6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tình đồng bào trong cơn lũ dữ

- Advertisement -

Trận “đại hồng thủy” vừa qua ở miền Trung đã gây ra bao đau thương cho người dân. Trong hoạn nạn, lại hiện lên tình làng nghĩa xóm thật đẹp. Nhiều gia đình ở Quảng Bình đã cưu mang hàng xóm láng giềng trên đỉnh lũ, phải ăn cháo nhường cơm cho người dân chạy lũ, cứu người đến kiệt sức vẫn xả thân.

Tình đồng bào trong cơn lũ dữ

Ông Võ Văn Bình và cháu ngoại Võ Nhật Thanh sau khi đi cứu người về thì tài sản trong nhà bị hư hỏng hết

Cưu mang nhau lúc nguy cấp

Đang dọn lại căn nhà bề bộn sau lũ, cụ Đặng Đại Trung (thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nói: “Nhà tui cao nhất trong xóm nên khi lũ lên to có 15 người đến ở nhờ. Vợ chồng già tôi chuẩn bị chỉ 10kg nên thiếu trước, hụt sau. Trong 15 người chạy lụt, có một bà bầu và một chị vừa sinh con mới một tháng nên ưu tiên cho ăn ngày 3 bữa, để có sữa nuôi con và dưỡng thai. Còn lại chia phần mỗi ngày trong đỉnh lũ ăn 2 bữa mà cầm cự với nước bạc”.

Nhà cụ Trung có một phòng lầu tầng 2 nhưng chật, ông đành vạch phần áp mái ngôi nhà chính để cho người làng đến ở gần 10 ngày trong đợt lũ kinh hoàng vừa qua. Chị Trương Thị Duyên, vừa có bầu vừa đưa 2 con qua nhà cụ Trung chạy lũ, nói: “Mẹ con an toàn trong lũ là phúc lớn nhờ bác Trung. Nhà em nước ngập sát nóc, chỉ chạy thoát thân, không giữ được tài sản gì. Nhưng còn người thì còn của. Cả xóm này cảm ơn gia đình bác, như tái sinh sau trận đại hồng thủy”.

Sâu dưới xóm 1, thôn Tuy Lộc (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy), nhà cụ Lại Tấn Bắc, thương binh 1/4, có cái sàn nhỏ 2 tầng, đã cưu mang 15 người hàng xóm đến chạy lũ. Cụ Bắc kể: “Năm nay tui 78 tuổi, chưa bao giờ trải qua trận lũ nào như vừa rồi. Bà con qua 15 người, vợ tui 74 tuổi, không còn lanh lẹ nữa, nhưng tình làng nghĩa xóm lúc hoạn nạn thì làm sao bỏ được đồng bào. Ai qua được là đón lên gác 2. Chật chội nhưng mà thoát chết. Nhà tui chỉ có 20 lon gạo, tui với bà nhất trí ăn cháo ngày 2 bữa cầm hơi, còn nhường gạo lại cho bà con. Mỗi bữa 15 người chạy lụt phải chia phần 4 lon, mỗi ngày 2 bữa, ai cũng ăn cầm hơi. May đến lúc hết gạo có đoàn cứu trợ chạy thuyền của ngư dân vùng biển vô cứu tế mì tôm mới bớt căng thẳng”.

Tại rốn lũ Lệ Thủy và Quảng Ninh có hàng trăm nóc nhà cưu mang người làng như thế. Trước khi những đoàn cứu trợ đến kịp thì tình nghĩa xóm giềng được phát huy, giữ vững trong việc nhường cơm xẻ áo.

- Advertisement -

Cứu đói cả làng và cảnh báo chạy lũ

Bác bảo vệ tốt bụng ở Trường THCS Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) Nguyễn Việt Biên đã cùng con gái Nguyễn Hà Phương, cô giáo dạy văn của trường và con rể Lê Đình Anh đã 3 ngày trong “đại hồng thủy” đi tiếp tế quần quật cho bà con thôn Quảng Xá, từ đầu xóm đến cuối thôn.

Cả ba cha con họ quần quật không nghỉ để tiếp tế nhu yếu phẩm cứu đói hàng trăm người Quảng Xá. Cô giáo Hà Phương nói: “Nhà em nền nhà cao nhất làng nhưng nước cũng vào đến 1,2m. Bà con kêu thiếu đói mà thương, ba tôi có cái đò chèo tay vượt lũ, vượt sông kiếm cái ăn cho dân làng. Chèo từ sáng đến tối mịt mới tiếp tế được hết cả làng. Một miếng ăn, một chai nước xin được trong lũ cao rất khó khăn, đưa về tận tay dân làng càng nan giải hơn nhiều. Mệt mấy cũng phải làm vì bà con rất cần. Tôi cùng ba và chồng làm vì nghe bà con kêu khổ quá, không cầm được lòng”.

Ông Nguyễn Việt Biên thổ lộ: “Sống ở giữa làng, lớn lên ở làng, con cái cũng làm việc gần làng, hưởng nhiều tiếng tăm của làng, lúc lụt to mình có sức thì giúp dân bằng sức, có sức mà không giúp thì thấy hổ thẹn với lương tâm nên cố hết sức thôi”.

Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, ông Nguyễn Văn Hoan, nói: “Chúng tôi nghe bà con khen ngợi việc làm đầy tính nhân văn của cha con ông Nguyễn Việt Biên mà cảm động. Hành động của họ đáng được biểu dương, khen ngợi”.

Sâu trên xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) là người đàn ông nhỏ thó Nguyễn Văn Tráng, được đồng bào Vân Kiều 18 bản làng ở đây thương mến vì nói được, làm được, giúp dân chí tình chí lý. Đợt lũ lịch sử vừa qua, Trường Sơn mưa xối xả, ông Tráng thức canh 10 đêm trời cập nhật mực nước trên trang Facebook cá nhân để cảnh báo cho hàng ngàn người dưới miền xuôi huyện Quảng Ninh cứu người, cứu tài sản. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, nói rằng: “Nhờ thông tin cực kỳ quý giá của anh Tráng ở Trường Sơn mà bà con các xã miền xuôi như chúng tôi chủ động tránh lũ, giảm thiểu thiệt hại về người và của”. Ông Tráng bộc bạch: “Mưa quá lớn, tui sắp đặt cho vợ con rồi chạy đi coi từng nguồn nước đổ về sông Long Đại, nó lớn lắm, dữ dằn lắm, tui lên trang Facebook cá nhân cảnh báo 10 ngày liên tiếp, cập nhật từng giờ nên bà con dưới xuôi gọi điện cảm ơn lắm”.

Bỏ tài sản cứu trăm dân

Thôn Đồng Tư (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) lũ lên nhanh nhấn chìm mọi thứ. Ông Võ Văn Bình và cháu ngoại Võ Nhật Thanh (15 tuổi) đã lao đò máy cole ra giữa dòng lũ xiết quần quật 2 ngày 1 đêm, chỉ ăn cầm hơi mì tôm sống mà cứu được hơn 100 người. Cụ Bình kể: “Con gái tui làm ăn xa, nó đăng trên trang Facebook cá nhân của nó, là bố có đò máy, ai cần cứu giúp cứ gọi theo số điện thoại của tui. Rứa là bà con khắp thôn gọi, họ gọi cả ngày cả đêm, gọi bất cứ lúc nào. Hai ông cháu nóng ruột nóng gan vì bà con gọi cứu rất nhiều, thế là hai ông cháu cứ thế lao đò cứu dân, nhà cửa bỏ lại”.

- Advertisement -

Sau 2 ngày 1 đêm cứu người, hai ông cháu lái đò qua bên kia sông đổ xăng đầy bình nhằm ứng cứu thêm, nhưng ra giữa đồng thì đâm phải cột mốc con đê, đò vỡ. Hai ông cháu phải bơi vào bờ tìm đường về nhà trong run sợ. Lúc về, căn nhà của ông Bình nước ngập sát nóc, vì mải cứu nhiều người nên không thể cứu được bất cứ tài sản gì của mình. Hai ông cháu vớt được mấy tấm ván, kê lên rồi nằm ngủ trong ướt lạnh, không có một manh áo khô để mặc.

Em Võ Nhật Thanh: Hai ông cháu không sợ mưa lũ, chỉ sợ trong làng có ai chết vì không cứu kịp là ân hận. Chừ lũ rút, làng không có ai mất là hai ông cháu rất mừng

Lũ rút, các đoàn cứu trợ đến, thứ đầu tiên ông Bình xin không phải đồ ăn mà là mấy bộ áo quần cũ cho hai ông cháu mặc đỡ lạnh. Cho đến bây giờ, căn nhà của ông vẫn rất bề bộn.

Anh Nguyễn Văn Song, trú thôn Bắc Ngũ (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) đã mất vì kiệt sức khi cứu người, cứu tài sản cho dân làng. Lũ lên, anh Song dầm nước bạc mấy ngày cứu đồ giúp dân trong xóm. Chiều 18-10, nghe tin trong làng chìm đò 3 người chới với, anh lao đến cứu sống an toàn. Về lại nhà để dọn đồ thì kiệt sức qua đời. Anh Song làm nghề thợ hồ, vợ là Nguyễn Thị Hồng, ở nhà làm may vá. Hai vợ chồng vay 600 triệu đồng xây căn nhà nhỏ, vừa trả nợ được 200 triệu đồng thì anh mất, để lại món nợ quá lớn với chị Hồng. Vợ chồng anh có con gái Nguyễn Hương Giang đang học lớp 10, Nguyễn Hải Nam học lớp 3. Giờ đây, 3 mẹ con nương tựa vào nhau. Anh mất đi, để lại thâm tình nghĩa làng xóm thêm bền chặt, cả làng cứ thương tiếc anh, động viên vỗ về mẹ con chị Hồng vượt qua thương đau, vì thế mà nhiều tấm lòng đã hướng về cưu mang.

Lũ lụt lịch sử để lại nhiều hậu quả, nhưng trong cơn hoạn nạn, tình làng nghĩa xóm bừng lên. Những nghĩa cử đã được khơi dậy mạnh mẽ trong lúc thiên tai, làm sáng lên giá trị nhân bản trong mỗi con người…

MINH PHONG

Nguồn tin:  Báo Sài Gòn giải phóng

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm