉnh lúc bấy giờ.

Ba mươi mốt năm chỉ là chớp mắt của thời gian, những ký ức ngày ấy dường như vẫn còn vẹn nguyên trong lòng nhiều người. Và sau hành trình ấy, Quảng Bình đã có những đổi thay to lớn đến ngỡ ngàng. Kinh tế-xã hội phát triển, bắt kịp xu hướng của thời đại. Hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, đưa Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh có ưu thế lớn về giao thông, là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, tiếp tục hành trình phát triển.

Kết thúc câu chuyện, ông Mai Xuân Thu chia sẻ về ngôi nhà của mình được xây dựng từ năm 1991 nhờ chính sách cho cán bộ vay tiền làm nhà, nay được sửa sang lại trên thiết kế cũ với niềm tự hào. Nói về những đổi thay của quê hương, ông không quên khẳng định: “Trong bối cảnh khó khăn nhưng chúng ta đã đạt nhiều thành quả quan trọng là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của các tỉnh bạn và đặc biệt là vai trò điều hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, sự quyết tâm, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tôi cảm thấy mình may mắn khi được chứng kiến và đồng hành trong quãng thời gian lịch sử này. Và tôi tin, Quảng Bình sẽ ngày càng phát triển, như quyết tâm và kỳ vọng của thế hệ chúng tôi những ngày đầu tỉnh nhà trở về địa giới cũ và niềm tin, khát vọng của các thế hệ hôm nay!”.

Ngọc Mai

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202007/ky-uc-chua-xa-2178811/

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm